Vỡ mộng “bánh vẽ” siêu lợi nhuận từ condotel: Lời cảnh báo từ nhiều năm trước!

Do gặp khó khăn, kể từ ngày 1/1/2020, Công ty Thành Đô buộc phải chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết theo Phụ lục của Hợp đồng mua bán, đối với những khách hàng đầu tư vào Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng.

Cụ thể, Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng đã chính thức thừa nhận sẽ không thực hiện được việc chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm như đã ký với khách hàng...

Chủ tịch Tập đoàn Thành Đô trong buổi đối thoại, trao đổi với khách hàng

Chủ tịch Tập đoàn Thành Đô trong buổi đối thoại, trao đổi với khách hàng

 “Cam kết lợi nhuận”… nhưng thất hứa

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển & Xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô), đã phải phát đi thông báo gửi khách hàng đang đầu tư vào Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng để đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Và kể từ ngày 1/1/2020, Công ty Thành Đô buộc phải chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết theo Phụ lục của Hợp đồng mua bán đối với khách hàng do khó khăn về dòng tiền.

Theo đó, nhóm giải pháp thứ nhất mà Công ty Thành Đô đưa ra cho khách hàng là tiếp tục hợp tác, đồng hành cùng chủ đầu tư. Đối với phương án này, khách hàng có thể lựa chọn việc chuyển đổi từ căn hộ không hình thành đơn vị ở (Condotel) thành căn hộ chung cư được quyền ở.

Phí chuyển đổi sang loại hình căn hộ chung cư là 15%/giá mua bất động sản theo hợp đồng đã kí. Trường hợp này, khách hàng được sử dụng, sở hữu nhà ở lâu dài, hoặc có thể giao lại cho đơn vị vận hành để chia sẻ lợi nhuận. Trường hợp khách hàng không chuyển đổi vẫn giữ loại hình Condotel thì không được ở, mà bàn giao lại cho đơn vị vận hành của Công ty Thành Đô để chia sẻ lợi nhuận.

Giải pháp thứ 2 là thanh lý hợp đồng mua bán, bàn giao lại tài sản cho khách hàng để tự kinh doanh, sử dụng, chuyển nhượng. Chủ sở hữu sẽ nhận bàn giao nhà là nhà ở liền kề, hình thức sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất lâu dài theo Luật Nhà ở.

Đối với khối căn hộ khách sạn (Condotel), Công ty Thành Đô khẳng định, Cocobay Đà Nẵng được xây dựng trên đất ở, thời hạn sử dụng lâu dài. Ngay sau khi nhà nước có quy định chính thức, chủ sở hữu sẽ được cấp giấy chứng nhận sở hữu Condotel. Tuy nhiên, khi nào nhà nước ban hành văn bản quy định cụ thể đối với loại hình bất động sản này thì chưa thể biết được.

Giải pháp thứ 3 là thanh lý hợp đồng mua bán, trả lại nguyên tiền gốc, sau khi khấu trừ chi phí lãi suất vay ngân hàng; chi phí hoa hồng đại lý bán hàng; chi trả nợ trước hạn của khách hàng; phí phát sinh bảo lãnh nhà, khách hàng ban giao lại tài sản cho Công ty Thành Đô.

Hiện nay, khách hàng đầu tư vào loại hình bất động sản Condotel tại Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng đang rất hoang mang. Nhiều khách hàng cho rằng, đúng là khung pháp lý chưa rõ ràng. Tuy nhiên, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư đã phải lường trước được vấn đề khó khăn thì mới dám cam kết với khách hàng.

Như vậy, đến thời điểm này Cocobay Đà Nẵng là dự án Condotel đầu tiên mà chủ đầu tư thất hứa với khách hàng về cái gọi là "cam kết lợi nhuận" khi hai bên ký hợp đồng mua bán. Vài ba năm trước, loại hình bất động sản này trở nên "sốt nóng" trên thị trường cũng chính nhờ những điều khoản "cam kết lợi nhuận" khá cao này.

Đã được dự báo trước

Condotel hay Condo Hotel là sự kết hợp của 2 loại hình bất động sản căn hộ & khách sạn. Thông thường hay hiểu Condotel là loại hình căn hộ nghỉ dưỡng hoặc căn hộ khách sạn.

Hành lang pháp lý cho loại hình bất động sản Condotel vẫn chưa rõ ràng

Hành lang pháp lý cho loại hình bất động sản Condotel vẫn chưa rõ ràng

Các nhà phát triển sẽ bán các sản phẩm căn hộ khách sạn và chung cư trước cho nhà đầu tư. Sau đó, chủ sở hữu giao cho công ty quản lý tài sản điều hành tòa nhà như mô hình khách sạn để cho thuê các căn hộ khi không sử dụng, nhà đầu tư sẽ nhận được một khoản lợi tức.

Hiện nay, đã có hàng chục nghìn sản phẩm Condotel được giao dịch trên cả nước. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, hành lang pháp lý cho loại hình bất động sản Condotel vẫn chưa đi đến thống nhất. Các căn hộ khách sạn đã qua mua bán, nhưng người mua không được cấp giấy chứng nhận tài sản, bởi chưa có quy định nào đề cập đến loại hình bất động sản này. Người mua đang phải chấp nhận rủi ro nếu có tranh chấp với chủ đầu tư, các biến động về thị trường, hoặc tình hình kinh doanh của công ty quản lý điều hành Condotel.

Pháp luật hiện hành của Việt Nam quy định, cấm sử dụng căn hộ nhà ở cho các mục đích khác, ngoài mục đích để ở. Theo đó, chính quyền các địa phương chưa có thống nhất cuối cùng về pháp lý, cũng như mục đích sử dụng của Condotel. Nếu là dạng bất động sản nhà ở thì được sở hữu lâu dài, còn dạng bất động sản kinh doanh phải có thời hạn khoảng 50 hoặc 70 năm, nên không có cơ sở để cấp sổ đỏ.

Nói về số phận của hàng ngàn dự án “con lai” này, nhiều ý kiến lo ngại Cocobay Đà Nẵng sẽ châm ngòi nổ dẫn tới việc hàng loạt các dự án Condotel vỡ trận về lợi nhuận cam kết với khách hàng.

Giới chuyên gia bất động sản cho rằng, những rủi ro này đã được dự báo từ trước. "Từ 4 năm trước, khi loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ồ ạt ra đời tôi đã cảnh báo cả chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư thứ cấp nhưng dường như nhà đầu tư vẫn bỏ ngoài tai vì lòng tham, vì lợi nhuận cam kết lên đến 10-12%" – một vị chuyên gia cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Cục Quản lý nhà: Condotel là căn hộ du lịch, không phải nhà ở

Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN