Cổ phiếu Rạng Đông "đỏ lửa" sau vụ cháy, đại gia nào chịu thiệt nhất?

Sự kiện: Kinh Doanh

Cổ phiếu công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua. Chỉ sau vài ngày, vốn hóa thị trường Rạng Đông “bay hơi” hơn 150 tỷ đồng kể từ khi vụ cháy nhà máy trên phố Hạ Đình, Hà Nội xảy ra.

Chốt phiên giao dịch ngày 10/9, cổ phiếu RAL của Công ty cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Rạng Đông) tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Khép lại ngày giao dịch “đỏ lửa”, mã RAL giảm phiên thứ 4 liên tiếp.

Trước đó, ngay phiên giao dịch đầu tiên từ khi vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông xảy ra, cổ phiếu RAL đã chứng kiến 1 phiên giảm sàn. Sau 8 phiên giao dịch (kể từ ngày 29/8), cổ phiếu RAL đã giảm từ 85.280 đồng/CP xuống còn 72.000 đồng/CP (giá chốt phiên chiều 10/9), tương ứng giảm 13.280 đồng/CP.

Như vậy, với hơn 11,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường Rạng Đông “bay hơi” hơn 150 tỷ đồng sau khi vụ cháy xảy ra.

Thiệt hại của Rạng Đông không chỉ là 150 tỷ như công bố ban đầu.

Thiệt hại của Rạng Đông không chỉ là 150 tỷ như công bố ban đầu.

Theo báo cáo quản trị mới nhất của Rạng Đông, ngoài 42,96% vốn điều lệ do công đoàn công ty nắm giữ, hai người đang nắm cổ phần nhiều nhất Công ty Rạng Đông là chị em bà Lê Thị Kim Yến (SN 1959) - Ủy viên Hội đồng quản trị và ông Lê Đình Hưng. 

Bà Yến hiện sở hữu 1,74 triệu cổ phiếu RAL - tương ứng 15,126% vốn và ông Lê Đình Hưng sở hữu 1,06 triệu cổ phiếu RAL - tương ứng 9,12% vốn của Rạng Đông. Đây là số vốn hai chị em bà Yến mua lại từ SCIC vào tháng 9/2015 sau khi chi ra số tiền 114 tỷ đồng. 

Ngoài khoản tiền đầu tư tại Rạng Đông, bà Yến hiện là Tổng Giám đốc CTCP Gia Lộc Phát và ông Hưng giữ chức Chủ tịch HĐQT. 

Trong khi đó, tuy ngồi ở chiếc ghế nắm quyền điều hành lớn nhất công ty nhưng ông Nguyễn Đoàn Thăng (SN 1943), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chỉ nắm 1,86% vốn doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đoàn Kết (SN 1961), Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Kinh tế cũng chỉ nắm 0,02% vốn điều lệ.

Hiện Rạng Đông mới chỉ thống kê con số thiệt hại sau vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại nhà máy nằm trên phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội tối hôm 28/8 là khoảng 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, những thông tin gần đây liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp này trong quá trình xử lý hậu quả của đám cháy, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân xung quanh khu vực nhà máy mới là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. 

Với việc giá cổ phiếu RAL giảm liên tục thời gian qua, trong vòng 10 ngày, số tiền mà bà Lê Thị Kim Yến và ông Lê Đình Hưng chịu thiệt hại nằm ở mức khoảng 37 tỷ đồng. 

Với những diễn biến trên thị trường hiện nay, con số thiệt hại của hai chị em "đại gia" rót vốn vào Rạng Đông có thể không chỉ dừng lại ở con số trên.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Rạng Đông.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Rạng Đông.

Tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 10/9, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Trần Xuân Hà, đại diện Thành uỷ Hà Nội được hỏi về các điểm trái ngược về kết quả quan trắc giữa Bộ Tài nguyên Môi trường và TP Hà Nội, việc người dân xung quanh Rạng Đông phải rời bỏ nhà cửa do lo ngại nhiễm độc thuỷ ngân và những mâu thuẫn trong khuyến cáo của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, ông Hà không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, chỉ nói chung chung là thành phố đang chỉ đạo và khi nào có thông tin mới nhất sẽ thông báo đến cơ quan báo chí.

"TP sẽ làm tất cả những gì có thể làm để khắc phục hậu quả, đảm bảo cuộc sống người dân. Các cơ quan báo chí cứ yên tâm! Cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc, điều tra và sẽ đánh giá lại. Nếu có vấn đề mới sẽ cung cấp ngay cho báo chí để người dân hiểu và chia sẻ với TP", ông Hà trả lời.

Liên quan đến vụ cháy nhà máy Rạng Đông, hôm 9/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả vụ cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, trong đó chú trọng các vấn đề:

- Thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy; đôn đốc, hướng dẫn, giám sát thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường, đồng thời điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo kế hoạch đã được chỉ đạo.

Số phận ”đất vàng” nhà máy Rạng Đông ra sao sau vụ cháy kinh hoàng?

Sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông tại 87 - 89 Hạ Đình (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) dư luận đặc biệt quan tâm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Ca ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN