Đại gia tuần qua: Nữ tỷ phú Việt lọt top 100 nhân vật thay đổi kinh tế châu Á

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú thự thân đầu tiên của Việt Nam lọt vào BXH top 100 nhân vật thay đổi kinh tế châu Á.

Madam Thảo vào top 100 người thay đổi kinh tế châu Á

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, là người Việt duy nhất góp mặt trong BXH top 100 nhân vật thay đổi kinh tế châu Á của Business Insider Australia.

Nữ tỷ phú Phương Thảo đứng thứ 2 trong 10 người được vinh danh

Nữ tỷ phú Phương Thảo đứng thứ 2 trong 10 người được vinh danh

Góp mặt trong danh sách còn nhiều tên tuổi đình đám của các công ty hàng đầu trong khu vực thuộc lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử... Nữ tỷ phú Phương Thảo đứng thứ 2 trong 10 người được vinh danh ở nhóm Chuỗi cung ứng, bên cạnh các nhân vật nổi bật như CEO sân bay Changi, Singapore hay nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành nền tảng gọi xe công nghệ lớn tại Đông Nam Á.

Theo Business Insider Australia, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, cũng là người luôn “làm những điều khác biệt”. Năm 2011, bà sáng lập hãng hàng không chi phí thấp Vietjet, từng bước xây dựng và phát triển Vietjet thành hãng hàng không nổi tiếng trong khu vực.

Sự xuất hiện của Vietjet là một trong những cú hích kích cầu nhu cầu đi lại bằng hàng không tại Việt Nam. Hãng hiện có đường bay đến hầu hết tỉnh, thành tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực châu Á.

Vingroup bác tin bán Vinschool và Vinmec

Vingroup khẳng định không có kế hoạch bán cổ phần Vinmec và Vinschool. Vinmec và Vinschool có ý nghĩa quan trọng trong hệ sinh thái của Vingroup và tập đoàn này vẫn cam kết phát triển hệ thống này trở nên tốt đẹp, toàn diện hơn.

Vingroup cho biết vẫn liên tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước để phát triển và nâng tầm Vinmec lên tầm đẳng cấp quốc tế. Với Vinschool, Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam không có kế hoạch mở rộng quốc tế nên không có kế hoạch hợp tác.

Vinmec và Vinschool có ý nghĩa quan trọng trong hệ sinh thái của Vingroup

Vinmec và Vinschool có ý nghĩa quan trọng trong hệ sinh thái của Vingroup

Trước đó, Reuters dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết Vingroup có thể đang tìm kiếm bên mua Vinschool và Vinmec. Vingroup chưa chỉ định bên tư vấn cho thương vụ bán cổ phần nhưng đang đàm phán không chính thức với 2 bên mua tiềm năng. Nguồn tin thứ 3 nói Vingroup đã nhận được sự quan tâm ban đầu với giá trị cổ phần chi phối gần khoảng 1,5 tỷ USD nhưng đã bị từ chối.

Tháng 9/2016, Tập đoàn Vingroup đã chuyển Vinmec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận (doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận nhưng không được chia cho các cổ đông). 1 năm sau, Vinschool tuyên bố sẽ chuyển từ phi lợi nhuận sang không lợi nhuận (doanh nghiệp không có lợi nhuận).

Theo báo cáo kết quả kinh doanh theo bộ phận của Vingroup, hoạt động y tế và các dịch vụ liên quan từ lúc đi vào hoạt động chỉ báo lãi năm đầu tiên và lỗ tăng dần từ năm 2013 tới nay dù doanh thu tăng mạnh.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chi 5 triệu USD lập quy hoạch khu kinh tế Vân Phong

UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã ký kết hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Phong.

Thông qua việc ký kết này IPPG sẽ tài trợ 5 triệu USD để làm kinh phí tổ chức lập chiến lược tổng thể phát triển; lập, thẩm định phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn IPPG, việc lập quy hoạch sẽ tạo điều kiện để khu kinh tế Vân Phong trở thành nơi thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới vào đầu tư.

Khu kinh tế Vân Phong được thành lập năm 2006, với diện tích khoảng 1.500 km2, trong đó phần trên biển rộng tới 800 km2. Khu kinh tế Vân Phong có lợi thế là cảng nước sâu Đầm Môn có thể tiếp nhận tàu 200.000 DWT.

Ông Hồ Quỳnh Hưng thôi làm Tổng giám đốc Điện Quang

HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang vừa thông qua việc Chủ tịch HĐQT Hồ Quỳnh Hưng thôi kiêm nhiệm chức vụ tổng giám đốc từ ngày 7/9. Sau khi thôi giữ vị trí điều hành, ông Hưng vẫn là người đại diện theo pháp luật của Điện Quang. 

Công ty chưa công bố quyết định bổ nhiệm tổng giám đốc mới thay thế ông Hồ Quỳnh Hưng.

Việc Chủ tịch Điện Quang thôi làm CEO nhằm thực hiện đúng quy định chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm tổng giám đốc của cùng một công ty đại chúng có hiệu lực từ ngày 1/8.

Nữ doanh nhân làm chủ tịch 2 công ty họ FLC

Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (FLC GAB) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone vừa cùng thay đổi chức danh chủ tịch HĐQT. 

Ông Nguyễn Đức Công thôi kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT hai công ty trên từ ngày 7/9. Sau khi từ nhiệm, ông Công tiếp tục đảm nhận vai trò thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc FLC GAB và FLC Stone.

Bà Vũ Thị Minh Huệ (sinh năm 1985) được bầu làm Chủ tịch HĐQT hai công ty FLC GAB và FLC Stone thay ông Công.

FLC GAB và FLC Stone tách bạch chức danh lãnh đạo và điều hành để thực hiện đúng quy định chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm tổng giám đốc của cùng một công ty đại chúng có hiệu lực từ ngày 1/8 theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP.

Nguồn: [Link nguồn]

Điểm mặt loạt dự án nghìn tỷ của đại gia Phát ”dầu” vừa bị bắt

Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng có quy mô lên tới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN