7 tỷ phú USD Việt Nam mất 5,4 tỷ USD chỉ sau gần 7 tháng

Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Việt Nam khiến khối tài sản của 7 tỷ phú USD Việt Nam “bốc hơi” tới 5,4 tỷ USD chỉ sau gần 7 tháng.

Đầu tháng 4, tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách tỷ phú thế giới trong năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện 7 đại diện trong số 2.668 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Trong đó, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn là tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam khi sở hữu khối tài sản trị giá 6,2 tỷ USD; đứng ngay sau là chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long nắm giữ khối tài sản trị giá 3,2 tỷ USD; đứng thứ 3 là CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo với khối tài sản trị giá 3,1 tỷ USD.

Ở lần đầu góp mặt trong danh sách tỷ phú USD của Forbes, ông Bùi Thành Nhơn, Nova Group sở hữu 2,9 tỷ USD, xếp thứ 1.053 trong danh sách và đứng thứ 4 trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh sở hữu khối tài sản trị giá 2,3 tỷ USD và đứng thứ 5 trong danh sách; Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang đứng vị trí thứ 6 trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam với khối tài sản trị giá 1,9 tỷ USD; Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình đứng vị trí thứ 7 với khối tài sản trị giá 1,6 tỷ USD.

Forbes cho biết số liệu chốt danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2022 là ngày 11/3, tài sản của các tỷ phú dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái. Tại thời điểm chốt danh sách 7 tỷ phú Việt Nam nắm giữ khoảng 21,2 tỷ USD.  

Biến động tài sản của 7 tỷ phú USD Việt Nam sau gần 7 tháng – đơn vị tỷ USD

Biến động tài sản của 7 tỷ phú USD Việt Nam sau gần 7 tháng – đơn vị tỷ USD

Tuy nhiên, với diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ cuối tháng 4 đến nay khiến khối tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam giảm mạnh, có người đã “bốc hơi” tới 50% tài sản.

Tính đến kết thúc phiên giao dịch ngày 3/10, quy mô tài sản của 7 tỷ phú USD Việt Nam giảm mạnh chỉ còn 15,8 tỷ USD, tương đương mức giảm 25,5%.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng và Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long là hai người giảm tài sản ròng lớn nhất trong gần 7 tháng qua.

Theo đó, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận giảm 2 tỷ USD, tương đương mức giảm 32,2% cùng đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Trong khi đó tỷ phú Trần Đình Long giảm 1,6 tỷ USD tương đương mức giảm 50% sau gần 7 tháng.

Nhóm có quy mô tài sản giảm mạnh tiếp theo là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, giảm 0,7 tỷ USD (-22,5%) xuống 2,4 tỷ USD; ông Hồ Hùng Anh, giảm 0,6 tỷ USD (-26%) còn 1,7 tỷ USD; ông Nguyễn Đăng Quang, giảm 0,5 tỷ USD (-26,3%) còn 1,4 tỷ USD.

Tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình chỉ giảm 0,1 tỷ USD suốt gần 7 tháng qua, tương đương mức thiệt hại 6,25%. Chủ tịch Thaco và gia đình vẫn nắm khoảng 1,5 tỷ USD.

Trái ngược với đà giảm tài sản của 6 tỷ phú USD nói trên, riêng Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn lại chứng kiến tài sản gia tăng 0,1 tỷ USD lên 3 tỷ USD nhờ đà tăng của cổ phiếu NVL thời gian qua. Theo đó, giá cổ phiếu Novaland Group (NVL) ghi nhận tăng nhẹ từ 77.200 đồng/cổ phiếu (ngày 11/3) lên 82.000 đồng/cổ phiếu (3/10), tương đương 6%.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau cú lao dốc mạnh trong tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến ra sao?

Sau cú lao dốc mạnh trong tháng 9 vừa qua, các nhà đầu tư chứng khoán trong nước đang hồi hộp ngóng đợi phản ứng của thị trường trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10/2022.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Biến động tài sản doanh nhân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN