Bất động sản cuối năm: Đừng để ăn “quả lừa” dịp Tết

Ẩn trong các giao dịch BĐS cuối năm là nhiều vụ việc có nguy cơ rủi ro lớn, đặc biệt là những giao dịch “ăn theo”, nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

“Vẽ” dự án

Trong thời gian qua, ghi nhận thực tế của PV Người Đưa Tin Pháp luật cho thấy, có hàng loạt giao dịch chào bán bất động sản, nhiều nhất là đất nền “bán thanh lý” cuối năm. Lý do được đưa ra là “cần xoay vòng vốn” để làm ăn, xoay sở, trả nợ… “Dịp Tết, cần bán lô đất nền”, “Tết thanh lý đất nền”, “Cần tiền buôn bán Tết, cần bán 5 lô đất tại Củ Chi”… là những nội dung dễ gặp ở trên các con đường, các trang mạng về rao bán bất động sản, rao vặt…

Để rõ thực hư, PV liên hệ đến nội dung “Cần tiền vốn dịp Tết, cần bán gấp lô đất nền chính chủ, sổ hồng riêng, thổ cư 100%, có diện tích lên tới 720 m2 nhưng chỉ có giá gần 1 tỷ đồng” được đăng tải trên một trang web rao bán nhà đất.

Theo đó, lô đất này nằm trong khu dân cư, khu công nghiệp Nhật – Hàn, ngay chợ, sát Quốc lộ 13 (Bình Dương)… Thực tế, khi PV xác minh thì hoàn toàn không có thửa đất này. Thay vào đó, đất được giới thiệu ở huyện Lộc Ninh, ngay khu vực biên giới với Campuchia (của tỉnh Bình Phước).

Hiện nay, theo tìm hiểu, điều tra của PV, tại các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng… và nhiều nơi khác, các đối tượng đang tìm cách lách luật, xẻ đất nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm, lâu năm… để bán tràn lan.

Rõ nhất là việc xẻ từng thửa, với diện tích hơn 1.000 m2, sau đó,“bán đất sào”, có giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng (tùy theo vị trí, khu vực).

Nhà, đất đang được rao “thanh lý” nhan nhản dọc đường khi Tết đang về.

Nhà, đất đang được rao “thanh lý” nhan nhản dọc đường khi Tết đang về.

Điển hình, tại Bình Phước, người tên Chi đang rao “bán đất sào” (1 sào ở đây có diện tích 1.000 m2 - PV) tại huyện Chơn Thành. Lần theo địa chỉ mà Chi cho, PV đến để “giải cứu đất dịp Tết giúp gia chủ” trong khó khăn nhưng lại được Chi đưa vào một “dự án” toàn là đất trống, do đã cắt bỏ hết cây cao su. 

Bãi đất trống hiện cỏ dại mọc um tùm, Chi chỉ vào đó, nói rằng:“Đất này là đất quy hoạch khu dân cư, hiện đã tách sổ từng nền, anh mua, sau này có thể lên thổ cư”.

Thực tế, qua làm việc, đại diện chính quyền địa phương huyện này cho biết: “Đất này là đất trồng cây lâu năm, hoàn toàn không có quy hoạch khu dân cư, vì vậy người dân phải hết sức cẩn trọng khi mua đất tại khu vực này”.

Dù vậy, Chi vẫn đang rao bán nền có diện tích hơn 1.000 m2, với giá 500 triệu đồng.

Trong khi đó, giá đất ở khu vực này cao lắm cũng chỉ đến 150 - 200 triệu đồng/sào, một số người lợi dụng kẽ hở của pháp luật (được tách sổ cho diện tích trên 1.000 m2 đối với đất trồng cây lâu năm), sau đó vẽ, phân lô nhỏ hơn (từ năm bảy chục đến vài trăm m2/nền) bán cho người có nhu cầu.

Thậm chí, các đối tượng sau khi xẻ đất thành nhiều thửa, đã tự vẽ, tự làm đường nội bộ để dễ dàng bán đất cho khách hàng. Thực tế, những con đường này chưa được công nhận, chưa được đấu nối vào đường của Nhà nước.

Tránh bị “quả đắng” cuối năm

“Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người mua, đặc biệt là về tình trạng pháp lý. Thứ nhất, những con đường đó chưa được Nhà nước công nhận. Thứ hai, chưa biết khu vực đó có được quy hoạch là khu dân cư hay không. Thứ ba, không rõ nó có nằm trong các quy hoạch khác của địa phương hay không.

Do vậy, việc mua bán ở đây, chủ yếu là các giao dịch bằng tay, thỏa thuận miệng, lập vi bằng… nên không có những chứng cứ pháp lý đầy đủ… dẫn tới nhiều rủi ro. Người dân cần phải tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua”, luật sư Nguyễn Văn Nam (TP.HCM) phân tích. 

Thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã xử lý hàng loạt “ông trùm” bất động sản vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua chiêu thức này, điển hình là vụ Nguyễn Thái Luyện và địa ốc Alibaba.

Chính quyền xã Minh Thành cho biết, không có ai mua bán gì trên phần diện tích này, nhưng công ty BĐS Tam Giác Vàng vẫn dẫn khách vào tận nơi chào bán đất trồng cây lâu năm.

Chính quyền xã Minh Thành cho biết, không có ai mua bán gì trên phần diện tích này, nhưng công ty BĐS Tam Giác Vàng vẫn dẫn khách vào tận nơi chào bán đất trồng cây lâu năm.

Gần đây nhất, đầu tháng 12/2020, Công an TP.HCM đã bắt tạm giam Trương Tấn Em - Giám đốc công ty CP Đầu tư Bất động sản Eagle Land; Trịnh Quốc Hưng - Tổng Giám đốc công ty CP Thương mại và Đầu tư kinh doanh Kingland và truy nã Trịnh Minh Thanh - Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật công ty Đầu tư và phát triển Địa ốc Khang Gia.

Bước đầu cơ quan chức năng xác định, Em liên kết cùng với Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc công ty Tiên Phong Land (hiện đã bị công an tạm giữ) thỏa thuận đặt cọc khu đất gần 2.500m2 ở phường Phú Hữu (quận 9, TP.HCM) với một cá nhân khác.

Tương tự, tại Bình Dương, cơ quan CSĐT Công an tỉnh cũng đã khởi tố bị can đối với ông Lê Xuân Quyền Anh (SN 1984) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ông Quyền Anh vẽ dự án ma, lừa đảo khách hàng với nhiều tỷ đồng và bị người dân tố cáo, điển hình dự án như “Khu đô thị Ruby Miền Đông”.

Trước đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh này cũng đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hùng (SN 1994) - Tổng Giám Đốc công ty CP Thương Mại Dịch vụ Xây dựng Đầu tư phát triển địa ốc Bình Dương Cityland về hành vi nói trên.

“Nếu người dân có nhu cầu mua bán đất đai thì liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương để được tham vấn các thông tin và biết rõ về tình trạng đất tại khu vực đó như thế nào; từ đó, tránh tiền mất tật mang. Thực tế thời gian qua, chính quyền địa phương phối hợp với các ngành, các cấp đã xử lý nhiều trường hợp chào bán đất nền trái phép hoặc không có trên địa bàn”.

Ông Phạm Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Thành

(Chơn Thành, Bình Phước)

Nguồn: [Link nguồn]

Liều ôm đất quê, vợ chồng trẻ Bến Tre lãi hơn nửa tỷ đồng

Chạy vạy vay mượn khắp nơi những ngày giáp Tết để mua mảnh đất đầu tiên, đến nay gia đình chị Nhung (Bến Tre) không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CHÍ THANH  ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN