Trước khi bị bắt, ông Lê Tấn Hùng nói gì về sai phạm của mình?

Sự kiện: Thời sự

Nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn Lê Tấn Hùng đã giải trình về các sai phạm về việc bán đất ở Phú Quốc, dự án Phước Long B...

Sau khi Thanh tra TP HCM có kết luận lần 2 về các thiếu sót, sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) vào cuối tháng 2-2019, đến giữa tháng 3-2019, ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Sagri đã có giải trình gửi UBND TP.

Không huy động vốn từ khách hàng tại dự án Phước Long B

Đầu tiên là sai phạm được Thanh tra TP chỉ ra liên quan đến việc Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex - công ty thành viên của Sagri) đã bán hơn 3,6 ha đất trồng cây lâu năm tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, Kiên Giang với giá rẻ, ông Hùng cho rằng Forimex là chủ sở hữu hợp pháp của khu đất trên.

Ngày 28-3-2018 đại diện Forimex là ông Trần Việt Thắng đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất kiêm hợp đồng nhận đặt cọc với ông Nguyễn Chu Sâm (đại diện theo ủy quyền của ông Đoàn Phúc Long) với giá 280.000 đồng/m2 (cao hơn giá trị sổ sách của Forimex). Hợp đồng này chưa có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền và công chứng.

Tuy nhiên, đến tháng 6-2018, Forimex đã tạm ngừng giao dịch chuyển nhượng sử dụng đất theo hợp đồng chuyển nhượng kiêm nhận đặt cọc trước đó do nhận thấy, giá chuyển nhượng tại Phú Quốc tại thời điểm này đã cao hơn vào thời điểm ký hợp đồng.

Vì vậy, ông Hùng cho rằng đối với việc chuyển nhượng các khu đất tại Phú Quốc, Forimex và ông Nguyễn Chu Sâm là đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuyển nhượng để trình Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Kiên Giang và đến nay Forimex vẫn đang quản lý và chưa thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Chu Sâm. Do đó, theo ông Hùng Forimex không có vi phạm Hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Nhiều thiếu sót, sai phạm xảy ra tại Sagri

Nhiều thiếu sót, sai phạm xảy ra tại Sagri

Còn tại dự án Phước Long B, quận 9, Thanh tra TP nêu việc Sagri có công văn vào ngày 16-5-2017 gửi UBND cam kết chưa huy động vốn trong khi doanh nghiệp được ủy quyền là Công ty Phong Phú đã huy động vốn của khách hàng từ năm 2012 là không trung thực và có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ông Hùng giải trình rằng: ngày 19-7-2012, Sagri đã ủy quyền cho Công ty Phong Phú thực hiện một số nghĩa vụ giai đoạn 2012-2014. Thực hiện hợp đồng ủy quyền, Công ty Phong Phú đã triển khai thực hiện dự án và huy động vốn từ khách hàng nhưng không thông báo nên Sagri chưa được biết.

Tuy nhiên, ông thừa nhận việc ủy quyền cho Công ty Phong Phú để trực tiếp điều hành ban quản lý dự án là sai quy định vì không thực hiện đúng nghĩa vụ của chủ đầu tư được quy định tại Nghị định 71/2010 và không đúng nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư theo Nghị định 12/2009 của Chính phủ trong việc điều hành ban quản lý dự án. Do đó, ngày 20-8-2014 HĐTV Sagri đã có nghị quyết về việc không thực hiện cơ chế ủy quyền điều hành dự án kể từ ngày 1-9-2014.

Sau đó, Sagri đã đề nghị Công ty Phong Phú giải quyết thủ tục hoàn trả lại vốn đã huy động cho khách hàng. Ngày 9-7-2016, Công ty Phong Phú đã thông báo với Sagri đã tiến hành thanh lý các hợp động huy động vốn và đã hoàn trả vốn lại cho khách hàng.

Vì vậy, theo ông Hùng trên thực tế Sagri không thực hiện việc huy động vốn từ bất kỳ khách hàng nào. Đồng thời, trên sổ sách kế toán của Sagri cũng đã thể hiện không có ghi nhận khoản tiền huy động vốn nào của khách hàng nên khi lập thủ tục chuyển nhượng dự án, Sagri đã có báo cáo cam kết với UBND TP "chưa huy động vốn".

Đối với sai phạm "không thuê công ty thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án Khu nhà ở Phước Long B, quận 9 cho Công ty Phong Phú và việc chuyển nhượng 28% phần vốn góp (thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã hoàn chỉnh kỹ thuật) nhưng không qua đấu giá" mà Thanh tra TP chỉ ra, ông Hùng cho biết việc chuyển nhượng dự án này đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014) và đã được UBND TP chấp thuận chủ trương.

Cụ thể, năm 2015 ông Tất Thành Cang (thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND TP) "giao Sagri có phương án cơ cấu lại và nghiêm túc thực hiện thoái hết số vốn 130 tỉ đồng đã đầu tư tại 3 dự án không đúng ngành nghề kinh doanh theo Nghị định 71/2013 của Chính phủ", trong đó có dự án khu nhà ở Phước Long B.

Theo ông Hùng, thực chất đây không phải là hình thức góp vốn ra ngoài doanh nghiệp và chuyển nhượng phần vốn góp của Sagri nên không phải thực hiện theo Nghị định 91/2015 của Chính phủ.

Đồng thời, Sagri cũng căn cứ theo điều 15 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định "giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng" để chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú.

Do khó khăn nên không đi nước ngoài như kế hoạch

Trước đó, giải trình về nội dung trong một tháng (từ tháng 10 đến 11-2016) ông Hùng ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nga, Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Nam Dubai, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...) có tổng giá trị hơn 13,3 tỷ đồng với Công ty thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình Quốc tế và Công ty du lịch Thanh niên xung phong.

Các hợp đồng trên đã được 2 công ty du lịch tổ chức thực hiện và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng, xuất hóa đơn tài chính và tất toán công nợ.

Tuy nhiên, điều đáng nói là kết quả xác minh tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh- Công an TP xác nhận 40/70 người có tên trong danh sách đi nước ngoài không tham gia các chuyến đi nước ngoài do Tổng công ty tổ chức, 30/70 người không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.

Hai công ty du lịch cũng xác nhận trong năm 2016 đã ký 10 hợp đồng với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV nhưng thực tế không thực hiện chuyến đi.

Theo giải trình của ông Hùng, do bận kỷ niệm 20 năm ngày thành lập đơn vị nên nhiều người không thể tham gia chuyến đi và dời kế hoạch sang năm 2017. Tuy vậy, năm 2017, do có khó khăn nên đơn vị đã ngừng tổ chức và 2 đơn vị lữ hành cũng hoàn trả phần lớn kinh phí.

Quá trình xử lý sai phạm tại SAGRI

Tháng 10-2017, Thanh tra TP ban hành kết luận thanh tra (số 38) sau khi thanh tra toàn diện Sagri.

Đến năm 2018, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục chỉ ra các vấn đề vi phạm của Sagri, đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND TP xử lý.

Tháng 3-2018, UBND TP có quyết định kỷ luật khiển trách ông Lê Tấn Hùng.

Tháng 10-2018: UBND TP đã nâng mức kỷ luật ông Lê Tấn Hùng lên cảnh cáo vì mức khiển trách "chưa tương xứng với mức độ sai phạm"

Tháng 1-2019, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP kỷ luật cảnh cáo ông Lê Tấn Hùng về mặt Đảng.

Tháng 2-2019, Thanh tra TP tiếp tục ban hành kết luận thanh tra số 05 về sai phạm tại Sagri

Tháng 6-2019, ông Lê Tấn Hùng bị đình chỉ công tác và bị cách chức Tổng giám đốc Sagri.

Đến ngày 6-7, ông Lê Tấn Hùng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS năm 2015. Ông Nguyễn Thành Mỹ (cựu phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư) cũng bị bắt giam với vai trò đồng phạm.

Sau đó một ngày, C01 tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc, đối với ông Vân Trọng Dũng, nguyên Chủ tịch HĐTV Sagri và bà Nguyễn Thị Thúy nguyên kế toán trưởng Sagri.

Ông Lê Tấn Hùng và chuyện kỷ luật ”nâng lên, hạ xuống”

Trước khi bị khởi tố, bắt giam, ông Lê Tấn Hùng, cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Phan ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN