Doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu

Cửa vay vốn ngân hàng hẹp lại, nhiều DN bất động sản tìm cách huy động tiền qua kênh trái phiếu để mở rộng kinh doanh sau dịch Covid-19.

Khát vốn, doanh nghiệp bất động sản ồ ạt huy động tiền qua trái phiếu với lãi suất cao

Khát vốn, doanh nghiệp bất động sản ồ ạt huy động tiền qua trái phiếu với lãi suất cao

Ồ ạt huy động

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ đầu quý III đến nay, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) ồ ạt phát hành trái phiếu với lãi suất khủng.

Gần đây nhất (ngày 9/9) một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội công bố phát hành 30.000 trái phiếu, tổng trị giá 3.000 tỷ đồng, lãi suất lên đến 18% nếu khách hàng lựa chọn kỳ hạn 5 năm, nhận lãi một lần duy nhất vào cuối kỳ. Ngày phát hành dự kiến là 15/12/2020. Mức lãi suất này tương đương lợi nhuận 90% tại thời điểm đáo hạn. Trong trường hợp khách hàng lựa chọn kỳ hạn 5 năm, kỳ trả lãi 6 tháng/lần, mức lãi suất nhận được sẽ là 15%/năm.

Trao đổi với PV, đại diện doanh nghiệp này cho biết, tổng số tiền từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, đa dạng hóa nguồn vốn nhằm phục vụ cho việc tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.

“Chúng tôi đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều dự án bất động sản trọng điểm đang được triển khai và cần bổ sung nguồn vốn lưu động. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển giai đoạn tới còn bao gồm kế hoạch mua lại một số dự án lớn, thâu tóm các khu đất vàng giàu tiềm năng, tái cơ cấu và nâng tỉ lệ sở hữu các công ty con...”, vị đại diện chia sẻ.

Tập đoàn Novaland cũng là một trong những doanh nghiệp thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Novaland phát hành tới 2.537 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 10,60%/năm. Riêng trong tháng 7, Novaland phát hành 3 đợt khác nhau với tổng giá trị trái phiếu lên đến 1.420 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng. Sang đầu tháng 8/2020, Hội đồng quản trị Tập đoàn liên tục thông qua 8 nghị quyết phát hành trái phiếu với tổng trị giá lên đến 2.500 tỷ đồng…

Nhiều “đại gia” khác trong lĩnh vực bất động sản cũng đã chạy đua phát hành trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng nhờ vào lãi suất hấp dẫn như: TNR Holdings phát hành hơn 5.300 tỷ đồng, lãi suất bình quân 10,9%/năm, kỳ hạn hơn 4 năm. Công ty Phú Mỹ Hưng phát hành 900 tỷ đồng với lãi suất 7,15%/năm.

Tập đoàn Sovico mới đây cũng phát hành 1.550 tỷ đồng. Công ty Địa ốc Sông Tiên phát hành 600 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm. Công ty Bất động sản Đông Dương phát hành 1.200 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm cho kỳ hạn 4 năm. Công ty City Garden phát hành 1.598 tỷ đồng, lãi suất 13,3%/năm cho kỳ hạn bình quân hơn 2 năm…

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ tính riêng trong tháng 8 đã có khoảng 38.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành trên tổng số 127.100 tỷ đồng chào bán, tăng gần gấp đôi số lượng TPDN phát hành trong tháng 7 là 19.900 tỷ đồng.

Lãi suất càng cao, rủi ro càng lớn

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngân hàng đã thực hiện giãn nợ. Thế nhưng, tài sản đảm bảo vay vốn của doanh nghiệp không còn. Khối lượng vay lớn tương ứng phải trả lãi ở thời điểm này là rất khó khăn, chưa nói đến việc doanh nghiệp sợ nhất là ảnh hưởng khoản nợ cũ. Do vậy, doanh nghiệp lựa chọn phát hành trái phiếu để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.

Ông Nghĩa cho rằng, phát hành trái phiếu có lợi thế nhanh hơn, không bị kiểm soát của các cơ quan tài chính về mục đích sử dụng, tiến độ giải ngân và có thể dùng vào vào nhiều mục đích sử dụng khác nhau.

Tuy nhiên, ngược với sự dễ dàng, thuận lợi của phía doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư lại dễ gánh lấy rủi ro. Ngoài yếu tố kỳ hạn, lãi suất càng cao, rủi ro của trái phiếu thường càng lớn. Do đó, ông Nghĩa lưu ý, nhà đầu tư khi mua trái phiếu cần xem đến yếu tố “sức khoẻ” của doanh nghiệp phát hành và tính khả thi của đề án huy động.

Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng phân tích, hầu hết doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, bản cáo bạch phát hành lại quá phức tạp. Do đó, rủi ro lớn với nhà đầu tư là khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị phá sản, trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh.

Một rủi ro nữa là về thanh khoản, bởi thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) của các trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa phát triển khiến người nắm giữ không dễ thoái vốn khi cần.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, kênh phát hành trái phiếu rất hiệu quả để các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn từ xã hội và làm giảm nguồn vốn phụ thuộc vào ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thật sự đảm bảo tính minh bạch.

Do vậy, cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, có đơn vị tư vấn giàu năng lực để thực hiện đánh giá chỉ số tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành, tính khả thi của phương án phát hành trái phiếu.

Theo thống kê, lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công đạt 196.500 tỷ đồng, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 179.500 tỷ đồng, tăng 37,0% so với cùng kỳ năm trước. Ghi nhận lượng trái phiếu phát hành mạnh nhất trong tháng 8 với khoảng 38.400 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

”Ôm” khoản nợ gần 2.000 tỷ, Tracodi vẫn phát hành 500 tỷ trái phiếu

Tradico dự kiến sẽ thực hiện đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 500 tỷ đồng, được đảm bảo bằng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hùng ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN