Trở về từ Gạc Ma: Chưa nguôi lòng mẹ

Con trai hy sinh khi làm nghĩa vụ thiêng liêng dù đau đớn nhưng họ vẫn cảm thấy tự hào. Song trong tâm khảm, họ vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi tiếc thương, nhất là khi cuộc sống gặp bộn bề khó khăn.

Phường Hòa Cường, quận Hải Châu - TP Đà Nẵng có 9 chiến sĩ tham gia trận hải chiến ngày 14/3/1988, trong đó đến 7 người đã hy sinh và vĩnh viễn nằm lại giữa trùng khơi. Các anh ra đi để lại cho gia đình nỗi trống trải; cha yếu, mẹ già không nơi nương tựa, giờ sống dựa vào khoản tiền trợ cấp liệt sĩ ít ỏi.

Gần đất xa trời vẫn nhọc nhằn

Trong căn nhà đơn sơ ở phường Hòa Cường, bà Phạm Thị Trước, mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi, dù đã 81 tuổi vẫn phải xoay xở chăm lo cho người con út bị bệnh Down. Lợi hy sinh khi tuổi mới 20, cha anh cũng qua đời sau đó vì bệnh tật. Bốn anh chị còn lại đều lập gia đình nhưng không ai dư dả gì để giúp mẹ già lo cho người em út.

Nhìn người mẹ liệt sĩ gầy nhom, ốm yếu với mái tóc đã bạc trắng chăm chút cho con trai bệnh tật mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bà Trước cho biết từ khi chồng mất, bà phải làm nhiều việc để kiếm tiền nuôi con. Từ giữ trẻ thuê đến giúp việc nhà, bà đều không nề hà. “Tôi quá già yếu rồi, không ai thuê làm gì nữa. Cuộc sống của mẹ con chỉ dựa vào tiền trợ cấp liệt sĩ của Lợi” - bà buồn bã.

Theo bà Trước, anh Lợi là người con rất có hiếu. “Hôm lên đường ra Trường Sa, nó quả quyết: “Con hoàn thành nghĩa vụ rồi sẽ về lo cho cha mẹ”. Nào ngờ, nó đi luôn…  Nếu Lợi còn sống thì có lẽ tôi không phải cực khổ thế này” - bà rơm rớm nước mắt.

Nhà liệt sĩ Phạm Phú Đoàn, con trai duy nhất của bà Huỳnh Thị Kế và ông Nguyễn Điện, cách nhà bà Trước không xa. Khi chúng tôi đến, trên chiếc giường gỗ cũ kỹ, bà Kế đang bón cháo cho chồng. Ông bà đều đã qua tuổi 80, tối ngày thui thủi trong căn nhà tuềnh toàng. Gần 4 năm nay, ông Điện bị tai biến phải nằm một chỗ, không cười nói, cử động gì được. Bà Kế phải gắng gượng chăm sóc chồng từ việc ăn uống đến vệ sinh.

Trở về từ Gạc Ma: Chưa nguôi lòng mẹ - 1

 
Bà Huỳnh Thị Kế, mẹ liệt sĩ Phạm Phú Đoàn, chăm sóc chồng bị tai biến. Ảnh: BÍCH VÂN

25 năm nay, bà Kế chưa ngày nào nguôi ngoai nỗi thương nhớ người con trai một. “Đoàn nhập ngũ năm 19 tuổi và đóng quân tại Sơn Trà - Đà Nẵng. Một năm sau, nó được về thăm nhà để chuẩn bị đi Trường Sa. Hôm nó về, vợ chồng tôi đều đi làm nên không gặp được mặt con. Sau đó không lâu thì chúng tôi nghe tin nó mất ở Gạc Ma. Phải chi bữa đó, vợ chồng tôi kịp về gặp con một lần thì cũng bớt đau đớn…” - bà Kế chua xót.

Hàng chục năm nay, vợ chồng bà dựa vào nhau mà sống. Bà hằng ngày gánh rau quả đi khắp các chợ ở TP Đà Nẵng mua bán, còn ông bán hàng rong cho đến khi mắc bệnh. “Nhìn ông ấy, tôi càng nhớ đến Đoàn vì nó giống cha như đúc. Gần 4 năm nay, ông ấy không nói được lời nào nhưng tôi mong chồng luôn bên cạnh mình cho đến hết cuộc đời này, chứ gia đình còn ai đâu…” - bà Kế ngậm ngùi.

Trong căn nhà trống trải, tấm bằng liệt sĩ của anh Đoàn được treo trang trọng. “Mới đây, khi xem cuốn phim tư liệu về cuộc chiến ngày 14-3-1988, nước mắt tôi cứ chảy dài. Đoàn đã hy sinh hào hùng như thế, tôi cũng không hối tiếc gì vì con trai mình đã đóng góp cho đất nước” - giọng người mẹ già trở nên rắn rỏi.

Sẽ gặp lại con trai…

Ngày 14/3/1988, anh Hoàng Ánh Đông hy sinh khi đối đầu với quân Trung Quốc để bảo vệ đảo Gạc Ma. Một điều trùng hợp là đúng 25 năm sau, ngày 14/3/2013, đám tang của cha anh - ông Hoàng Sỹ - được người thân và hàng xóm tiễn đưa về nơi vĩnh hằng.

Ông Sỹ qua đời ở tuổi 69 vì căn bệnh tim và phổi kéo dài suốt 20 năm nay. Bà Nguyễn Thị Hằng, vợ ông, thẫn thờ bên di ảnh chồng trong căn nhà ở phường 2, TP Đông Hà - Quảng Trị. Cuộc đời bà đã chịu nhiều đau thương, mất mát kể từ ngày nhận được tin con trai hy sinh ở Trường Sa. Lần lượt trong 2 năm 1996 và 2012, 2 người em trai kế của anh Đông cũng nối tiếp qua đời bởi bạo bệnh.

Đám tang của ông Sỹ được tổ chức trong căn nhà cấp 4 vừa được xây xong trước Tết. Đây là căn nhà được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, vài chục triệu đồng còn lại do gia đình vay mượn. Anh Hoàng Ánh Thùy, con trai út của vợ chồng bà Hằng, bồi hồi: “Ngày xây xong nhà, ba tôi mừng rơi nước mắt vì từ đây gia đình không còn ở nơi dột nát, anh Đông có chỗ thờ cúng đàng hoàng”.

Gia đình vốn nghèo khó, để nuôi con, bà Hằng đêm đêm ra ngã ba Cảng dưới chân cầu Đông Hà bán cháo, ông Sỹ may vá tại nhà. “Từ khi nhận được tin Đông hy sinh ở Gạc Ma, chồng tôi suy sụp hẳn, bệnh tim và phổi ngày càng nặng. Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào gánh hàng rong của tôi. Mỗi lần ông ấy đau nặng, gia đình lại vay mượn tiền đưa đi nhập viện” - bà Hằng tâm sự.

Cách đây vài năm, khi ngã ba Cảng mọc lên một khách sạn khang trang thì gánh cháo của bà Hằng cũng không còn nơi buôn bán. Bà rơi vào cảnh thất nghiệp, trong khi bệnh tình chồng ngày càng nặng thêm rồi đến lúc không qua khỏi... “Ông ấy từng mong khi mất đi sẽ được gặp lại con trai của chúng tôi. Suốt 25 năm nay, chúng tôi luôn khắc khoải vì hài cốt của Đông nơi biển xa vẫn chưa tìm được” - bà Hằng nghẹn ngào.

 
Cô đơn, vất vả


Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh…, rất nhiều địa phương còn các bà mẹ liệt sĩ Trường Sa già yếu, cuộc sống khó khăn chồng chất. Trong cuộc hải chiến bảo vệ Gạc Ma, Nghệ An có 8 chiến sĩ hy sinh, Hà Tĩnh 3 người. Các anh ra đi để lại sự cô đơn, vất vả cho những người mẹ già ở quê nhà.
Mẹ liệt sĩ Hồ Văn Nuôi, bà Lưu Thị Mỹ, ngụ xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc - Nghệ An, đã 80 tuổi vẫn ở một mình trong căn nhà nhỏ, lại thường xuyên đau ốm. Mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương, bà Hà Thị Liên, ở xã Vương Lộc, huyện Can Lộc - Hà Tĩnh, bùi ngùi: “Tôi sống một thân một mình, tất cả trông chờ vào khoản trợ cấp liệt sĩ của con trai và sự giúp đỡ của bà con lối xóm”…

Hải Vũ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Người lao động
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN