Lão nông biến đồi hoang thành “thung lũng vàng”, thu về nửa tỷ đồng mỗi năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Bằng sự quyết tâm và sức lao động cần mẫn, không ngừng nghỉ, ông Đinh Duy Lý đã biến những quả đồi heo hút, trơ trọi thành trang trại trồng đủ thứ cây ăn quả, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Chúng tôi đến gia đình ông Đinh Duy Lý (sinh năm 1967) ở thôn Khuổi Nằn II, Thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, Bắc Kạn đúng dịp thu hoạch cam, quýt. Đứng từ xa, ngôi nhà của ông được xây khang trang giữa trang trại cây ăn quả mênh mông, sắc vàng của trái chín làm sáng bừng những sườn đồi.

Đứng giữa cơ ngơi tiền tỷ của gia đình ông Đinh Duy Lý ít ai nghĩ rằng trang trại này từng là đồi hoang cằn cỗi, chẳng mấy ai biết đến và qua lại. Để có hành trình đi đến hôm nay, ông Lý đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách để tìm hướng làm giàu cho gia đình.

“Những năm đầu thập niên 90 vợ chồng tôi làm kinh tế nông nghiệp với 6.000 mét vuông ruộng. Cuộc sống bấp bênh, mọi khoản chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào tiền bán lúa gạo. Bản thân tôi phải xoay sở với nhiều công việc, khi thì tranh thủ xuống sông đánh bắt cá hoặc lúc nông nhàn lại đi làm thuê… Công việc vất vả, thu nhập chỉ đủ trang trải không có dư dả nên tôi quyết định tìm hướng đi mới”, ông Lý kể.

Ông đã mua hơn 20 ha đất đồi, cỏ mọc um tùm để khai hoang, phát triển một số cây ăn quả là đặc sản địa phương.

Ông đã mua hơn 20 ha đất đồi, cỏ mọc um tùm để khai hoang, phát triển một số cây ăn quả là đặc sản địa phương.

Nhận thấy đặc sản cam quýt của Na Rì được nhiều người ưa chuộng bởi vị ngọt, thơm đặc trưng, ông Lý đã mua gần 20 ha đất đồi của bà con địa phương để làm trang trại. Ở vùng núi nghèo, người dân chỉ quen trồng lúa, sắn… nhưng ông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai phá những quả đồi um tùm cây cỏ dại để thực hiện khát khao làm giàu.

Năm 2010, trang trại cây ăn quả của ông Lý được hình thành, với 10 ha được quy hoạch hợp lý, trong đó 400m mặt nước vừa nuôi cá trắm, cá chép, vừa là nơi trữ nước cho cây trồng.

Để phát triển kinh tế trang trại với quy mô lớn, ngay từ đầu ông Lý không ngần ngại bỏ vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng kéo đường dây diện vượt đồi để sử dụng và mở gần 1km đường rộng phục vụ đi lại, để tiện vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ và cho xe ô tô của thương lái vào được đến trang trại.

Áp dụng giải pháp lấy ngắn nuôi dài, ban đầu ông trồng 200 cây cam đường và khoảng 400 cây bưởi diễn. Vừa làm ông vừa tự đúc rút kinh nghiệm, kết hợp tham quan học tập mô hình trồng cây cam đường canh tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Viện Rau quả. Nhờ đó ông đã vận dụng các kiến thức quý giá về kỹ thuật trông cây ăn quả ngay tại nông trại của gia đình.

Từ những quả đồi trơ trọi ngày xưa giờ đã vàng óng sắc quả của cam, quýt, bưởi...

Từ những quả đồi trơ trọi ngày xưa giờ đã vàng óng sắc quả của cam, quýt, bưởi...

Cây không phụ lòng người, sau 3 năm, vườn cây lần lượt cho ra trái ngọt, cho thu nhập từ 50-150 triệu đồng. Không chỉ thuần thục trong việc chăm sóc cây, ông còn tự ghép, chiết cành, nhân rộng cây giống.

Thấy hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục đầu tư thêm cây giống và mở rộng diện tích thêm 10 ha. Trong đó, nhiều nhất là cam đường với diện tích hơn 3,5 ha với hơn 2000 cây; khoảng 400 cây bưởi diễn và hơn 500 cây quýt.

Với đặc điểm thuận lợi là cây được trồng trên loại đất đỏ cát, vị trí đồi thoáng đãng, quang hợp tốt nhờ đó hương vị cam của nhà ông luôn thơm, ngọt và căng múi, rất được lòng khách. Tiếng lành đồn xa, các thương lái tận Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh… tìm đến liên kết tiêu thụ, ước tính từ 3-5 tấn mỗi ngày. Doanh thu mỗi năm đạt được từ 300-400 triệu đồng.

Dự kiến năm 2020, gia đình ông thu về được trên 500 triệu đồng từ cam, quýt, bưởi...

Dự kiến năm 2020, gia đình ông thu về được trên 500 triệu đồng từ cam, quýt, bưởi...

Bằng sự năng động và hoạt bát ông Lý cũng tự mở rộng thêm thị trường, mang cam, quýt đi bán tại các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh. Có ngày nhà ông bán lẻ được 5 tạ cam ở tỉnh bạn, đó là động lực để ông làm việc không biết mệt mỏi. Ngoài ra ông Lý cũng ký hợp đồng cung cấp cam đường cho một số siêu thị tại Hà Nội.

Sau mười năm tạo dựng, học hỏi và không ngừng phát triển mô hình trang trại cam quýt ông Lý đã có đời sống khấm khá, ổn định. Ngôi nhà ba lần dựng lại bằng tre, gỗ nay được thay bằng một ngôi nhà xây kiên cố, trang trang nhất vùng.

Theo ông, năm nay thời tiết thuận lợi nên cam quýt chín nhanh hơn, giá cả cũng trội hơn so với mọi năm. Nếu như năm 2019 giá cam đường bán cho các thương lái tại vườn chỉ dao động từ 16-18.000 đồng/kg thì năm nay được 22.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, có lãi hơn 300 triệu đồng từ bán cam, chưa kể bưởi và quýt. Dự tính năm nay ông thu về khoảng 500 triệu đồng.

Không ngừng học hỏi, tìm ra loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, nhu cầu của thị trường, trang trại của ông Đinh Duy Lý trở thành địa điểm được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh Bắc Kạn tới tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Không chỉ trực tiếp sản xuất, cai quản nông trại của gia đình ông Đinh Duy Lý còn giữ vai trò là giám đốc HTX Cam, quýt thôn Khuổi Nằn II, thị trấn Yến Lạc với 7 hộ tham gia trên tổng diện tích 20ha.

Theo ông Chu Văn Hưng - Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Yên Lạc (Na Rì, Bắc Kạn), ông Đinh Duy Lý chính là người đi đầu trong phát triển cây cam quýt tại địa phương, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động và trở thành mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho nhiều người học tập và làm theo.

Nguồn: [Link nguồn]

Bán trâu “tậu” baba nuôi dưới ao bèo, lão nông thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ

Từ số tiền 16 triệu đồng có được sau khi bán đi con trâu từng coi là “cơ nghiệp” của cả gia đình, lão nông Phan Ngọc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hương Ly ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN