10 món ngon nhất định bạn phải thử khi du lịch Hà Giang dịp nghỉ lễ

Ngoài phong cảnh trữ tình, Hà Giang còn là cái nôi sinh sống của cộng đồng 19 dân tộc thiểu số. Những món ăn độc đáo mang đậm nét văn hóa của đồng bào thực sự vô cùng hấp dẫn, làm say lòng bất cứ ai đến thăm mảnh đất Hà Giang xinh đẹp và mến khách.

1. Thắng cố

Thắng cố là món ăn truyền thống của người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Nguyên liệu chính được nấu từ thịt ngựa với hương vị đặc trưng và hấp dẫn. Đến nay, để phục vụ du khách và khẩu vị của nhiều người nên đồng bào đã dùng thêm nguyên liệu là thịt trâu, bò, lợn...

Thắng cố thường được nấu bán trong những buổi chợ phiên hay những dịp lễ quan trọng của bản làng. Để tạo nên món thắng cố thơm ngon, người dân địa phương thường dùng kết hợp rất nhiều loại gia vị đặc trưng của vùng cao như quế, hoa hồi, thảo quả...

Trong cái rét ngọt của vùng cao, cùng ngồi với nhau bên nồi thắng cố, uống chén rượu ngô thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời du khách không nên bỏ qua khi đến Hà Giang, đặc biệt là tại các phiên chợ.

Nấu thắng cố ở chợ phiên.

Nấu thắng cố ở chợ phiên.

2. Mèn mén

Đồng bào vùng cao Hà Giang thường ăn mén mén với thắng cố hoặc nấu cùng cải mèo muối chua tạo nên một món canh thanh mát độc đáo.

Mèn mén còn được gọi là cơm ngô, là một món ăn của người Mông được làm từ những hạt ngô tẻ. Để có được món mèn mén thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ. Từ lựa chọn hạt ngô, xay ngô, nhào bột ngô, đồ ngô, độ to, nhỏ của lửa để ngô tơi ngon và có hương vị thơm ngon, dẻo, đậm đà.

3. Bánh tam giác mạch

Đây là món bánh ngon độc đáo. Tam giác mạch là loài hoa nổi tiếng ở Hà Giang, hoa có nhiều màu trắng, phơn phớt hồng, hay tím đỏ. Các sản phẩm được chế biến từ hạt tam giác mạch như bánh tam giác mạch có vị thơm ngon. Khi cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị béo béo mềm xốp của bánh cùng mùi đặc trưng của hoa tam giác mạch. Loại bánh này rất được du khách ưa chuộng mua về làm quà.

Bánh tam giác mạch.

Bánh tam giác mạch.

4. Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp chính là món ăn truyền thống làm nên thương hiệu của ẩm thực Hà Giang. Thịt trâu gác bếp được làm từ nguyên liệu chính là thịt trâu hoặc bò được chăn thả tự nhiên nên thịt dai, chắc và có mùi thơm đặc trưng.

Miếng thịt được thái dọc thớ dài, tẩm ướp với các loại gia vị như muối, gừng, ớt, hạt tiêu rừng (mắc khén). Sau đó đem móc các dải thịt vào thanh sắt treo lên gác bếp, cho hun khói từ củi rừng cho đến khi khối thịt ám khói đen và khô lại. Phần thịt bên ngoài có màu nâu đen nhưng bên trong lại có màu đỏ bắt mắt và đậm vị. Khi ăn có hương khói nồng nàn, vị bùi của thịt và vị cay thơm nồng của mắc khén, tạo nên hương vị rất độc đáo

5. Xôi ngũ sắc

Đi chợ phiên vùng cao Hà Giang các bạn sẽ thấy rất nhiều chị em người dân tộc thiểu số bán xôi ngũ sắc, một loại xôi có 5 màu rực rỡ và đặc biệt thơm ngon.

Xôi ngũ sắc được làm từ gạo nếp nương dẻo thơm đặc biệt, đồ trong chõ gỗ truyền thống. Nguyên liệu tạo màu gồm có các loại lá cẩm, gấc, lá gừng, vỏ bưởi, củ nghệ, lá cơm đen... Chỉ ăn xôi không cũng đã ngon mà không cần thêm gia vị khác.

Xôi ngũ sắc.

Xôi ngũ sắc.

6. Phở chua

Phở chua cũng là một đặc sản được ưa chuộng ở Hà Giang. Các nguyên liệu làm nên bát phở chua bao gồm: bánh phở đặc biệt, thịt xá xíu, vịt quay, lạp xưởng cùng các loại rau thơm như húng, tỏi, đu đủ, lạc… Nước dùng của món ăn này có vị chua ngọt rất lạ miệng. Khi ăn sẽ cảm thấy thanh mát, không ngán.

7. Phở Tráng Kìm - đặc sản Hà Giang

Phở Tráng Kìm chỉ có ở một địa điểm duy nhất ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Điều tạo nên nét đặc biệt của những tô phở Tráng Kìm đó là sợi phở mềm mịn được làm thủ công. Nước dùng được hầm từ xương cùng những loại gia vị quen thuộc như gừng, quế, hồi, thảo quả… tạo nên vị thơm ngọt đặc trưng của miền núi.

Thịt gà trong phở Tráng Kìm được chế biến từ loại gà đồi được đồng bào chăn thả tự nhiên, khi ăn rất thơm và ngọt thịt. Đây là món phở đặc biệt mà những ai đi qua Quản Bạ đều muốn thưởng thức.

8. Thắng dền

Thắng dền là món bánh ngon trông giống như bánh trôi tàu ở miền xuôi. Bánh được làm từ bột gạo nếp Yên Minh, loại nếp nương nổi tiếng với vị dẻo thơm. Gạo được ngâm rồi mang đi xay, nặn thành viên nhỏ và luộc chín.

Phần nước dùng làm từ đường hoa mai, dừa và gừng, khi ăn rắc thêm lạc rang. Đây là một thứ quà vặt vô cùng ngọt ngào, rất thích hợp với thời tiết se lạnh của vùng cao.

Thắng dền.

Thắng dền.

9. Bánh cuốn Hà Giang

Bánh cuốn Hà Giang được làm từ bột gạo thơm. Khác với miền xuôi, bánh cuốn Hà Giang được dùng với nước hầm từ xương. Bánh thường ăn kèm với trứng hoặc ruốc thịt lợn đen, rắc thêm hành phi và rau thơm. Khi ăn ta sẽ cảm nhận được vị mềm ngọt của bánh cùng vị nước dùng ngọt thanh, chan nhiều cũng không cảm thấy ngấy.

10. Cháo ấu tẩu

Ấu tẩu tuy là một loại củ có độc tố, nhưng với kinh nghiệm chế biến gia truyền của người dân địa phương, cháo ấu tẩu trở thành một món ăn ngon tốt cho sức khỏe.

Củ ấu tẩu được chế biến và hầm cùng gạo thơm dẻo và chân giò. Khi ăn có vị hơi đắng nhưng sau đó lại rất ngọt. Loại cháo này được người dân địa phương rất ưa chuộng vì giúp bồi bổ sức khỏe và phòng ngừa các bệnh xương khớp.

Nguồn: [Link nguồn]

Foodtour Nam Định với 10 món ăn ngon ”bá cháy”

Thành phố Nam Định lâu nay vốn đã nổi tiếng với "bầu trời" ẩm thực vô cùng đa dạng và phong phú. Nếu không thử 10 món ăn dưới đây bạn sẽ rất tiếc nuối vì bỏ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Phương ([Tên nguồn])
Đặc sản 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN