Ấm nồng cơm rượu

Chẳng cần đến Tết Đoan Ngọ, ngày thường, người Việt nhiều nơi vẫn thường dùng cơm rượu như một tập quán để bảo vệ món tráng miệng sau bữa cơm, hoặc ăn kèm xôi vò cho bữa sáng vừa ngon ngọt vừa ấm bụng.

Cơm rượu nếp cẩm – Thơm hương Tây Bắc

Xưa nay rượu nếp cẩm – đặc sản của vùng Tây Bắc là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Nếp cẩm khi làm cơm rượu sẽ cho ra màu tím đỏ đặc trưng. Rượu nếp cẩm thường được ủ lâu, chủ yếu lấy rượu để uống chứ không để dạng cơm như cơm rượu nếp thường. Người xưa có câu “rượu cẩm hạ thổ bách nhật” tức là rượu nếp làm bằng nếp cẩm chôn dưới đất một trăm ngày, ủ trong môi trường, nhiệt độ như thế, rượu sẽ rất ngon.

Nguyên liệu

Nếp cẩm: 1kg
Men ngọt: 80g
1 thìa súp đường, lá chuối

Ấm nồng cơm rượu - 1

Cách làm

- Nếp cẩm vo sạch, ngâm qua đêm, để ráo

- Cho nếp vào xửng đồ chín. Sau khi cơm nếp chín mềm, xới ra dàn mỏng cho mau nguội. Men ngọt giã nhuyễn mịn. Khi cơm nếp còn hơi ấm, tán nhuyễn men, rải đều lên mặt xôi, 1 lớp xôi 1 lớp men

- Ủ xôi đã rắc men vào trong lá chuối, gói lại, cất vào thố, đặt vào nơi kín gió. Đục lỗ nhỏ ở dưới đáy lá chuối cho nước cơm rượu chảy dần xuống. Ủ cơm rượu trong 24 tiếng, lấy ra trộn đều lại, ủ tiếp

- Tùy thời tiết, trời càng nóng, nhiệt độ thấp người ta thường để hũ cơm rượu gần bếp để ủ nóng. Cơm rượu sẽ đạt đến nồng độ rượu cao nhất vào khoảng ngày thứ 4 – 5, tùy chất lượng men. Sau khi ủ, lấy cơm rượu ra, chắt phần nước mà cơm rượu tự chảy xuống thố, pha thêm ít đường, quậy tan. Sau đó đem rưới nước cơm rượu vào phần nếp, trộn đều là có cơm rượu nếp cẩm.

Cơm rượu viên tròn - Ngọt lừ cơm rượu miền Nam

Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu nếp được gọi là cơm rượu. Cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Cơm rượu miền Nam dễ ăn, trắng cơm, mềm quyện vào nhau, ngọt ngào mà nồng dịu, chẳng làm ai say bao giờ vì nếp để làm cơm rượu tiết ra nhiều nước, lại thêm vị ngọt lừ của nước đường rưới thêm vào.

Nguyên liệu

Nếp thơm: 1kg
Men ngọt: 3 – 4 viên
1 thìa cà phê muối, ½ chén đường trắng, ½ chén nước sạch

Ấm nồng cơm rượu - 2

Cách làm

- Nếp vo sạch, ngâm qua đêm. Đổ nước xăm xắp mặt, cho vào chút muối, nấu như nấu cơm cho chín dẻo. Cơm nếp chín, xới ra mâm, trải mỏng ra cho mau nguội. Men ngọt giã nhuyễn. Khi cơm nguội, rắc đều lớp men ngọt lên, trộn nhồi bột men vào cơm nếp cho thật đều

- Pha chén nước muối, xoa đều lên hai lòng bàn tay đã rửa sạch, túm một nhúm xôi nếp, vò thành viên tròn cỡ đầu ngón tay cái rồi xếp vào thố sạch.

Lấy giấy kiếng bao phía trên thau cho thật kín hơi, đậy nắp lại và để chỗ hơi ấm. Tùy chất lượng men, sau 3 – 4 ngày, trong hũ cơm rượu sẽ tự dậy nước và mùi thơm rượu. Để qua đến ngày thứ 3 mà không thấy dậy mùi rượu và tiết ra nước là chất lượng men kém hoặc ít. Giã nhuyễn thêm 1 – 2 viên men rồi cho vào hũ cơm rượu, để thêm một ngày nữa

- Cho đường và nước lên bếp nấu tan, để thật nguội rồi chan đều lên thau cơm rượu, sau đó bao giấy kiếng lại cho kín. Qua hôm sau là có thể ăn được.

Cơm rượu gạo lứt muối mè – Món ngon bài thuốc

Cơm rượu được nấu trong trái dừa có màu nâu nhạt, hạt tròn, đều và thơm thoảng hương đậu xanh. Gạo lứt, muối mè được xem là một dạng thực phẩm chức năng vì có tác dụng phòng và trị bệnh. Cơm rượu chế biến từ gạo lứt, muối mè là sản phẩm mới được thực hiện theo cách lên men truyền thống. Sự kết hợp này không chỉ có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh tim mạch, tiểu đường… mà còn có chức năng kích thích hệ tiêu hóa, tạo ra món ăn ngon và bổ dưỡng hơn.

Nguyên liệu

Dừa tươi: 10 trái
Nếp lứt: 1kg
0,5g muối ăn, 100g mè rang, 200g đậu xanh, 2 – 3 viên men ngọt, 50ml nước đường

Ấm nồng cơm rượu - 3

Cách làm

- Nếp vo sạch, ngâm khoảng 10 tiếng cho hạt nếp nở mềm

- Dừa cắt ngang từng trái, lấy nước dừa nấu xôi nếp lứt, để lại trái dừa. Đậu xanh và nếp lứt ngâm trước vài giờ. Mè rang cho ngả sang vàng. Men tán nhỏ thành bột mịn

- Nấu nếp lứt, đậu xanh với nước dừa, cho thêm chút muối vào. Xôi chín trải ra nia, trộn đều với mè. Để nguội, rắc men vào nồi trộn đều

- Cho hỗn hợp xôi vào trái dừa, rưới đều nước đường lên nếp để tăng vị ngọt. Đậy nắp dừa lại, ủ ở nhiệt độ phòng trong vòng 3 ngày. Quan sát nếu thấy hạt cơm rượu rời hạt không dính vào nhau nhiều thì đạt yêu cầu.

- Khi ăn xới riêng phần nếp ngấu rượu ra, tải nhẹ tay cho hạt xôi tơi ra, để riêng. Chắt lấy phần nước rượu cho vào chai để riêng, khi ăn mới xới cơm rượu ra từng cái chén nhỏ, châm ít nước rượu cho vừa đủ ướt cơm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Châu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN