Sang tên Sổ đỏ cần những giấy tờ gì theo quy định mới nhất?

Sự kiện: Kinh Doanh

Sang tên Sổ đỏ là thủ tục quan trọng khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất. Vậy, khi sang tên Sổ đỏ cần những giấy tờ gì?

Sang tên Sổ đỏ cần những giấy tờ gì theo quy định mới nhất? (Ảnh minh họa)

Sang tên Sổ đỏ cần những giấy tờ gì theo quy định mới nhất? (Ảnh minh họa)

Khi nào phải sang tên Sổ đỏ?

Theo điểm a khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013, sang tên Sổ đỏ được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác (đổi đất nông nghiệp với nhau để tiện đi lại, chăm sóc…).

- Chuyển nhượng quyền sử dụng đất (người dân thường gọi là mua bán đất).

- Để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

- Tặng cho quyền sử dụng đất.

- Góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau:

- Có Sổ đỏ, trừ 2 trường hợp.

Trường hợp 1, nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai 2013.

Theo đó, người nhận thừa kế được phép chuyển nhượng thửa đất được thừa kế ngay cả khi không có Sổ đỏ, mà chỉ cần đủ điều kiện cấp Sổ đỏ.

Đủ điều kiện cấp Sổ đỏ được chia thành nhiều trường hợp khác nhau:

Một là, người sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ khác theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.

Hai là, người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất vẫn được cấp Sổ đỏ nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Ba là, một số trường hợp đất vi phạm pháp luật về đất đai như lấn, chiếm…đất được giao không đúng thẩm quyền được cấp Sổ đỏ nếu đáp ứng đủ điều kiện (điều kiện chặt chẽ và khó đáp ứng hơn 2 trường hợp trên).

Trường hợp 2, theo quy định tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai 2013.

Theo đó, trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì người nhận thừa kế không được cấp Sổ đỏ nhưng được chuyển nhượng, tặng cho.

- Đất không có tranh chấp.

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

- Trong thời hạn sử dụng đất.

Sang tên Sổ đỏ cần những giấy tờ gì?

Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT), hồ sơ sang tên Sổ đỏ gồm:

Thứ nhất, đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.

Thứ 2, hợp đồng, văn bản về việc chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Ví dụ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng, Bản án của Toàn án về việc chia thừa kế là quyền sử dụng đất theo pháp luật, di chúc hợp pháp trong đó ghi nhận việc thừa kế quyền sử dụng đất…

Lưu ý, trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế.

Thứ 3, bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

Thứ 4, văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư (chỉ áp dụng với trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư).

Thứ 5, văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.

Ngoài ra, phải nộp thêm tờ khai thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng miễn thuế thu nhập, lệ phí trước bạ (nếu có).

Ví dụ cha mẹ cho đất cho con để xây nhà ở nhưng quyền sử dụng đất vẫn đứng tên cha mẹ, nhà ở thuộc sở hữu của con; trong trường hợp này, nếu con bán nhà cho người khác thì phải được sự đồng ý của cha mẹ bằng văn bản.

Lưu ý, nếu sang tên Sổ đỏ mà có thay đổi thông tin về số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ trên Sổ đỏ đã cấp thì người sử dụng đất nộp thêm bản sao Giấy chứng minh nhân dân mới hoặc Giấy chứng minh quân đội mới hoặc thẻ Căn cước công dân mới hoặc sổ hộ khẩu, giấy tờ khác chứng minh thay đổi nhân thân đối với trường hợp thay đổi thông tin về nhân thân của người có tên trên Sổ đỏ.

Làm thủ tục sang tên Sổ đỏ ở đâu?

Theo Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP nơi nộp hồ sơ sang tên Sổ đỏ được quy định như sau:

- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (nếu địa phương chưa có Văn phòng đăng ký đất đai).

- Với địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp tại Bộ phận một cửa.

- Hộ gia đình, cá nhân nộp tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu (UBND xã, phường, thị trấn).

Lưu ý, nơi nộp hồ sơ trên là nơi có đất.

Để đỡ mất thời gian tìm hiểu nơi nộp hồ sơ thì khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng tại tổ chức công chứng thì các bên có thể hỏi trực tiếp công chứng viên hoặc nhân viên về nơi nộp hồ sơ sang tên Sổ đỏ.

Nguồn: [Link nguồn]

Sổ hồng là gì? Sổ hồng và Sổ đỏ cái nào quan trọng hơn?

Pháp luật đất đai và nhà ở qua các thời kỳ không quy định thuật ngữ Sổ hồng. Tương tự đối với Sổ đỏ, Sổ hồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Mai ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN