Tuyến metro số 2 TPHCM không phải chờ Quốc hội thông qua

Sự kiện: Tin TP Hồ Chí Minh

Chiều ngày 15/3, Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo định kỳ để thông tin về tình hình thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2.

Tuyến metro số 2 TPHCM không phải chờ Quốc hội thông qua - 1

Sau thời gian ngưng trệ, tới đây tuyến metro số 2 sẽ được triển khai với tốc độ cao. Trong ảnh là cảnh lắp các đốt dầm tại tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Khắc Huỳnh – Phó trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị (Ban quản lý) TP.HCM đã thông báo "một điểm mừng" về tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Từ trước đến nay dự án này đã bị chậm tiến độ khá lâu mà nguyên nhân là do Luật đầu tư công bắt buộc đối với dự án có giá trị trên 10.000 tỷ phải được Quốc hội thông qua. Trong khi đó sau khi điều chỉnh dự án metro số 2 có giá trị tới 2,3 tỷ USD (gần 50.000 tỷ đồng).

Chính vì thế dù TP đã sắp xếp được nguồn vốn đối ứng và các nhà tài trợ cũng đã cam kết cho vay nhưng dự án vẫn chưa thể tiến hành vì Quốc hội chưa thông quan chủ trương. Tuy nhiên ông Huỳnh cho biết, từ nay tiến độ dự án chắc chắn sẽ được đẩy nhanh hơn rất nhiều vì cơ chế đã giải tỏa được điểm nghẽn trên.

Lý do là ngày 25/12/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2015 hướng dẫn về dự án trọng điểm quốc gia, trong đó quy định: Đối với các dự án đang trong quá trình thực hiện mà có sự thay đổi thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ) thì được tiếp tục thực hiện.

Nghị định cũng nói rõ rằng lúc này “người quyết định đầu tư báo cáo để Thủ tướng cho ý kiến về việc điều chỉnh và chỉ đạo báo cáo tại Quốc hội vào kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện dự án để Quốc hội thực hiện giám sát”.

Sau đó, vào ngày 25/1/2016 Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo với nội dung giao UBND TP.HCM hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh dự án tuyến metro số 2 theo quy định và lấy ý kiến các bộ, ngành để trình thẩm định.

Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thẩm định và lập báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong khi UBND TP được chỉ đạo vay lại 100% vốn ODA bổ sung, ngân sách TP tự thu xếp đối ứng bổ sung cho dự án.

Từ Nghị định và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, Ban quản lý khẳng định việc điều chỉnh dự án metro số 2 không phải xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh của Quốc hội mà chỉ cần thực hiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát vào kỳ họp cuối năm, và thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án là UBND TP trên cơ sở kết quả thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải.

Thực hiện nội dung trên ngày 4/2/2016 UBND TP đã chỉ đạo Ban quản lý khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án để trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định. Hiện nay Ban quản lý đang phối hợp với đơn vị tư vấn của dự án để thực hiện, dự kiến trong quý 2 năm 2016 sẽ hoàn tất hồ sơ để trình Bộ GTVT thẩm định ngay trong quý 3 và UBND TP phê duyệt ngay trong quý 4.

“Tôi chưa thể trả lời khi nào dự án sẽ được tiến hành vì còn phục thuộc vào việc bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên đặt trường hợp mặt bằng sạch được bàn giao vào năm 2017 thì theo thông lệ dự án sẽ được thực hiện trong khoảng từ 4,5 đến 5 năm” – ông Hoàng Như Cương - Phó trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị cho biết.

Cũng theo ông Cương thì công việc trọng tâm của Ban quản lý trong năm 2016 là hoàn thiện dự án để UBND phê duyệt vào cuối năm.

Liên quan đến vấn đề này, vào ngày 4/3 vừa qua Chủ tịch UBND TP.HCM đã họp với các nhà tài trợ cho tuyến metro số 2. Tại cuộc họp này nhà tài trợ cũng đề xuất UBND TP cho phép thực hiện tổ chức đấu thầu song song với quá trình điều chỉnh dự án để tiết kiệm thời gian.

Dự án tuyến metro số 2 có tổng chiều dài 11,3km trong đó có 9,3km đi ngầm, 0,2km chuyển tiếp, 0,7km đi trên cao và 0,9km nối vào deport Tham Lương. Dự án đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với tổng số dân bị ảnh hưởng là 679 hộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Cường ([Tên nguồn])
Tin TP Hồ Chí Minh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN