Nóng tuần qua: Bưởi Diễn giá rẻ “giật mình”, lý do thực sự là gì?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Một số tin tức về thị trường trong nước đáng chú ý nhất tuần qua như bưởi Diễn rao bán giá 2.000 đồng/quả, cây và cành thông hút khách dù chưa đến Noel hay tôm sú khổng lồ có giá rẻ giật mình...

"Bưởi Diễn" đặc sản Hà Nội giá chỉ 2.000 đồng/quả

Là một trong những đặc sản của Hà Nội vào dịp Tết nhưng người tiêu dùng không khỏi bất ngờ khi bưởi Diễn được rao bán rầm rộ ngay từ thời điểm này với giá chỉ từ 2.000 đồng/quả.

Theo tìm hiểu của PV, hầu hết bưởi Diễn được bán giá rẻ chỉ từ 20.000 đồng/quả trở xuống trong thời gian này đều được trồng ở một số tỉnh lân cận, gốc mới trồng hoặc mới cho thu hoạch được ít năm.

Tìm về làng Đức Diễn (Phường Phúc Diễn, Q. Bắc Từ Liêm, HN), nơi được coi là thủ phủ của loại bưởi Diễn lừng danh miền Bắc, hầu hết người dân ở đây cho biết phải hơn 1 tháng nữa bưởi Diễn trồng tại Đức Diễn mới cho thu hoạch.

Người tiêu dùng không khỏi ngỡ ngàng khi bưởi Diễn được rao bán rầm rộ với giá chỉ 2.000 đồng/quả.

Người tiêu dùng không khỏi ngỡ ngàng khi bưởi Diễn được rao bán rầm rộ với giá chỉ 2.000 đồng/quả.

Ông Đinh Văn Thụ, trú tổ 1 phường Phúc Diễn cho biết những quả bưởi gốc lâu năm thường được người quen đến mua tận nhà, không phải mang ra chợ bán hay rao bán trên chợ mạng. Gia đình ông chưa năm nào bán bưởi Diễn dưới 40.000 đồng/quả.

 “Giá bưởi Diễn phụ thuộc vào tuổi của cây. Vườn nhà tôi trồng được 25 năm, bán trung bình khoảng 50.000 đồng/quả, một số nhà gốc lâu năm hơn họ còn bán 70-80.000 đồng/quả tại vườn mà phải đặt tiền trước và quen biết họ mới phần cho. Tuy nhiên số lượng bưởi này không còn nhiều do họ bán đất, chặt bưởi để xây nhà”, ông Thụ nói.

Tôm sú cụ “khổng lồ” có giá rẻ "giật mình"

Những con tôm sú có màu đỏ hoặc xanh thẫm được gọi là tôm sú đại dương hay tôm sú cụ, cân nặng lên tới 200-300gr/con được rao bán với giá chỉ từ 550-850.000 đồng/kg.

Buôn bán tôm sú cụ cùng một số các loại hải sản khác tại đường Trường Sa, P2, Q. Phú Nhuận (TP. HCM), chị Nguyễn Hằng cho hay, mỗi ngày cửa hàng chị chỉ nhập được vài kg loại tôm sú khổng lồ này vì đây là loại tôm đại dương, được đánh bắt hoàn toàn ngoài tự nhiên nên rất hiếm.

 “Trước đây loại tôm này chỉ phục vụ nhà hàng, khách du lịch với giá lên tới 1,2 triệu đồng/kg nhưng từ đầu năm đến nay giá tôm này giảm chỉ còn nửa giá, một phần do dịch bệnh, một phần do các loại hải sản nhập khẩu tràn về Việt Nam có giá rẻ hơn, cạnh tranh hơn”, chị Hằng nói.

Giá rẻ, thịt chắc, đầu tôm lại nhỏ và vỏ mỏng hơn tôm hùm xanh nên tôm sú cụ được khá nhiều người quan tâm và đặt mua. Thậm chí theo chị Hằng, có những hôm không có hàng để bán, cả tuần mới có tôm trả khách.

Đặc sản “mầm đá” hàng trăm nghìn/cây được lùng mua

Trên chợ mạng, từ đầu tháng 11, rau mầm đá đã được khá nhiều người rao bán với giá từ 45.000-60.000 đồng/kg. Mỗi cây rau nặng từ 1-3kg trị giá cả trăm nghìn đồng nhưng rất đông người quan tâm và bình luận, đặt mua.

Sinh ra và lớn lên tại Sa Pa, chị Hạng Thị Trà cho hay, rau mầm đá ưa khí hậu lạnh nên vào cuối thu, đầu đông người dân bắt đầu trồng rau mầm đá. Tuy nhiên, vào thời điểm này cây mầm đá sẽ chưa cho ra mầm to bởi thời tiết chưa thực sự lạnh.

Cũng theo chị Trà, thời gian gần đây, cải mầm đá được nhiều người tìm mua nên có nhiều người nhập rau mầm đá từ nơi khác, không phải từ Sa Pa rồi về rao bán là đặc sản Sa Pa nhằm kiếm lời.

 “Rau trên Sa Pa hầu như do bà con dân tộc tự trồng, họ không dùng thuốc hay chất kích thích nên rau có màu xanh đậm, ra mầm nhỏ và dài hơn. Ngược lại, rau từ nơi khác sẽ có mầm to tròn, ngắn mũm mĩm với màu xanh non mơn mởn”, chị Trà nói.

Cây và cành thông tươi được săn lùng trước cả tháng

Dù gần 1 tháng nữa mới đến Noel, nhiều chị em đã sắm cho mình những cành, cây thông tươi mini để bàn làm việc, nhà ở.

Tùy vào kích cỡ, chiều cao của cây và cành thông mà có giá thành khác nhau 

Tùy vào kích cỡ, chiều cao của cây và cành thông mà có giá thành khác nhau 

Anh Đinh Tùng - một chủ shop online chuyên bán thông tươi chia sẻ, hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng chọn thông tươi thay vì cây giả, làm bằng nhựa. Một phần là bởi giá thông khá ổn định, không biến động nhiều. Hơn nữa, nếu cây được đặt trong môi trường ổn định, chăm sóc tốt thì có thể chơi được cả tháng mà vẫn đẹp.

“Trung bình mỗi ngày shop bán ra thị trường từ 60 - 80 cành thông tươi, giá cho mỗi cành dao động 150.000 - 180.000 đồng” – anh Tùng cho biết.

Theo anh Tùng, thông nhà anh là thông rừng tươi, có mùi thơm nhẹ, cành bền nên khách đều rất chuộng. Có người còn đặt mua cả chục cành về cắm và biếu tặng người thân.

Cao cấp nhất là cây thông tươi “xịn” được nhập khẩu từ châu Âu như Đan Mạch, Hà Lan. Theo lời tư vấn của nhân viên bán hàng tại tiệm hoa nhập khẩu, cây thông tươi nhập khẩu có giá bán dao động tùy theo kích thước và tán của cây. Size thấp nhất là từ 100 - 125cm và cao nhất 5m.

“Hiện nay, trên thị trường thông tươi Noel thường có 3 phân khúc chính. Thứ nhất, là cây thông mini, tùng và thông bán theo cành, đối tượng mua thường là các gia đình trẻ, có thu nhập trung bình. Thứ hai, là tầng lớp trung lưu, có xu hướng chọn thông nhập khẩu, với mức chi trả cho mỗi cây từ 3 - 10 triệu đồng. Phân khúc thứ 3 chính là các cơ quan, nhà hàng, khách sạn, họ thường mua những cây thông size lớn với giá từ 15 - 30 triệu đồng” – một chủ cửa hàng bán online thông tin.

Hải sản rẻ chưa từng có, chị em "hò nhau" mua cả mâm ú ụ về ăn

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách khu lịch giảm đáng kể, việc xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn nên từ đầu năm đến nay, giá các loại hải sản giảm giá mạnh chưa từng thấy.

Dù giảm giá, các mặt hàng này vẫn bán rất chậm. Để thu hút khách hàng, ngoài bán tại cửa hàng, rao bán trên chợ mạng, thậm chí mang ra vỉa hè bán theo cân, một số nhà hàng và cửa hàng kinh doanh hải sản đã sáng tạo ra cách thức bán hàng mới là bán theo từng mâm.

Theo đó, mỗi mâm hải sản được ghim giá cụ thể, tùy từng giá tiền mà số lượng hải sản nhiều hay ít, tươi sống hay chế biến sẵn.

Vừa nhanh tay xếp từng loại hải sản theo từng mâm, anh Tùng (cửa hàng hải sản tại Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, cửa hàng mình mới bắt đầu bán hải sản theo mâm từ tháng 8/2020 nhưng được rất nhiều người đặt mua. Mỗi ngày, anh có thể bán được từ 20-25 mâm, với giá từ 410-700.000 đồng/mâm.

 “Hải sản bán theo mâm vẫn có giá như mình mua theo cân, chỉ là đa dạng các loại hải sản cho khách dễ chọn lựa, đỡ đau đầu khi nghĩ món và giá cả. Nhờ bán theo mâm nên cửa hàng cũng có nhiều việc để làm cho nhân viên hơn và bán hàng tốt hơn”, anh Tùng nói.

Không chỉ bán hải sản tươi sống cho khách tự chế biến, một số cửa hàng còn tiến hành chế biến sẵn theo từng mâm, thậm chí có cả những mâm hải sản nhập khẩu được rao bán online.

Nóng tuần qua: Ô tô giảm tới 900 triệu đồng, khách mua chờ “mòn mỏi”

Ô tô giảm giá mạnh, “gà đồi Ba Vì” giá rẻ bất ngờ, giá lợn hơi biến động... là những tin tức đáng chú ý tuần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN