Vật lộn trong nắng lửa

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Nắng nóng kéo dài, nhiều nơi nắng như đổ lửa khiến người dân rơi vào khó khăn, trong đó, dân miền Trung làm việc ngoài trời, trong điều kiện phải tiếp xúc nhiều với nắng nóng phải mặc như “nin-ja”, đổ mồ hôi, sôi nước mắt với nắng nóng. Dù điều kiện khắc nghiệt vậy, họ vẫn chạy đua với thời gian để hoàn thành những công việc gấp gáp ở các dự án.

Gặp “ninja” trên công trường Cao tốc Bắc - Nam ở Quảng Bình

Mới hơn 9 giờ sáng nhưng bầu không khí của Quảng Bình đã hầm hập như trong phòng xông hơi. Trên công trường cầu Long Đại bắc qua sông Long Đại thuộc huyện Quảng Ninh, hàng chục công nhân vẫn hối hả hàn xì, cài sắt, hoàn tất những công đoạn cuối cùng để kịp đổ rá trụ đầu tiên của cây cầu dài hơn 1km trên tuyến Cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình).

Phòng chống say nắng là một trong những yêu cầu cấp thiết trên các công trường

Phòng chống say nắng là một trong những yêu cầu cấp thiết trên các công trường

Nhìn hình ảnh lô gô gắn trên thiết bị xe máy, mọi người dễ dàng nhận biết, đơn vị xây dựng cầu Long Đại là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính. Ngay lối lên cầu công vụ để ra công trường, đập vào mắt là tấm bảng thông báo nhiều nội dung công việc, nhưng nổi bật nhất vẫn là nội dung hướng dẫn cách phòng chống say nắng.

Anh Thái Doãn Đại, chỉ huy công trường, đón chúng tôi ngay chân trụ cầu nằm giữa sông. Một tay chìa ra bắt, tay kia gỡ mũ trùm mặt, anh Thái cười nói: “Anh thông cảm, nắng quá, không trùm thế này không trụ nổi với cái nắng ở đây”.

Diêm dân ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ mưu sinh giữa đồng muối. Ảnh: NN

Diêm dân ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ mưu sinh giữa đồng muối. Ảnh: NN

Anh Thái người Nghệ An, có mặt từ ngày khởi công đến nay. “Hơn 4 tháng xây cầu nhưng đây là tháng nóng nhất anh à. Để đảm bảo tiến độ, bọn em phải luôn đảm bảo 3 ca nhưng thay đổi giờ làm việc để tránh bớt nắng nóng. Ai ra công trường đều phải thuộc nằm lòng hướng dẫn cách phòng, chống say nắng” - anh Thái nói.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua Quảng Bình bao gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126,79km, gồm: Đoạn Vũng Áng- Bùng 55,3km; Bùng - Vạn Ninh 49,9km; Vạn Ninh - Cam Lộ 65,5km. Ngay sau khi khởi công (ngày 1/1/2023), các nhà thầu nhanh chóng triển khai thi công, hàng nghìn nhân lực và máy móc, thiết bị được huy động chạy đua với thời gian, tranh thủ những ngày nắng ráo để thi công.

Ghé vào một khu lán trại của Binh đoàn 12, đơn vị đang đảm trách xây dựng mấy cây cầu Cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, không thấy một bóng người. Đi sâu vào trong, một người đàn ông mặc quần cộc áo phông đi ra đón khách. “Anh em ra công trường cả rồi, tui là kế toán nên ở nhà. Anh thông cảm, đang giờ làm việc, nhưng nóng quá nên mặc thế này cho nó mát” - người đàn ông nói.

Một dãy nhà lắp ghép khá tươm tất, nhưng do thấp và sắt thép nhiều nên hấp nhiệt, vào trong còn nóng hơn ở ngoài trời. Mời khách ngồi, người đàn ông xoay 1 trong 3 chiếc quạt chạy vù vù vây quanh ghế ngồi của anh ấy ra phía khách rồi phân bua: “Không phải là đơn vị không có tiền lắp điều hoà mà là vào đầu mùa nắng nóng nên cháy hàng. Với lại ở đây xa trung tâm, nên các đại lí điều hoà cũng không mặn mà, gọi mãi mà chưa thấy ai lên lắp”.

Đảm trách dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ, đại diện nhà thầu Tập đoàn Trường Thịnh cho biết: “Tập đoàn Trường Thịnh là liên doanh nhà thầu chính ở cả 2 gói thầu XL-01 và XL-02 của dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ. Sau lễ khởi công dự án là chúng tôi triển khai thi công luôn, huy động hơn 100 phương tiện, xe, máy và hơn 100 nhân lực. Trong đó, ở gói thầu XL-01 triển khai 3 mũi thi công, ở gói thầu XL-02 triển khai 4 mũi thi công”.

Đã hơn 15 giờ chiều, nhưng bầu trời không một gợn mây, không một làn gió, trên công trường bụi đỏ, hàng chục xe máy của Tập đoàn Trường Thịnh đang hối hả đào đắp, lu lèn…; hình hài của tuyến đường Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Lệ Thuỷ thuộc gói Vạn Ninh - Cam Lộ đang bắt đầu hình thành.

Một công nhân bịt kín người từ đầu đến chân đang đứng hướng dẫn đoàn xe ben đổ đất tâm sự: “Mấy ngày hôm nay không hiểu sao gió Lào không có mà gió nồm cũng không luôn, thi công ở vùng núi nữa nên ngột ngạt lắm. Anh xem, em đứng dưới ni bịt kín đã đành, anh em điều khiển xe máy cũng bịt kín như ninja rứa đó. Vừa nắng nóng, vừa bụi công trường… như cực hình nhưng phải cố thôi, vì làm đường lí tưởng nhất vẫn là thời tiết khô ráo”.

Đinh Minh Hải, chỉ huy một tốp thợ thi công cống hộp Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Vạn Ninh nói: “Người thì bịt kín, gặp khi ngược nắng nữa là chỉ có thể nhận diện nhau qua hình hài gầy béo, cao thấp chứ có nhìn được rõ mặt đâu anh”.

Dân Quảng Ngãi oằn mình mưu sinh

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, đợt nắng nóng gay gắt này còn kéo dài đến 26/5. Vất vả thấy rõ nhất trong những ngày này là người lao động ngoài trời, từ người làm phụ hồ, lái xe ba gác chuyên chở hàng thuê, chở vật liệu xây dựng… đến người bán hàng rong. Sự vất vả hằn lên trên những gương mặt sạm đen, ướt đẫm mồ hôi.

Ghi nhận của PV, tại khu vực TP Quảng Ngãi lúc gần 12h trưa 22/5, tại hầu hết các tuyến đường lớn như Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng… gần như vắng bóng người. Nhiệt độ về trưa càng cao cộng với nền nhiệt trên các tuyến đường nhựa tỏa lên rất oi bức.

Ở khu vực trước cổng Chợ Trung tâm Quảng Ngãi, nhiều người chở hàng thuê vẫn phải ra đường. “Mấy hôm nay trời nắng quá nhưng vẫn phải chở hàng để kiếm tiền chứ nghỉ thì không biết lấy gì mà ăn”, anh Nguyễn Văn Tiến (làm nghề chở hàng thuê) bộc bạch.

Để tránh nắng nóng quá sức chịu đựng, trên nhiều tuyến đường, nhiều người dân lao động phải tìm đến các vỉa hè có bóng cây lớn để trú nắng, đợi hết giờ nghỉ trưa để tiếp tục làm việc.

Trong khi nhiều người tìm mọi cách để tránh nắng nóng, trên cánh đồng muối Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ), nhiều diêm dân vẫn cần mẫn cào để gom lại từng ụ muối. Đưa tay lau vội mồ hôi hòa lẫn muối đọng thành vệt trắng trên gương mặt, bà Trần Thị Kim Loan (55 tuổi, trú thôn Tân Diêm, phường Phổ Thạnh) chia sẻ, bà mưu sinh bằng nghề làm muối hơn 30 năm qua. Trước đây, cứ mỗi mùa nắng nóng, cánh đồng muối Sa Huỳnh lại tấp nập người. Tuy nhiên những năm trở lại đây do làm muối vất vả, giá không cao nên người dân bỏ dần nghề, chuyển sang công việc khác.

Bà Loan chia sẻ, gia đình có 2 sào muối với 10 ô nại; Vợ chồng bà đều bắt đầu công việc từ tờ mờ sáng đến lúc chiều tối. Trời càng nắng, diêm dân đổ ra đồng càng đông. Khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc diêm dân tranh thủ thời gian “cướp nắng với trời”.

Bãi biển quá tải vì người dân đổ về giải nhiệt

Người dân đổ về bãi biển tắm, vui chơi trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Thái Lâm

Người dân đổ về bãi biển tắm, vui chơi trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Thái Lâm

Theo ghi nhận, các bãi tắm ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn như Mân Thái, Mỹ Khê, Non Nước, Sơn Thuỷ…tấp nập người lui tới, chủ yếu là dân địa phương. Dưới nước đông đúc người tắm, trên bờ kín ken người ngồi, chơi thể thao, dạo bộ… Anh Nguyễn Ngọc Vũ (quận Hải Châu) chia sẻ, một tuần nhà anh xuống biển ít nhất 3 lần, để các cháu nhỏ có thể tắm, vui chơi, hít thở khí trời vì suốt ngày đi học bí bách, ngồi điều hoà.

Từ 17h, các bãi giữ xe máy quanh các bãi tắm bắt đầu chật cứng. Dòng xe liên tục đổ về, trước cổng ùn ứ, người dân phải nhích từng chút để vào bãi. “Rất nhiều bãi quá sức chứa, không còn chỗ để nên người dân phải để xe bên ngoài, dắt lên vỉa hè. Hệ thống tắm nước ngọt cũng không đủ đáp ứng. Đặc biệt trong những ngày cuối tuần”, ông Vũ nói.

Thanh Trần

Theo bác sĩ Lê Vũ Huỳnh, Phó trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện T.Ư Huế), tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ có xu hướng gia tăng vào các giai đoạn thời tiết cực đoan như quá lạnh hoặc quá nóng. Hiện, mỗi ngày đơn vị điều trị cho khoảng 60-80 bệnh nhân, tiếp nhận mới từ 8-10 bệnh nhân. Đây cũng là con số ở mức trung bình mà đơn vị tiếp nhận so với lượng bệnh nhân thường xuyên trong năm. Bác sĩ Huỳnh khuyến cáo, những ngày nắng nóng mạnh, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhập viện do xuất huyết nhiều hơn (khoảng 60-70%) so với đột quỵ do tắc mạch.

Ngọc Văn

Nguồn: [Link nguồn]

Người lao động mưu sinh dưới tiết trời nắng như ”đổ lửa”

Người dân Thanh Hóa đang phải chống chọi với đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt có nơi lên tới 39-40 độ C. Nắng nóng như "đổ lửa" khiến việc mưu sinh của những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam - Nguyễn Ngọc ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN