Giao dịch giảm mạnh, giá BĐS vẫn tăng bất chấp dịch Covid-19

Dù các giao dịch BĐS khá ảm đạm kể từ đầu năm 2020 đến nay, tuy nhiên không vì thế các chủ nhà, chủ đầu tư chấp nhận giảm giá bán. Thậm chí nhiều người cho biết sẵn sàng để nhà trống chờ giá tăng trở lại mới bán.

Đăng tin rao bán 10 căn nhà xây sẵn tại Hà Đông (Hà Nội) kể từ khi bắt đầu xây dựng đầu năm 2020 nhưng anh Tuấn cho biết đến nay khu nhà của mình mới bán được 3 căn ngoài cùng. 7 căn còn lại mỗi căn có diện tích từ 36 đến 38m2 xây 4 tầng có giá bán từ 1,4 đến 1,45 tỷ đồng vẫn đang miệt mài tìm khách. Chủ đầu tư này chia sẻ, thời gian qua đã có rất nhiều khách đến xem nhà nhưng hầu hết đều “một đi không trở lại” bởi những lý do khác nhau.

Anh Long, một chủ văn phòng môi giới tại khu vực này cho biết so với mọi năm thì có thể nói dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch mua nhà của nhiều hộ gia đình. Do đó, lượng khách tìm đến tư vấn thời gian qua chủ yếu là những người có nhu cầu tìm chỗ ở thực.

Giá bán BĐS không hề giảm bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19

Giá bán BĐS không hề giảm bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19

Môi giới này chia sẻ ở khu vực của mình hiện có rất nhiều căn nhà được các chủ đầu tư xây sẵn để bán. Với khoảng tiền từ 1,3 đến 1,7 tỷ đồng, khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn. Dù vậy, có một thực tế là dẫn khách đi xem nhiều nơi nhưng số lượng giao dịch thành công là rất ít. Theo anh, một trong những nguyên nhân chính là chênh lệch về giá mua bán do hai bên đưa ra. Theo đó, người mua muốn mua với giá rẻ hơn còn người bán thì không chấp nhận giảm thêm. Chính vì thế, thu nhập của những môi giới như anh đã giảm nhiều so với những năm gần đây.

Tương tự anh Long, một môi giới khác tên Chính tại Long Biên cũng chia sẻ việc tìm khách mua nhà thời điểm này là khá khó khăn nhưng không vì thế mà giá rao bán BĐS của các chủ đầu tư cũng như người dân giảm nhiều so với trước đây. Theo anh Chính, chỉ những người thực sự cần tiền để trả nợ hay chuyển hướng làm ăn mới chấp nhận bán rẻ BĐS của mình. Những người còn lại sẵn sàng để nhà trống chờ khi thị trường nhộn nhịp trở lại rồi mới bán. Điều này cũng ảnh hưởng đến số lượng các giao dịch môi giới của anh trong thời gian qua.

Theo báo cáo về nhà ở và thị trường BĐS Việt Nam quý II/2020 của Bộ Xây dựng, chỉ có 29.674 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công, tại TP. Hồ Chí Minh có 3.958 giao dịch thành công, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2019.

Giải thích về việc các giao dịch BĐS giảm mạnh trong mùa dịch, các chuyên gia cho rằng bên cạnh tâm lý thận trọng khi "xuống tiền" với BĐS thì tâm lý chờ nhà đất xuống giá cũng đang kéo sức mua của thị trường lúc này, không chỉ dân đầu tư mà cả với người mua ở thực. Nhiều khách mua BĐS ở thời điểm này cho rằng, với làn sóng Covid thứ 2 giá BĐS có thể sẽ giảm sâu ở một số phân khúc nên quyết định nghe ngóng thêm để mua được giá hời.

Tuy nhiên, trái ngược tâm lý chờ dịch bệnh "hạ gục" các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản để bắt đáy, thực tế thị trường nhà đất thời gian qua chỉ ghi nhận giảm nguồn cung và lượng giao dịch, còn giá tài sản vẫn neo cao.

Báo cáo về nhà ở và thị trường BĐS Việt Nam quý II/2020 của Bộ Xây dựng cho thấy giá bán nhà ở trên thị trường trong quý II/2020 không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019.

Tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý 1/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,27%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,51%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,77%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với quý 1/2020;

Tại TP.HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý 1/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,64%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,94%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với quý 1/2020.

Theo Savills Việt Nam, thị trường nhà ở là phân khúc ổn định. Quá trình đô thị hóa, tăng trưởng dân số mạnh mẽ và quy mô hộ gia đình giảm tạo ra nguồn cầu về nhà ở. Tính đến 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 37% thấp hơn so với các nước Đông Nam Á (50%) và Châu Á (51%). Tốc độ đô thị hóa chậm cho thấy tiềm năng lớn cho sự phát triển trong tương lai.

Là người có kinh nghiệm 10 năm đầu tư vào BĐS và đã tư vấn cho nhiều khách hàng đầu tư thành công, chị Phương Trinh (TP HCM) cũng thừa nhận rất khó để giá BĐS có thể giảm sâu trong thời gian tới. Theo chị điều quan trọng nhất ở thời điểm này với người mua là nên tìm hiểu kỹ càng thông tin, đối chiếu, so sánh giá. Nếu nhận biết được sản phẩm phù hợp với tài chính thì cần quyết định xuống tiền để tránh đánh mất cơ hội. 

Nguồn: [Link nguồn]

Những đại gia xăng dầu vướng vào tù tội, sở hữu khối tài sản “kếch xù”

Những vị đại gia này nhờ kinh doanh xăng dầu mà trở nên giàu có, đã và đang gây xôn xao dư luận do vướng phải vòng lao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN