Hương vị quê nhà: Dân dã món ngô bung

Sự kiện: Món ngon mỗi ngày

Món ngô bung đã đi theo hầu như suốt chiều dài tuổi thơ tôi. Nơi quê nhà nghèo khó và mỗi khi nhớ về nó, tôi tự nhủ mình phải luôn gắng để vượt qua nhiều trở ngại khó khăn trong cuộc sống để mà vươn lên.

Trong một dịp về nhà người bạn ở miền núi tỉnh Lai Châu chơi, tôi được mẹ bạn thết đãi món ngô nếp bung. Ngô nếp khô được đãi bỏ vỏ ngoài rồi đem bỏ vào một cái hũ sành, chế nước, đậy nắp, vùi ủ vỏ chấu và mồi lửa khoảng gần chục giờ đồng hồ là chín.

Khi chuẩn bị ăn, gạt tro mở nắp hũ mùi ngô bung chín nóng hôi hổi khiến tôi cảm thấy ứa nước miếng. Món ngô nếp bung quả là ngon tuyệt, khi nó không chỉ dẻo, ngọt mà còn tạo dư vị bùi bùi khiến cho tôi ăn đến no bụng mà vẫn muốn ăn thêm một bát nữa… Vâng, cũng phải đến hơn chục năm rồi tôi mới được ăn lại món ngô bung, mà lại là ngô nếp dẻo thơm nên lạ miệng thấy ngon, và không chỉ một bữa, mấy ngày sau tôi đều nài nỉ mẹ bạn bung ngô nữa để được ăn thỏa thích…

Hương vị quê nhà: Dân dã món ngô bung - 1

Món ngô bung (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)

Chiều lòng khách, mẹ người bạn tôi còn “biến tấu” thêm ngô bung thành khá nhiều món lạ mà ngon nữa, như: ngô bung với đậu đen, đậu đỏ; ngô bung kèm hạt sen khô; món xôi ngô rắc đậu đỗ... Thưởng thức bất cứ món nào được chế biến kèm ngô bung tôi đều thấy trong đó có vị quen mà lạ, sự giản đơn, dân dã nhưng vô cùng ngon. Chế biến một số món ngon từ ngô bung thực ra không khó, mà chỉ cần quan sát một lần bất cứ ai cũng có thể làm được...

Vâng, lâu lâu mới ăn lại món ngô bung thấy ngon, nhưng ngày còn nhỏ thì hầu như ngày nào tôi cũng phải ăn món này đến ngán ngẩm, bởi nhà nghèo nên quanh năm ngày tháng gia đình tôi đều phải ăn cơm độn khi thì khoai, sắn, lúc lại ngô bung. Chẳng riêng gì gia đình tôi, mà hầu như nhà nào ở quê vẫn thường phải ăn cơm độn như vậy, bởi hết thảy nhà ai cũng nghèo, cũng thiếu đói. Món ngô bung luôn là món chủ đạo bởi ngô có thể trữ khô dùng để ăn dần trong suốt cả năm, chứ không như khoai, sắn chỉ có theo mùa.

Ngô mang bung thường là ngô tẻ, hạt to, chứ không phải là ngô nếp, bởi trồng ngô nếp không năng xuất, còn canh tác ngô tẻ luôn có năng xuất gấp đôi so với ngô nếp. Nhà tôi sau khi thu hoạch ngô mẹ thường phơi khô và chứa trong mấy chiếc bồ để ở chái bếp. Hũ ngô bung nhà tôi thường chia đôi để ghế độn kèm cơm 2 bữa trong ngày. Thi thoảng nhà không luộc khoai, hấp sắn dành cho bữa sáng thì mẹ bung thêm nhiều hơn chút nữa để sớm mai mấy anh chị em chúng tôi lót dạ trước khi tới trường học. Cách ăn truyền thống và phổ thông là vậy, nhưng thi thoảng mẹ cũng chế biến món ngô bung theo cách khác cho lạ miệng, đó là mang phi hành xào mỡ lợn.

Ngô bung xào như vậy ăn tuyệt ngon, thế nhưng khi đó mỡ lợn còn hiếm và đắt đỏ, nhà lại nghèo nên chỉ thi thoảng lắm anh chị em chúng tôi mới được thưởng thức món ngô bung xào mỡ, còn toàn phải ăn ngô bung chay, ngô độn kèm cơm trắng mà thôi. Có những dịp, phải tới 3 tháng ròng nhà toàn ăn cơm độn ngô bung. Ăn đến ngán ngẩm nên nhiều lúc tôi kêu mẹ cho ăn một bữa cơm trắng không có độn ngô bung. Biết là đòi thật đấy nhưng vì số gạo nhà luôn không được dư giả cho lắm nên mẹ chỉ dám độn ít hơn số ngô vào cơm so với mọi ngày thường mà thôi.

Món ngô bung đã đi theo hầu như suốt chiều dài tuổi thơ tôi. Nơi quê nhà nghèo khó và mỗi khi nhớ về nó, tôi tự nhủ mình phải luôn gắng để vượt qua nhiều trở ngại khó khăn trong cuộc sống để mà vươn lên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trịnh Hiệp (Dân Việt)
Món ngon mỗi ngày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN