Vợ chồng trẻ có nên “trả lương” cho bà trông cháu như thuê người giúp việc?
Nhiều người cho rằng, con ai người ấy nuôi, nhờ bà trông cháu thì cần phải gửi “tiền lương” hàng tháng cho bà, nhưng cũng không ít người cho ý kiến ngược lại.
Hai vợ chồng chị Phương Liên, quê ở Hoà Bình cho biết, hai vợ chồng cùng quê, lấy nhau rồi tới Hà Nội làm công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội).
Sau 2 năm lấy nhau, chị Liên sinh con gái đầu lòng. Thời gian nghỉ sinh xong, hai vợ chồng có nhờ bà nội thu xếp công việc xuống chăm cháu giúp.
“Vợ chồng tôi còn khó khăn, lương hai vợ chồng chỉ khoảng 16-18 triệu đồng/tháng. Trừ tiền nhà trọ, điện, nước và ăn uống cũng không còn bao nhiêu. Nếu thuê giúp việc trông con thì cũng phải 6-7 triệu/tháng mà không yên tâm nên tôi muốn nhờ bà cho đỡ chi phí”, chị Liên nói.
Nhiều người cho rằng, việc ông bà trông cháu là việc nên làm, không cần phải trả tiền. (Ảnh minh hoạ).
Bà nội xuống trông cháu, chị Liên lại phải thuê thêm một phòng trọ bên cạnh, xin phép nhà chủ làm cửa thông hai phòng làm một. Công việc hàng ngày bà làm hết từ cho cháu ăn, ngủ, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa và nấu nướng.
Từ ngày có bà nội xuống chăm cháu, vợ chồng chị Liên như vợ chồng son, đi sớm về muộn thoải mái vì ở nhà đã có bà “cân tất”.
Tuy nhiên, khi bà chăm cháu được 3 tháng thì chồng chị Liên cho rằng, hàng tháng hai vợ chồng phải tích cóp đưa cho bà ít nhất 5 triệu đồng/tháng khiến chị Liên “sốc”.
“Nếu nhờ bà mà mất 5 triệu đồng/tháng thì không khác gì thuê giúp việc. Giờ bà còn khoẻ bà chăm cháu giúp tôi, sau này bà già yếu cũng đến tay vợ chồng tôi, chẳng lẽ khi ấy tôi cũng đòi tiền lương hay sao. Biết thế thì tôi thuê người ngoài cho thoải mái, đỡ mang tiếng nhờ vả mẹ chồng, mai kia bà lại kể công”, chị Liên nói.
Nghe chồng nói vậy, chị Liên cho biết, đợi con được một tuổi, chị sẽ cho con đi học, chi phí chỉ mất tầm 2,5 triệu đồng/tháng cả ăn 2 bữa rồi, không nhờ bà nội trông nữa.
Vấn đề nhờ ông bà trông cháu hay thuê người ngoài để bố mẹ đi làm sau thời gian sinh con luôn khiến nhiều gia đình đau đầu. (Ảnh minh hoạ).
Cùng cảnh con nhỏ, chị Thu (quê ở Phú Thọ) cho biết, khi vợ chồng chị nhờ bà nội xuống chăm cháu giúp để chị đi làm, bà nội nói luôn là mỗi tháng sẽ lấy 3 triệu tiền lương.
“Bà bảo là người ta đi làm giúp việc được lương chục triệu một tháng thì bà chỉ lấy bằng 1/3 người ngoài để lấy tiền đi ăn cỗ hay đình đám ở quê. Vui vẻ thì bà xuống trông cho, không thì thôi, con ai người đấy chăm”, chị Thu kể.
Theo chị Thu, hai vợ chồng rất thoải mái và vui vẻ với ý kiến này vì được bà xuống chăm cháu giúp và “sòng phẳng” về vấn đề tiền bạc ngay từ đầu để tránh mất lòng về sau.
Ngoài ra, chị Thu cho rằng, việc chăm con, nuôi con là việc của hai vợ chồng. Bà chăm cháu vất vả cũng nên đưa cho bà một khoản để bà thích mua gì thì mua. Không tiêu đến, bà cất đi để khi nào đau yếu thì mang ra dùng.
Đồng tình với ý kiến của chị Thu, anh Kiên (quê ở Phú Thọ) cũng cho rằng, khi bà nội hay bà ngoại trông cháu giúp thì hai vợ chồng anh đều thống nhất sẽ biếu ông bà một khoản gần bằng số tiền thuê người giúp việc.
“Mẹ vợ tôi xuống chăm cháu giúp gần 2 năm trời nhưng tháng nào vợ chồng tôi cũng biếu bà khoảng 2 triệu. Chưa kể mua thêm thuốc bổ cho bà. Thi thoảng đưa bà về quê, tôi cũng tự bỏ tiền ra để sửa sang nhà cửa như làm mái che sân, làm cổng mặc dù tôi là con rể”, anh Kiên chia sẻ.
Theo anh Kiên, con mình sinh ra thì mình phải có nghĩa vụ nuôi con, còn bố mẹ già dù không trông con giúp mình thì hai vợ chồng cũng phải có nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc trong điều kiện cho phép.
“Nếu bà thu xếp xuống trông cháu được thì là điều tốt. Khi ấy thì hàng tháng mình biếu bà một khoản cho bà vui chứ không gọi là lương. Nói thế bà tự ái đấy”, anh Kiên bộc bạch.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Chuyên gia tâm lý Steven Nguyễn cho rằng, vấn đề có nên “trả lương” cho ông bà chăm cháu hay không là vấn đề có từ lâu và cũng có nhiều tranh cãi.
Theo chuyên gia tâm lý Steven Nguyễn, ở độ tuổi trung niên, khi đã có cháu rồi thì thường ông bà đã về hưu hoặc có nhiều thời gian rảnh. Tuy nhiên, con cái không nên lấy việc ông bà nghỉ hưu rồi, có nhiều thời gian nên việc trông cháu, chăm cháu là nghĩa vụ của ông bà và không cần trả lương.
Bởi vì, trách nhiệm lớn nhất trong việc nuôi dưỡng con cái là của bố, của mẹ còn ông bà chăm cháu nằm trên phương diện tự nguyện nhiều hơn là bắt buộc, thể hiện tình yêu thương đối với con cháu của mình.
“Nếu nói là trả lương cho ông bà chăm cháu thì nó sẽ mất đi sự kết nối tình cảm liên kết các thành viên trong gia đình với nhau, của ông bà với các cháu của mình. Ông bà hỗ trợ mình chăm cháu thì mình nên biếu ông bà một khoản tiền nào đó cho bố mẹ có thêm động lực chăm cháu, cũng là báo hiếu bố mẹ”, chuyên gia Steven Nguyễn nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Khá nhiều căn hộ tập thể cũ ở nội đô Hà Nội hiện có mức giá cao ngang ngửa căn hộ chung cư hiện đại, song vẫn là lựa chọn của không ít gia đình.