Ronaldo giành Quả bóng vàng và nghịch lý 0>1
Bóng đá thế giới 2016 khép lại bằng chiến thắng tuyệt đối cho Cristiano Ronaldo với hat-trick Quả bóng Vàng, giải “The Best” (Cầu thủ xuất sắc nhất năm) của FIFA và giải Cầu thủ xuất sắc nhất UEFA.
Dấu ấn của Cristiano Ronaldo trong năm 2016 (bản quyền VTV)
Như vậy, cặp Ronaldo và Messi đã thay nhau thống trị các giải thưởng cá nhân suốt 9 năm qua, Ronaldo giành giải QBV 4 lần, trong khi Messi có 5 lần chiến thắng.
Đằng sau 9 năm thống trị của Ronaldo và Messi là đầy rẫy những sự bất công
QBV của những bất công
Lần cuối cùng một cầu thủ phòng ngự đoạt QBV đã diễn ra cách đây chẵn chục năm - Fabio Cannavaro, đội trưởng tuyển Ý vô địch World Cup 2006. Và trước Cannavaro là Matthias Sammer của năm 1996, cũng chẵn chục năm.
Phải rất hãn hữu mới có một thủ môn, hậu vệ hoặc tiền vệ phòng ngự được vinh danh như vậy. Trong cuộc chơi của một tập thể 11 người đấu với 11 người, phải chăng những cầu thủ phòng ngự không xuất sắc bằng những ngôi sao tấn công?
Không. Chắc chắn không. Tổ chức phòng ngự giỏi sẽ đảm bảo cho bạn ít nhất một trận hòa. Ngược lại, chỉ tấn công giỏi thôi thì chẳng bảo đảm điều gì cả.
Không khó lắm để chúng ta đếm được số bàn thắng mà Messi đã ghi trong năm 2016, hay số kỷ lục Ronaldo lập được, hay số bàn thắng mà Antoine Griezmann đã ghi ở vòng chung kết EURO. Chỉ cần bật Google lên và gõ một vài từ khóa.
Nhưng chúng ta liệu có biết các thủ môn Gianluigi Buffon, hay Manuel Neuer đã có bao nhiêu pha cứu thua? Chúng ta có bận tâm đến việc các trung vệ Sergio Ramos và Pepe đã có bao nhiêu pha truy cản chính xác, bao nhiêu lần cắt đường chuyền?
Một tiền đạo đối mặt một thủ môn, nhiệm vụ của thủ môn chắc chắn là khó hơn. Nhưng cho đến nay, Lev Yashin vẫn là thủ môn duy nhất trong lịch sử giành được QBV (danh hiệu ấy được trao cách đây hơn một nửa thế kỷ).
Chỉ tính riêng cuộc bầu chọn QBV 2016 đã đầy rẫy bất công. Ronaldo thắng tuyệt đối với 745 điểm, trong khi Pepe đứng hạng 9 với vỏn vẹn 8 điểm. Ronaldo tại EURO 2016 xuất sắc ở một vài trận đấu, một vài khoảnh khắc, còn Pepe xuất sắc trong cả hành trình. Điển hình là trận chung kết, Ronaldo chỉ đá vài chục phút, còn Pepe căng mình chiến đấu suốt 2 giờ đồng hồ, đến mức nôn trên sân.
Giá trị của những số 0
QBV rõ ràng là đầy bất công. Nhưng hãy khoan “kết tội” những người bình chọn giải thưởng. Thay vào đó, chúng ta hãy làm một bài test đơn giản dưới đây.
Hãy nhìn vào hai bức hình. Ở bức hình phía trên, hãy tìm ra chữ O nằm lẫn giữa các chữ Q. Ở bức hình dưới, hãy tìm ra chữ Q nằm lẫn giữa các chữ O.
Rõ ràng việc tìm chữ O lẫn giữa những chữ Q khó hơn so với tìm chữ Q lẫn giữa những chữ O!
Bạn đã tìm ra chưa? Công việc nào mất nhiều thời gian hơn, tìm chữ O lẫn giữa những chữ Q khó hơn so với tìm chữ Q lẫn giữa những chữ O phải không?
Tại sao lại như vậy nhỉ? Chữ Q trong hình được thiết kế giống hệt chữ O về hình dáng, kích cỡ, chỉ hơn một dấu gạch “\”. Ở bức hình đầu tiên, chúng ta tìm chữ O nghĩa là đi tìm dấu gạch bị thiếu. Ở bức hình thứ hai, chúng ta tìm chữ Q nghĩa là đi tìm dấu gạch bị thừa.
Bài test này được thực hiện bởi Tom Gilovich, một nhà tâm lý học thể thao. Gilovich tổng kết lại thành một nguyên lý: trong mọi trường hợp, con người luôn dễ dàng nhìn thấy những chi tiết tồn tại hơn là những chi tiết không tồn tại.
Đó là ngọn nguồn của những bất công dành cho các cầu thủ phòng ngự. Mỗi trận đấu họ phải đối mặt với các cầu thủ tấn công cả chục lần. Họ thắng 9 lần và không có bàn thua (tạm gọi là 9 con số 0). Chỉ một lần họ thất bại và để đối phương ghi bàn (gọi là 1 số 1).
Hết trận, tỷ số 1-0. Truyền thông chỉ đề cập đến bàn thắng và khán giả cũng chỉ nhớ tới tình huống ghi bàn. 9 số 0 vẫn là số 0. Và 1 thì lớn hơn 0.
Giá trị của một bàn thắng luôn được đề cao, trong khi những bàn-thắng-không-tồn-tại (những pha cản phá của thủ môn, truy cản chính xác của trung vệ…) luôn bị xem nhẹ. Nó xuất phát từ tâm lý đám đông thích xem bàn thắng, những pha biểu diễn ngoạn mục.
Vậy thì phải chăng trong bóng đá, 1 luôn lớn hơn 0? Hoàn toàn không!
Các nhà phân tích đã tổng hợp số liệu trong 10 mùa giải Premier League (từ mùa 2001-02 đến mùa 2010-11) và chỉ ra rằng một đội bóng giữ sạch lưới (0 bàn thua) sẽ giành trung bình 2,5 điểm/trận. Để giành được số điểm như vậy, đội bóng phải ghi nhiều hơn 2 bàn (xem biểu đồ phía dưới, khoảng 2,6 bàn).
Nếu để lọt lưới 1 bàn, số điểm trung bình mỗi đội giành được là 1,5. Nếu ghi được 1 bàn, mỗi đội sẽ giành trung bình 1,15 điểm/trận, thấp hơn 30% so với trường hợp chỉ thủng lưới 1 lần (xem biểu đồ).
Quan hệ giữa số bàn thắng/bàn thua với số điểm giành được của các CLB Premier League trong 10 mùa giải từ 2001-02 đến 2010-11
Như vậy, nhìn chung việc hạn chế bàn thua sẽ giúp các đội bóng giành nhiều điểm hơn là cố gắng ghi được bàn thắng. Bàn-thua-không-xảy-ra có giá trị hơn là bàn-thắng-xảy-ra. Vậy thì chẳng phải 0>1 đó sao!?
Cựu HLV đội tuyển Pháp, ông Raymond Domenech từng đề nghị bãi bỏ các cuộc bình chọn giải thưởng cá nhân như là QBV bởi nó chỉ gây bất công và chia rẽ cho môn thể thao vốn luôn đề cao tính tập thể.
Không chỉ ít có cơ hội được vinh danh với những giải thưởng cá nhân danh giá, các hậu vệ, tiền vệ phòng ngự và thủ môn còn phải nhận tương thấp hơn và có ít các hợp đồng quảng cáo màu mỡ như các đồng nghiệp chơi tiền vệ tấn công, hoặc tiền đạo. Bởi thế mà rất ít cầu thủ nhí được bố mẹ định hướng chơi thủ môn, hoặc hậu vệ. Ngay cả hệ thống đào tạo trẻ danh tiếng của Manchester United cũng từng sát chấm điểm học viên trên các chỉ số về chuyền, sút bóng, qua người… và những cậu nhóc có điểm số cao nhất sẽ được ưu tiên huấn luyện đá tiền đạo hoặc tiền vệ công (Gary Neville ban đầu được đào tạo để đá tiền đạo). |