Rộn ràng bữa cơm gia đình

Nét văn hóa khác nhau giữa mỗi nơi, mỗi quốc gia sẽ quy định sự khác nhau về nền văn hóa và những quan niệm về giá trị của một bữa cơm gia đình. Với người Việt bữa cơm chung vừa là nét văn hóa vừa là giá trị nhân văn được lưu truyền qua bao thế hệ.

Tôi vẫn nhớ câu nói của giáo sư Từ Giấy “sự tan rã của gia đình thường bắt đầu từ sự tan rã của bữa ăn gia đình truyền thống”. Tôi thấy câu nói ấy triết lý và sâu sắc lắm. Dù rằng mỗi nơi, mỗi đất nước, mỗi nền văn hóa sẽ quy định sự khác nhau về cách nhìn nhận bữa cơm của một gia đình. Song, với người Phương Đông như chúng ta, bữa cơm gia đình được xem là một giá trị văn hóa đặc sắc và rõ nét. Bữa cơm chung có đầy đủ mọi thành viên thể hiện tính cộng đồng rất cao. Đó là điểm khác biệt mà chúng ta dễ nhận ra giữa người phương Đông và người phương Tây.

Nếu như người Mỹ, trong bữa cơm, mỗi người sẽ có những lựa chọn khác nhau. Họ ăn uống tách biệt, được chia thành từng phần riêng thì người Việt Nam chúng ta lại khác. Chúng ta ăn chung một mâm cơm, sử dụng chung một đĩa thức ăn và cùng ngồi quây quần bên một cái bàn. Trước khi ăn phải mời nhau dùng cơm để thể hiện sự tôn trọng và phép tắc, gia phong. Dù trên mâm cơm đầy ắp thịt, cá, tôm, cua… hay đơn giản chỉ là tô canh, đĩa rau luộc… bữa ăn cũng mang không khí đầm ấm, nói cười vui vẻ và sự thân thiện. Người này biết sẻ chia và quan tâm đến mặt vật chất lẫn tinh thần của người khác và ngược lại. Vì thế mà dân gian vẫn truyền nhau câu nói: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” hay “Ăn xem nồi, ngồi xem hướng”… Những câu nói giản dị nhưng mang triết lý nhân văn sâu sắc ấy là cả một bài học quý giá về lối sống và tình thương yêu của người Việt về bữa cơm gia đình.

Ngày nay, xã hội phát triển hơn, bữa cơm gia đình có nhiều biến đổi so với trước nhưng không vì thế mà mọi người phủ nhận giá trị văn hóa từ những bữa cơm chung. Nhiều người vẫn gắng giữ gìn nó như giữ gìn mái ấm hạnh phúc gia đình. Xem đó như là một tôn chỉ để gắn kết mối quan hệ huyết thống với nhau.

Đuôi bò hấp gừng

Nguyên liệu


Đuôi bò: 500g
Hành tây: 2 củ
Gừng tươi: 100g
Hành lá: 300g
Cần tây: 150g
300g rau thơm các loại, 50ml rượu trắng, 1 chén nước mắm gừng.

Rộn ràng bữa cơm gia đình - 1

Cách làm

- Đuôi bò rửa sạch, trụng qua nước nóng, chặt khúc ngắn vừa ăn. Hành tây lột vỏ, xắt múi cau. Gừng gọt vỏ, rửa sạch, ½ xắt sợi, ½ xắt lát. Hành lá, cần tây, rau thơm các loại rửa sạch. Hành lá rửa sạch, xắt khúc dài khoảng 5cm

- Cho bắp bò, gừng xắt lát vào xửng hấp chín, khi đuôi bò chín, rưới rượu vào, cho tiếp hành tây, cần tây, hành lá vào hấp thêm khoảng 3 phút nữa là được

- Cho đuôi bò ra đĩa, dùng kèm rau thơm các loại, gừng sợi, chấm nước mắm gừng.

Nem thính lá sung

Nguyên liệu

Bì heo: 200g
Tai heo: 200g
Thịt ba rọi: 150g
50g tỏi băm, 80g thính gạo, 1 trái chanh, 1 trái chuối chát, 2 trái khế, 200g lá sung, 100g đinh lăng, 100g húng lủi, 10 lá chanh, 1 chén tương bần, 1 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa súp nước mắm

Rộn ràng bữa cơm gia đình - 2

Cách làm

- Bì heo, lỗ tai heo, thịt ba rọi luộc chín. Bì heo xắt sợi, Tai heo, thịt ba rọi xắt lát mỏng

- Thính gạo rang vàng, giã nhỏ. Chuối chát gọt vỏ, xắt lát dài. Khế gọt rìa, xắt lát dài. Các loại rau nhặt, rửa sạch. Lá chanh xắt nhuyễn. Chanh vắt lấy nước cốt

- Trộn tai heo, thịt ba rọi, bì heo, tỏi, bột ngọt, đường, nước mắm, nước cốt chanh cho đều. Lấy lá sung trải ra, cho hỗn hợp thịt, khế, chuối chát, lá chanh, rau các loại vào, cuốn lại. Ăn kèm với nước tương bần.

Chè măng cụt

Nguyên liệu


Măng cụt: 400g
Bột năng: ½ chén
Đường phèn: 300g
3 lá dứa, 300g dừa nạo

Rộn ràng bữa cơm gia đình - 3



Cách làm

- Măng cụt chọn quả vỏ tím, đều, mềm tay, tách vỏ, lấy phần cơm

- Lá dứa rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, bỏ xác, lọc lấy nước cốt

- Dừa nạo cho vào nước ấm, vắt lấy nước cốt dừa

- Cho nước cốt dừa, nước dứa vào nồi, bắc lên bếp đun sôi. Khi nước sôi, cho thêm khoảng 200ml nước lạnh, đường phèn vào nồi, đun sôi, lọc bỏ cặn

- Lấy cơm măng cụt lăn qua bột năng sau đó cho vào nồi nước, đun sôi kỹ

- Múc chè ra chén, khi ăn cho nước cốt dừa, đá vào.

Canh sườn non khoai sọ

Nguyên liệu

Sườn non: 500g
Khoại sọ: 350g
1 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê tiêu xay, 1 ít hành, ngò

Rộn ràng bữa cơm gia đình - 4

Cách làm

- Sườn non rửa sạch, chặt khúc ngắn khoảng 3-4cm. Khoai sọ gọt vỏ, rửa sạch, xắt làm đôi hoặc quân cờ. Hành ngò rửa sạch, xắt nhỏ

- Cho khoảng 200ml nước vào nồi, cho sườn vào trụng qua, chắt bỏ nước. Châm thêm khoảng 500ml nước mới vào hầm cho sườn mềm. Dùng thìa vớt bỏ bọt. Cho khoai sọ vào nấu chung. Nấu cho tới khi khoai sọ chín mềm là được. Nêm nếm muối, hạt nêm vào cho vừa miệng, trút hành, ngò xắt nhỏ vào. Tắt bếp

- Cho canh ra thố, rắc tiêu xay lên. Dùng kèm với cơm trắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN