BAT Việt Nam tiếp tục triển khai dự án trồng rừng năm thứ 3 cùng Gaia
Trong hai ngày 25 và 26/9, Công ty British American Tobacco (BAT) Việt Nam và Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã tổ chức khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 40 ha bãi bồi tại vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Với bước tiến này, BAT Việt Nam và Gaia đã hoàn thành dự án hợp tác trồng rừng trong giai đoạn 2022 - 2024 với mục tiêu phủ xanh 4 ha tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai và chuyển hóa 120 ha bãi bồi thành rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
BAT Việt Nam và Gaia hoàn thành cam kết khoanh nuôi 120ha rừng ngập mặn.
Động lực thúc đẩy hoạt động trồng rừng tái sinh tự nhiên
Không gì có thể phủ nhận tầm quan trọng của rừng đối với môi trường và cuộc sống. Theo i-Tree, một công nghệ phần mềm giúp đánh giá, quản lý rừng và cây xanh đô thị được phát triển bởi Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ (USFS), việc trồng rừng giúp loại bỏ khoảng 31,6 triệu tấn CO2, hấp thụ khoảng 825 triệu pound (tương đương 372 triệu kilogram) đơn vị ô nhiễm không khí và giúp tránh được 5.530 triệu gallon lượng nước lũ do bão. Đồng thời, theo McKinsey & Company, trồng rừng là giải pháp duy nhất giúp hấp thụ CO2 và góp phần lớn vào cam kết phi phát thải của Việt Nam vào năm 2050.
Riêng tại Việt Nam hiện nay, tình hình xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng nặng nề. Rất nhiều tỉnh đã không còn mùa nước nổi, phù sa, ấu trùng cua, tôm cá không còn tràn về khiến đất đai ngày càng bạc màu, tác động tiêu cực đến việc nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, theo Cục Khí tượng Thủy Văn, Việt Nam là 1 trong 6 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đến năm 2100, chúng ta có thể mất gần 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long. Do đó, khoanh nuôi trồng rừng ngập mặn là một trong những hoạt động hiệu quả nhất để chống xâm nhập mặn, giúp hấp thụ khí carbon một cách tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo nhiều nghiên cứu, rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ gấp 4-10 lần lượng carbon so với rừng trên cạn, giúp cung cấp sự liên kết giữa hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái biển, và tạo ra môi trường sống lý tưởng của nhiều sinh vật.
Đây chính là động lực thúc đẩy BAT Việt Nam đưa ra sáng kiến khoanh nuôi tái sinh rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trong giai đoạn 2022 – 2024.
Từ cam kết mạnh mẽ đến kết quả thực tiễn
Thông qua dự án hợp tác trồng rừng cùng Gaia được khởi động từ năm 2022, BAT Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ hướng đến hai ưu tiên lớn trong chương trình phát triển bền vững của doanh nghiệp, bao gồm: Bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái, và Ứng phó với biến đổi khí hậu.
“BAT Việt Nam nhận thấy, bên cạnh nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong chuỗi giá trị của mình, chúng tôi còn cần chung tay cùng Chính phủ Việt Nam, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức…trong việc khôi phục những khu rừng bị suy thoái và bảo vệ đa dạng sinh học”, bà Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc Đối ngoại vùng Đông Á tại BAT từng chia sẻ trong buổi họp với cán bộ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Đó là lý do trong năm 2024, BAT Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng Gaia thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 40 ha bãi bồi thành rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Để khởi động cho hoạt động năm nay, BAT Việt Nam đã tổ chức chương trình ESG Day (Ngày hướng đến hoạt động Phát triển Bền vững) với sự tham gia của 50 nhân viên - đóng góp hàng trăm giờ làm tình nguyện, cùng các nhân viên và tình nguyện viên từ Gaia, và các cán bộ thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cùng nhau trực tiếp dựng hàng rào và giăng lưới để khoanh nuôi các cây mắm trắng.
Đây là năm thứ ba liên tiếp mà BAT Việt Nam tổ chức ESG Day và thực hiện hoạt động trồng rừng tại Mũi Cà Mau.
Các nhân viên, tình nguyện viên từ Gaia và các cán bộ thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cùng nhau trực tiếp dựng hàng rào và giăng lưới để khoanh nuôi các cây mắm trắng.
Trong hai năm trước đó (2022 và 2023), BAT Việt Nam đã cùng Gaia tái sinh 80 ha bãi bồi thành rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, đồng thời trồng cây phủ xanh thêm 4 ha tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, nâng tổng diện tích trong chương trình trồng rừng lên 124 ha tại Đồng Nai và Cà Mau trong ba năm. BAT Việt Nam và Gaia vẫn tiếp tục thúc đẩy hoạt động chăm sóc, giám sát và báo cáo trong các năm tiếp theo để đảm bảo tỷ lệ sống của cây.
Theo ghi nhận, hai khu vực mà BAT Việt Nam và Gaia khoanh nuôi trong năm 2022 và 2023 đã bắt đầu chứng kiến nhiều cây con xuất hiện. Những cây con này đang được chăm sóc để trưởng thành khỏe mạnh, hứa hẹn tạo thành những cánh rừng ngập mặn sinh trưởng mạnh mẽ tại Mũi Cà Mau trong vài năm tới.
Chia sẻ về ý nghĩa của dự án này cũng như chương trình ESG Day thường niên, ông Jahid Shafique - Giám đốc Nhân sự, Văn hóa và Hòa nhập của BAT Việt Nam chia sẻ: “Dự án trồng rừng của BAT Việt Nam hợp tác với Gaia không chỉ là hành động vì môi trường, dự án này còn thể hiện sâu sắc văn hóa ‘Làm điều đúng đắn - Do the Right Thing’ của BAT Việt Nam, khi chúng tôi đặt giá trị bền vững và trách nhiệm với môi trường lên hàng đầu. Hoạt động khoanh nuôi và những kiến thức về rừng ngập mặn trong ESG Day không chỉ giúp đội ngũ BAT Việt Nam có cái nhìn sâu sắc hơn đối với việc bảo vệ rừng, có trách nhiệm với môi trường, mà còn thắt chặt thêm sự kết nối nội bộ, tạo ra một tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chung giữa các cá nhân trong công ty”.
Dự án trồng rừng của BAT Việt Nam hợp tác với Gaia không chỉ là hành động vì môi trường mà còn thể hiện rõ doanh nghiệp này luôn đặt giá trị bền vững và trách nhiệm với môi trường lên hàng đầu.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho hay: “Khoanh nuôi, trồng và chăm sóc rừng là một hành trình đầy thách thức, vì thế Gaia chúng tôi trân trọng biết ơn những doanh nghiệp lớn đầy tâm huyết có tầm nhìn rộng như BAT Việt Nam đã không quản ngại vất vả để đồng hành cùng Gaia gầy dựng những cánh rừng có giá trị sinh thái to lớn, vừa giúp bảo vệ nguồn nước, giảm thiệt hại bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa là ngôi nhà của nhiều loài động thực vật với giá trị đa dạng sinh học cao, góp phần thực hiện đề án 1 tỷ cây xanh của Chính phủ đến năm 2025. Những cánh rừng ngập mặn mới sẽ giúp duy trì sự cân bằng sinh thái và bảo vệ các loài động thực vật. Những năm qua, sau khi khoanh nuôi trồng rừng, Gaia và BAT Việt Nam đã phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm đếm số lượng cây mọc lên, đồng thời giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình chăm sóc, quản lý, bảo vệ, để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao nhất, từ đó nâng cao hiệu quả các khoản đầu tư hướng đến môi trường của doanh nghiệp”.
Nguồn: [Link nguồn]