Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nộp bao nhiêu tiền thuế vào ngân sách trong năm 2021?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Mặc dù ghi nhận lỗ hơn 7.500 tỷ đồng trong năm 2021, nhưng Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn nộp vào ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế trong năm vừa qua.

Trong tài liệu về Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 gửi đến các cổ đông, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã công bố nhiều thông tin quan trọng về tình hình tài chính doanh nghiệp trong năm 2021. Đáng chú ý là các khoản thuế mà tập đoàn này đã nộp cho ngân sách nhà nước trong năm vừa qua.

Theo thông tin từ tờ trình về tình hình tài chính năm 2021 và sử dụng vốn của Tập đoàn, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận 125.688 tỷ đồng doanh thu tăng 14% so với năm 2020. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 3.146 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, trong năm vừa qua, Vingroup báo lỗ sau thuế 7.558 tỷ đồng, giảm 266% so với lợi nhuận sau thuế 4.546 tỷ đồng trong năm 2020.

Vingroup đã nộp vào ngân sách hơn 24.700 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2021 vừa qua

Vingroup đã nộp vào ngân sách hơn 24.700 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2021 vừa qua

Lý giải về số lỗ trong năm 2021, Vingroup cho biết trong năm tập đoàn đã tài trợ 6.042 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 và các hoạt động tài trợ khác.

Ngoài ra, tập đoàn cũng trích lập dự phòng 4.494 tỷ đồng để thanh toán cho các khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng liên quan đến quyết định ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung nguồn lực cho xe điện.

Nếu không tính những khoản chi phí phát sinh ngoài kế hoạch đầu năm như kể trên, Vingroup ghi nhận lợi nhuận sau thuế 4.373 tỷ đồng trong năm 2021, tương đương 97% kế hoạch đầu năm.

Vốn chủ sở hữu tăng 17% từ 136.365 tỷ đồng lên 159.572 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Tổng nợ phải trả của tập đoàn ở mức 268.813 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cuối năm 2020. Tổng nợ vay của Vingroup ở mức 131.537 tỷ đồng, trong đó các khoản vay hợp vốn chiếm 39%, trái phiếu trong nước chiếm 35%, trái phiếu quốc tế chiếm 8% và trái phiếu hoán đổi chiếm 7%.

Trong khi đó, dù ghi nhận lỗ hơn 7.500 tỷ đồng trong năm 2021 vừa qua nhưng Vingroup và các công ty con đã nộp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Theo đó, Vingroup đã nộp tổng cộng 24.758 tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất, thuê đất), tăng đáng kể so với số thuế 19.286 tỷ đồng đã nộp trong năm 2020.

Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10.722 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là 4.027 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 1.548 tỷ đồng và các loại thuế khác là 8.461 tỷ đồng.  

Thống kê cho thấy số thuế của Vingroup nộp vào ngân sách nhà nước cao gần gấp hai lần so với số tiền Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long nộp trong năm 2021.

Cụ thể trong năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận doanh thu thuần đạt 150.865 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 34.521 tỷ đồng, tăng lần lượt là 65% và 55,6% so với cùng kỳ năm 2020, vượt 26 và 92% kế hoạch kinh doanh.

Tuy nhiên, trong năm 2021, Hòa Phát chỉ nộp vào ngân sách nhà nước 12.500 tỷ đồng, mức nộp ngân sách của Hòa Phát ghi nhận tăng hơn 70% so với cùng kỳ.

Tại Đại hội đồng cổ đông 2022 tổ chức vào ngày 12/5 tới, HĐQT Vingroup sẽ trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch với doanh thu thuần là khoảng 140.000 tỷ đồng, tăng 11,4% so với thực hiện năm 2021. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế là khoảng 6.000 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Những doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng nghìn tỷ: Hòa Phát, Vinhomes dẫn đầu

Có hàng chục doanh nghiệp ghi nhận mức lãi sau thuế cả nghìn tỷ đồng trong quý 1/2022. Tuy nhiên, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long bỏ khá xa những đối thủ phía sau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN