Vì sao bão Linda gây thảm họa thế kỷ: Gần 800 người chết ở Nam Bộ?

Sự kiện: Tin bão

Cách đây đúng 20 năm, bão Linda đổ bộ đất liền các tỉnh Nam Bộ với sức gió mạnh cấp 8-9 nhưng đã khiến 4.120 người thương vong và mất tích, thiệt hại về vật chất ước tính 7.200 tỉ đồng.

Vì sao bão Linda gây thảm họa thế kỷ: Gần 800 người chết ở Nam Bộ? - 1

Bão Linda năm 1997 đã trở thành thảm họa thế kỷ đối với các tỉnh Nam Bộ. Ảnh minh họa Nguyễn Sơn.

Hôm nay (2/11), tròn 20 năm cơn bão Linda đổ bộ vào khu vực miền Nam Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề cho 21 tỉnh thành. Đây được đánh giá là cơn bão thảm khốc nhất tại miền Nam trong ít nhất 100 năm.

Đêm 31/10/1997, một vùng áp thấp ở khu vực Nam Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6-7, di chuyển theo hướng Tây.

Đến ngày 1/11, thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão số 5 có tên quốc tế là Linda với sức gió cấp 8, giật trên cấp 8.

Tối 2/11, bão đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền các tỉnh Tây Nam Bộ với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9.

Bão Linda đã làm 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương; số nhà bị sập là 107.892;… thiệt hại về vật chất ước tính 7.200 tỉ đồng. Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau đã có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương.

Dù chỉ mạnh cấp 8-9 nhưng tại sao bão Linda lại gây ra thảm họa kinh hoàng đối với người dân Nam Bộ như vậy?

Về vấn đề này, chiều 2/11, trao đổi với PV, ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, người trực tiếp chỉ đạo ứng phó với cơn bão Linda năm 1997 cho biết, nguyên nhân chính khiến bão Linda gây thảm họa là do bão mạnh.

PV thắc mắc, khi bão đổ bộ chỉ mạnh cấp 8-9, nếu so với nhiều cơn bão trước thì cấp độ của bão Linda chưa thể sánh được.

Ông Ngọ giải thích: “Nếu so với các cơn bão đổ bộ miền Trung hay miền Bắc thì bão Linda chưa phải mạnh nhất nhưng bão lại đổ bộ vào khu vực miền Nam, khu vực mà hàng trăm năm nay chưa phải đón nhận bão.

Hơn nữa, bão lại đổ bộ vào vùng tàu bè neo đậu tập trung, dân cư đông đúc và cơ sở vật chất ứng phó bão có hạn”.

Tuy nhiên, ông Ngọ cũng không phủ nhận, bão Linda gây thảm họa còn do yếu tố chủ quan của chính quyền và người dân.

“Nhận định đây là cơn bão rất mạnh, chúng tôi đã yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương gọi điện đến tất cả lãnh đạo địa phương để cảnh báo, nhưng họ đều nói “trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng”.

Nhiều người còn hồ hởi kháo nhau đi xem bão là gì vì vùng đất này cả trăm năm nay bình yên, chưa hề có khái niệm về bão”, ông Ngọ chia sẻ.

Ngay sau khi bão qua, ông Ngọ cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo bay đến Côn Đảo kiểm tra tình hình. Cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt ông với hàng ngàn tàu thuyền bị lật chìm, nhà cửa tan hoang, hàng trăm người dạt vào bờ…

Bão Linda năm 1997 thực sự đã trở thành thảm họa thế kỷ đối với các tỉnh Nam Bộ. Bão đi qua nhiều năm những vẫn để lại nỗi đau cho hàng chục nghìn người dân còn ở lại.

Ngày 2/11, UBND tỉnh Cà Mau định tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm cho các nạn nhân tử vong trong bão Linda. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khu vực Nam Bộ trước đó nên buổi lễ đã bị hoãn và sẽ tổ chức lại vào sáng mai (3/11) tại cửa biển Khánh Hội (Cà Mau).

Sự trùng hợp kỳ lạ giữa áp thấp nhiệt đới và bão Linda năm 1997

Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang đổ bộ vào khu vực biển phía nam mũi Cà Mau – nơi bão Linda đã gây ra thảm họa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN