“Phát sốt” với bảng chi tiêu Tết hết hơn 71 triệu đồng, bao nhiêu tiền là đủ?
Nhiều người cho rằng, bản kế hoạch chi tiêu này chỉ để “cho vui” nhưng cũng có chị em cho biết, với gia đình họ, 71 triệu chi tiêu cho Tết Nguyên đán là chưa đủ.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, trên các diễn đàn, các chị em lại xôn xao bàn tán về việc chi tiêu, mua sắm Tết.
Trong đó, bức ảnh chụp bảng dự tính chi tiêu Tết Nguyên đán 2022 với số tiền hơn 71 triệu đồng đang nhận được sự quan tâm, chia sẻ và tranh cãi hơn cả.
Bức ảnh được đăng lên kèm dòng chú thích: “Ngồi hóng hớt chị kế toán liệt kê danh sách chi tiêu cho Tết Nguyên đán mà tôi xỉu ngang, gần bằng cái đám cưới ở quê tôi rồi. Bảo sao mà càng ngày giới trẻ càng sợ lập gia đình. Giờ mới hiểu vì sao mỗi lần Tết về, tôi hớn ha hớn hở, còn bố mẹ thì mặt tái xanh…”
Bảng chi tiêy Tết Nguyên đán 2021 gây tranh cãi một số ngày gần đây trên mạng xã hội.
Theo đó, bảng chi tiêu được tính bắt đầu từ Tết ông Công ông Táo cho đến ngày Khai xuân với tổng cộng 14 mục cần chi tiêu với tổng số tiền là 71.195.000 đồng.
Cụ thể: Ông Công ông Táo hết 600 nghìn đồng; Sắm Tết là 10 triệu đồng; Biếu bố mẹ 2 bên 20 triệu đồng; Quà Tết biếu sếp hết 3 triệu đồng; Giỏ quà biếu nội ngoại 2 triệu đồng; Giỏ quà Tết biếu anh chị xin việc hộ 1,5 triệu đồng; Trang trí nhà cửa hết khoảng 1,5 triệu đồng; Thay bình ga 550 nghìn đồng…
Ngoài ra, danh sách này còn có mục mừng tuổi họ hàng với số tiền 15 triệu đồng, mừng tuổi đồng nghệp hết 8 triệu đồng, mua quần áo cho 2 con hết 5 triệu đồng, mua quần áo cho hai vợ chồng hết 3 triệu đồng, tiền mạng internet 2 tháng hết 545 nghìn đồng, tá lả khai xuân hết 500 nghìn đồng…
Theo nhiều người, số tiền 71 triệu đồng tiêu Tết là quá nhiều và có nhiều khoản bất hợp lý. (Ảnh minh hoạ).
Ngay sau khi bảng chi tiêu Tết Nguyên đán 2022 này được đăng tải, lập tức bài viết nhận được sự quan tâm, bình luận, chia sẻ của hàng chục nghìn người. Trong đó, đa phần mọi người cho rằng người này chi tiêu không hợp lý, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp suốt gần 2 năm qua.
“Tôi thấy tiền chi tiêu, biếu tặng cũng hết gần 50 triệu đồng, như vậy là quá nhiều. Hơn nữa, quần áo hay tiền ga thì mua sắm cả năm chứ đâu cần phải chờ đến Tết mới đi mua và tính vào tiền tiêu Tết. Ngoài ra, việc mừng tuổi đồng nghiệp và họ hàng là quá nhiều, cho đi rồi lại nhận lại chứ đi đâu mà thiệt”, chị Ngọc Lan, trú tại Hà Đông (Hà Nội) nêu ý kiến.
“Ôi chao, nhìn cái bảng chi tiêu Tết mà hoảng hồn luôn, đúng là nhà có điều kiện. Nhưng nhà có 2 con mà đi mừng tuổi nhiều thế kia thì chắc phải thu về nhiều hơn chứ. Chưa kể tiền mạng internet, tiền ga là khoản chi tiêu hàng tháng rồi, tính vào đây làm gì”, chị Hải Phương, trú tại Biên Hoà (Đồng Nai) nói.
Nhiều người cho rằng, chỉ cần khoảng 10 triệu đồng là có thể có một cái Tết đầy đủ, ý nghĩa. (Ảnh minh hoạ).
Theo anh Nguyễn Xuân Quang, trú tại Hoài Đức (Hà Nội) thì với những người có điều kiện, con số 71 triệu đồng để chi tiêu cho Tết là bình thường. Tuy nhiên, với những vợ chồng có thu nhập dưới 15 triệu đồng thì việc chi tiêu Tết chỉ gói gọn vào khoảng 10 triệu đồng là được.
“Như nhà tôi sẽ bỏ khoản biếu sếp vì thu nhập của mình thấp, làm gì có tiền mà biếu. Nếu có biếu thì biếu con gà hay chục quả bưởi ngon, sếp vừa thích lại vừa đỡ tốn kém. Còn tiền biếu nội ngoại, mỗi bên 3 triệu đồng. Sắm Tết hết khoảng 2 triệu là cùng. Mua cây đào, cây quất, thêm vài cân giò, mấy con gà, vài cân thịt bò, chút bánh kẹo là được”, anh Quang phân tích.
Ngoài ra, theo anh Quang, không nhất thiết đến Tết thì phải đi mua quần áo mới nên không tính khoản này. Tiền mừng tuổi họ hàng hay đồng nghiệp thì sẽ được nhận lại nên không tính. Thêm một số khoản lặt vặt nên tổng chi tiêu Tết chỉ khoảng 10 triệu đồng, vừa vui vừa tầm tài chính.
Đồng quan điểm, chị Trịnh Thị Ánh, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng cho rằng, chị là giáo viên mầm non tư thục, nghỉ cả năm không lương nên xác định Tết này chỉ chi tiêu khoảng 1-2 triệu đồng.
“Dịch bệnh nên ai cũng biết gia đình mình đang khó khăn rồi. Có thế nào tiêu thế, vài cái bánh chưng, cây đào, cây quất, cân giò là xong. Thiếu bao nhiêu ông bà hỗ trợ”, chị Ánh cho hay.
Chi tiêu dịp Tết như thế nào để hợp lý luôn là vấn đề chị em băn khoăn, cân nhắc. (Ảnh minh hoạ).
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, họ phải chi nhiều hơn số tiền 71 triệu đồng cho dịp Tết Nguyên đán.
“Hai vợ chồng tôi định cư bên Mỹ, nếu về Việt Nam ăn Tết, riêng tiền mua 1 cặp vé máy bay là hết chừng đó rồi chứ chưa kể chi tiêu. Còn nếu ở bên này không về quê thì chỉ sắm cây thông Noel, biếu bố mẹ 100-200 USD, bánh kẹo tự nướng. Không có khoản mừng tuổi đồng nghiệp hay quà cáp bạn bè gì cả”, chị Dương, quê ở Đà Nẵng (Việt kiều Mỹ) cho biết.
Vậy nên tuỳ điều kiện kinh tế, thu nhập và hoàn cảnh của mỗi gia đình mà số tiền để chi tiêu trong dịp Tết nhiều hay ít. Tết là đoàn viên, sum họp và nghỉ ngơi sau một năm dài làm việc, 1 triệu hay 100 triệu, miễn sao cho Tết vừa vui vừa ý nghĩa là hạnh phúc rồi.
Được đào tạo bài bản và làm việc hơn 3 năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhưng anh Trực lại bỏ việc để về quê...
Nguồn: [Link nguồn]