Xôn xao clip xe ưu tiên tông kinh hoàng xe máy, luật sư phân tích đúng sai

Sự kiện: An toàn giao thông

Dù di chuyển vào đường giao nhau, lái xe máy vẫn vội vàng tạt đầu xe cứu thương nên bị tông văng.

Clip xe ưu tiên tông kinh hoàng xe máy

Mới đây, thành viên nhóm facebook về giao thông chia sẻ hình ảnh trích xuất từ camera giám sát ngày 21/3/2023 về vụ tai nạn nghiêm trọng, tài xế điều khiển xe máy chạy vào ngã tư thì từ đường bên phải (hướng di chuyển của xe máy) một xe cứu thương (có phát tín hiệu đèn quay) chạy tới.

Lúc này tài xế xe máy không giảm tốc độ, nhường đường cho xe ưu tiên mà cố di chuyển tạt đầu xe cứu thương để qua đường. Va chạm xảy ra, tài xế cùng xe máy bị xe cứu thương tông văng.

Hình ảnh từ clip cũng cho thấy, trên tuyến đường xe cứu thương đang di chuyển, nhiều phương tiện đang dừng lại trước vạch dừng chờ đèn tín hiệu.

Hình ảnh vụ tai nạn thu hút gần 1.000 ý kiến bình luận từ người dùng facebook. Phần lớn người dùng facebook đánh giá, tài xế xe máy gặp nạn vì quá vội vàng, nếu chậm lại vài giây nhường đường cho xe ưu tiên thì đã tránh được tai họa.

Trong khi cũng có ý kiến cho rằng, xe cứu thương được quyền ưu tiên nhưng vẫn phải giảm tốc độ và chú ý quan sát khi di chuyển qua đường giao nhau, đặc biệt khi hướng xe cứu thương di chuyển đang có đèn đỏ, trong khi các hướng khác đang đèn tín hiệu màu xanh.

Lái xe máy gặp tai nạn khi “vội vài giây” tạt đầu xe cứu thương đang phát tín hiệu đi làm nhiệm vụ. (Ảnh cắt từ clip)

Lái xe máy gặp tai nạn khi “vội vài giây” tạt đầu xe cứu thương đang phát tín hiệu đi làm nhiệm vụ. (Ảnh cắt từ clip)

Từ vụ tai nạn, nhiều độc giả đặt câu hỏi về quyền được ưu tiên của xe cứu thương. Di chuyển qua đường giao nhau thế nào cho đúng luật? Các xe ưu tiên như xe cứu thương có phải giảm tốc độ khi di chuyển qua đường giao nhau?

Trao đổi với PV về các thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, Luật giao thông đường bộ có quy định rõ về quyền ưu tiên của một số loại xe tại điều 22, trong đó có “xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu”.

“Theo Luật giao thông đường bộ, các xe ưu tiên (bao gồm xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định.

Xe ưu tiên sẽ không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Như vậy, các phương tiện khác như xe máy khi gặp xe ưu tiên phải giảm tốc nhường đường cho xe ưu tiên”, luật sư Kiên nói.

Tuy nhiên, theo luật sư Lê Văn Kiên, các loại xe ưu tiên dù được ưu tiên khi lưu thông nhưng vẫn phải tuân thủ các quy tắc của luật giao thông để đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, quy tắc di chuyển tại đường giao nhau.

Luật sư Kiên cho biết, Luật Giao thông đường bộ có quy định về “Nhường đường tại nơi giao nhau” (điều 24). Cụ thể, điều luật nêu rõ: Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:

Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải; Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;

Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

“Như vậy, theo luật quy định, các phương tiện tham gia giao thông khi tới nơi đường giao nhau, các tài xế bắt buộc phải làm là giảm tốc độ, sau đó sẽ thực hiện các quy tắc nhường đường.

Các xe ưu tiên sẽ được quyền đi trước ở đường giao nhau, nhưng phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn giao thông.

Tôi lấy một ví dụ, nếu có 2 xe cứu thương chạy từ hai hướng khác nhau vào ngã tư, xe nào cũng là xe ưu tiên nên không giảm tốc độ và cứ thế phóng qua ngã tư, bất chấp đèn tín hiệu giao đang đèn đỏ thì sẽ như thế nào?”, luật sư Kiên nói và khuyến cáo, nguy cơ tai nạn sẽ rất lớn nếu các phương tiện tham gia giao thông, bao cả xe cứu thương không giảm tốc độ, quan sát khi di chuyển qua đường giao nhau.

Nguồn: [Link nguồn]

Va chạm với xe cứu thương, 1 người tử vong

Cú tông mạnh khiến người đàn ông và xe máy bị văng lên phía trước nhiều mét...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN