Từ vụ cụ bà bị cắn bê bết máu, làm gì khi giống chó săn cừu Malinois tấn công?

Giống chó Malinois cắn cụ bà bê bết máu ở Hà Nội là dòng chó Béc-giê săn cừu của Bỉ nên rất nhanh, rất dữ, vết cắn có thể gây thương tích nặng cho đối tượng bị tấn công.

 Con chó lao vào cắn bà Dương, cháu ngoại giải cứu nhưng bất thành. Ảnh cắt từ clip.

 Con chó lao vào cắn bà Dương, cháu ngoại giải cứu nhưng bất thành. Ảnh cắt từ clip.

Mới đây, chiều 20/7, bà Nguyễn Thị Dương (SN 1943, trú tại phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang sống tại phố Phú Viên (phường Bồ Đề, quận Long Biên) mang đồ ăn sang cho cháu ngoại là chị Đinh Thu Ngân (SN 1990) và cháu rể Trần Văn Thành (SN 1984).

Khi bà Dương đang đứng nói chuyện với chị Ngân tại cửa phòng trọ thì con chó giống Malinois (gia đình chị Ngân và anh Thành nuôi) đứt xích, từ trong nhà lao ra tấn công bà Dương.

Bà Dương ngã xuống đường, rách quần áo, máu chảy đầm đìa do bị chấn thương ở tay trái và đùi phải. Chị Ngân đã cố gắng cản con chó nhưng bất thành, chỉ đến khi một số người đàn ông cầm gậy ra xua đuổi thì con chó mới bỏ chạy. Hiện, bà Dương đã được đưa vào bệnh viện Việt Đức điều trị.

 Bà Dương đang được điều trị tại bệnh viện Việt Đức với nhiều vết thương do bị chó cắn.

 Bà Dương đang được điều trị tại bệnh viện Việt Đức với nhiều vết thương do bị chó cắn.

Theo chia sẻ của bà Dương, con chó giống Malinois mới được anh Thành mang về nhà nuôi khoảng 1 tháng nay. Anh Thành trước đây làm việc ở một trại chó, thấy con chó hung dữ nên chủ trại chó đã nhờ anh mang về huấn luyện. Khi anh Thành ở nhà, con chó rất ngoan nhưng hôm xảy ra chuyện, chủ nhân của con chó chưa đi làm về.

Ngày 22/7, trao đổi với PV, anh Lò Văn Luyến – Huấn luyện viên Trung tâm huấn luyện chó dân sự K9 (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, giống chó Malinois bản chất là dòng chó Béc-giê săn cừu của Bỉ nên có đặc tính bảo vệ lãnh thổ rất cao. Khi có người lạ hoặc ai đó xâm phạm lãnh thổ nó sẽ tấn công.

Do là dòng chó săn cừu nên giống Malinois rất nhanh, rất dữ và vết cắn có thể gây thương tích nặng cho đối tượng bị tấn công. Tuy nhiên, theo anh Luyến, nếu xã hội hóa tốt thì dòng chó này cũng khá thân thiện và rất trung thành.

“Dòng chó này được du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm nay và được nuôi khá nhiều với mục đích bảo vệ. Trường hợp chó tấn công người có thể do cách nuôi của chủ không xã hội hóa tốt, thường xuyên nhốt hoặc đánh đập… khiến con chó bị ức chế về thần kinh”, anh Luyến chia sẻ. 

Khi bị giống chó Malinois tấn công, anh Luyến khuyến cáo người dân cần phải hết sức bình tĩnh, tuyệt đối không được đi lùi hay bỏ chạy, nếu có chuyển động thì chuyển động về phía trước và đặc biệt phải hét thật to để thị uy sức mạnh với con chó.

Còn khi đã bị chó tấn công rồi thì phải dùng tay bóp vào hầu con chó, bóp càng mạnh càng tốt. Làm như thế, con chó sẽ không cắn được chặt nữa hoặc nhả ra, đồng thời vẫn nên cầu cứu người khác.

Anh Phạm Quốc Thắng – Trưởng đại diện văn phòng Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA) tại Hà Nội cũng cho rằng, giống chó Malinois là giống chó săn cừu của Bỉ nhưng khi du nhập vào Việt Nam đã được thuần hóa thành loài chó bảo vệ rất tốt.

Anh Phạm Quốc Thắng – Trưởng đại diện văn phòng Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA) tại Hà Nội.

Anh Phạm Quốc Thắng – Trưởng đại diện văn phòng Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA) tại Hà Nội.

Thế nhưng, theo anh Thắng, dòng chó nào cũng có con lành và con dữ, quan trọng ở cách chọn chó và kỹ năng nuôi dạy của chủ chó.

“Cơ bản phải chọn được từng con chó để nuôi dạy cho tốt chứ không phải con nào cũng giống con nào. Nếu huấn luyện con chó không tới nới tới chốn và nó bị nuôi nhốt tù túng dẫn tới thần kinh bị ức chế mới tấn công người lạ”, anh Thắng chia sẻ.

Đối với dòng Malinois, anh Thắng cho hay, trước khi nuôi cần phải chọn lựa và tìm hiểu kỹ về các đời trước xem có bị lỗi thần kinh không. Người chủ phải nắm bắt được tâm sinh lý của con chó, thấy nó hay phản ứng hoặc bất tuân mệnh lệnh, cần tìm hiểu nguyên nhân và có cách khắc phục sớm.

Trong quá trình nuôi, không nên quát mắng, đánh đập chó bởi, hành động đó có thể khiến con chó ức chế thần kinh mà phản kháng, tấn công lại chủ hoặc người khác.

Người nuôi phải biết rõ mục đích nuôi và có thời gian chăm sóc luyện tập cho con chó của mình. Đặc biệt, cũng cần truyền đạt kinh nghiệm nuôi cho những người trong gia đình… Nếu không đủ điều kiện thì tốt nhất không nên nuôi.

Cụ bà nói về lý do bị chó nhà cháu ngoại cắn bê bết máu

Nằm trong viện với chằng chịt những vết khâu trên cơ thể, bà Dương vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi bị chó nhà cháu ngoại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Hiểm họa khi nuôi chó dữ trong nhà Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN