Hết năm 2020: Việt Nam có 11 người sở hữu khối tài sản trên 10.000 tỷ đồng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Năm 2020 chứng kiến tài sản của nhiều tỷ phú tăng mạnh nhờ biến động giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

11 người sở hữu lượng cổ phiếu trị giá trên 10.000 tỷ đồng

Năm 2020 dù dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là trong những tháng cuối năm. Hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ đã thiết lập mức đỉnh mới, qua đó kéo theo khối tài sản của phần lớn doanh nhân trong top những người giàu nhất TTCK gia tăng phi mã.

Những gương mặt quen thuộc trong tốp 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Những gương mặt quen thuộc trong tốp 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Nếu như năm 2017 chỉ cần sở hữu 5.000 tỷ đồng là đã chắc một suất trong Top10 thì đến năm nay, mức tối thiểu đã lên đến 10.000 tỷ đồng. Thậm chí đã có 11 người sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Thống kê chỉ bao gồm giá trị cổ phiếu niêm yết trên sàn.

Tổng tài sản của Top10 năm nay đạt gần 380.000 tỷ đồng, chỉ tăng 20.000 tỷ so với năm trước – chủ yếu là do tài sản của một số doanh nhân như Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo và Trịnh Văn Quyết sụt giảm.

Ngoại trừ một số xáo trộn về thứ hạng, nhìn chung Top10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vẫn là những gương mặt xưa cũ. Trong đó, 5 vị trí dẫn đầu đều là những người có tên trong danh sách tỷ phú đô la của Forbes, gồm chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

Đại gia đi tu vẫn muốn kiếm thêm 1.500 tỷ đồng vào năm 2021

Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ đặt mục tiêu doanh thu thuần niên độ 2020-2021 tăng 20% lên 33.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 30% lên 1.500 tỷ đồng, tương đương mức cao nhất từng đạt cách đây 5 năm.

Lãnh đạo Hoa Sen cho biết, nhiệm vụ chính trong năm nay là phát triển hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng từ Quảng Bình trở vào bằng hình thức nâng cấp cửa hàng truyền thống và mở mới. Công ty sẽ hợp tác với các nhà cung cấp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng để hình thành 4 nhóm sẩn phẩm chủ lực gồm vật liệu xây dựng cơ bản, sắt thép, công cụ dụng cụ và nội thất.

Đại gia Lê Phước Vũ

Đại gia Lê Phước Vũ

Công ty sẽ củng cố thị trường nội địa thông qua việc mở rộng hệ thống phân phối. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, 11 tháng đầu năm ngoái, công ty dẫn đầu thị phần tôn mạ với 34,1% và chiếm 16,7% thị phần ống thép.

Vietnam Airlines thay tổng giám đốc

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa cho biết sẽ thay tổng giám đốc công ty từ ngày 31/12.

Theo đó, từ ngày 31/12, ông Dương Trí Thành sẽ thôi chức tổng giám đốc Vietnam Airlines. Thay thế cho ông Thành là ông Lê Hồng Hà với nhiệm kỳ 5 năm.

Trước đó Đại hội cổ đông bất thường được tổ chức ngày 29/12 cũng đã miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Dương Trí Thành, đồng thời bầu ông Lê Trường Giang, Chánh Văn phòng Vietnam Airlines vào Hội đồng quản trị để thay thế.

Như vậy hiện nay, ông Thành không còn ở trong ban lãnh đạo Vietnam Airlines. Ông Thành sinh năm 1961 và sang năm 2021 sẽ đến tuổi nghỉ hưu.

Ông Lê Hồng Hà sinh năm 1972, trình độ thạc sỹ quản trị kinh doanh. Ông Hà bắt đầu làm việc tại hãng bay quốc dân kể từ năm 1994. Ngoài các chức vụ tại Vietnam Airlines, ông Hà hiện còn đương nhiệm vị trí chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTC Nhiên liệu Hàng không (SKYPEC), công ty con do Vietnam Airlines nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Bầu Đức muốn phát hành hơn 741 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ cho Thadi

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) của bầu Đức vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 8/1/2021. Theo tài liệu công bố, trên BCTC năm 2019 đã được kiểm toán của HAGL Agrico lỗ sau thuế ghi nhận hơn 2.444 tỷ đồng và lỗ lũy kế tính đến 30/6/2020 là 2.313 tỷ đồng, dẫn đến việc công ty không đủ điều kiện để chào bán cổ phiếu ra công chúng (bao gồm chào bán cho cổ đông hiện hữu).

Do đó, hội đồng quản trị HAGL Agrico dự trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoán đổi hầu hết khoản nợ của CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thadi) nhằm cải thiện các chỉ số tài chính để tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra cũng nhằm bổ sung vốn lưu động để tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh theo chiến lược và kế hoạch từ năm 2021 đến hết năm 2023, nhằm đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn với nền tảng hữu cơ.

Đại gia 8x Nguyễn Văn Tuấn quyết hợp nhất Viglacera trước quý II/2021

Tổng giám đốc Gelex - ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, công ty sẽ đẩy mạnh hơn nữa để hoàn thiện mục tiêu thâu tóm Viglacera trước quý II/2021. Nếu giá thoái VGC của Bộ Xây dựng không phù hợp, Gelex sẽ tìm kiếm những đối tác khác; trường hợp chưa thể sở hữu đủ 51% vốn của Viglacera, Gelex sẽ tìm giải pháp chi phối Hội đồng quản trị.

Giá mua trung bình cổ phiếu VGC của Gelex dưới 25.500 đồng/cp, đây là mức giá rất tốt so với tiềm lực của Viglacera ở thời điểm hiện tại. Viglacera đang sở hữu quỹ đất rất lớn để làm khu công nghiệp ở phía Bắc và đang dần mở rộng quỹ đất về phía Nam. Cùng với đó, mảng vật liệu xây dựng của VGC rất tiềm năng, đặc biệt tại các mảng kính, sứ và gạch.

Hiện Gelex đang xúc tiến đàm phán với các cổ đông của Viglacera để mua hoàn thiện mục tiêu sở hữu 51% vốn điều lệ, như vậy công ty cần sở hữu thêm khoảng 4,5% nữa.

Nguồn: [Link nguồn]

Top 10 đại gia bất động sản 2020 ”đảo ngược” bất ngờ bởi đại dịch Covid-19

Chốt lại năm 2020, ngoài tỷ phú Phạm Nhật Vượng, vị trí top đầu các đại gia bất động sản Việt đều bị đảo lộn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN