Ngân hàng sẽ được nới room sớm nhất trong năm nay

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngân hàng sẽ được nới “room” sớm nhất trong năm nay, thông điệp này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn với Hãng tin Bloomberg ngày 13/1/2017.

Cụ thể, Thủ tướng cho biết sẽ nâng tỷ lệ sở hữu và mở rộng cánh cửa vào thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai gần. Động thái trên được đánh giá là một bước tiến quan trọng, góp phần thu hút thêm đầu tư, củng cố hệ thống tài chính tại các doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2012, Chính phủ thành lập Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) để mua lại các khoản nợ xấu từ ngân hàng. Tới tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu trong các khoản vay của ngân hàng giảm từ 17% xuống 2,5%. Tuy nhiên, hồi tháng 7/2016, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết chưa đến 5% các khoản nợ xấu được chuyển giao qua VAMC được xử lý.

Ngân hàng sẽ được nới room sớm nhất trong năm nay - 1

Như vậy, về bản chất, việc xử lý nợ xấu chưa đạt được bước tiến đáng kể nào trong các năm gần đây và việc mở room được coi là một động thái để thúc đẩy quá trình xử lí nợ xấu.

Ở một diễn biến khác, NHNN vừa qua đã ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đối với ngân hàng, giảm từ mức 9% hiện tại xuống mức 8%. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, các ngân hàng có khả năng thực hiện tỷ lệ an toàn vốn trước thời hạn này có thể gửi văn bản đăng ký áp dụng trước.

Đây được cho là động thái của NHNN để mở đường cho việc áp dụng chuẩn Basel II vào hệ thống các ngân hàng, bởi theo quy định của chuẩn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%.

Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống năm nay ước tính là 11,3%. Toàn hệ thống có 4/92 ngân hàng thương mại có tỷ lệ CAR dưới 9% và 10/118 tổ chức tín dụng âm vốn tự có. Nếu loại trừ các tổ chức tín dụng bị âm vốn tự có thì CAR của toàn hệ thống là 12,6%.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Anh, chuyên gia phân tích ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nếu áp dụng chuẩn an toàn vốn theo Basel II tại 10 tổ chức tín dụng thí điểm cho thấy hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng. Điều này cho thấy dù hệ số CAR được giảm nhưng thực tế các ngân hàng không dễ để đáp ứng được yêu cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Giang (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN