Gạc Ma - Huyền thoại bất tử!

Trận hải chiến bi hùng bảo vệ đảo Gạc Ma 25 năm trước qua hồi ức của những cựu binh còn sống trở về trong chương trình giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu”.

Các đại biểu tham dự buổi giao lưu, hầu hết tóc đã ngả bóng hoa râm. Nhưng với khí phách của một người lính biển, những con người đã từng sống và chiến đấu giữa muôn trùng biển khơi ấy vẫn còn rất minh mẫn. Những câu chuyện họ kể như những thước phim quay chậm về cuộc chiến bi hùng cách đây một phần tư thế kỷ.

Khúc ca bi tráng

Sau những cái ôm hôn thắm tình đồng đội, những câu chuyện về một thời khói lửa năm xưa được các cựu chiến binh nhắc lại như muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ hôm nay: Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm!

Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 công binh khẳng định, thực ra, thời điểm ngày 14/3/1988 chỉ là đỉnh điểm của cả một chiến dịch theo kịch bản đã được Trung Quốc tính toán, triển khai nhằm thực hiện dã tâm xâm chiếm khu vực quần đảo Trường Sa.

Gạc Ma - Huyền thoại bất tử! - 1

Những người lính trở về từ bãi đá Gạc Ma và mẹ Lê Thị Muộn tại buổi giao lưu

Trong buổi giao lưu, rất nhiều cựu binh trở về từ Gạc Ma hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng kể lại rằng dù đối mặt với cái chết, nhưng tất cả vẫn không hề run sợ. Hình ảnh những người lính tay không bảo vệ đảo kết lại thành vòng tròn bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma đã khiến quân Trung Quốc phải khiếp sợ.

Là một trong những người trở về sau trận chiến năm xưa, Anh hùng Nguyễn Văn Lanh, kể: “Khi đối mặt với quân Trung Quốc đông gấp nhiều lần, anh em chúng tôi thề sẽ cùng chết để bảo vệ đảo đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi chỉ tay không đánh trả để bảo vệ cờ Tổ quốc, bảo vệ đảo. Cuối cùng quân Trung Quốc đã dùng vũ lực với tàu to súng lớn đánh thẳng vào đảo Gạc Ma. Toàn bộ anh em bảo vệ đảo hy sinh và bị thương.”.

Tại khu vực đá Gạc Ma, sáng 14/3/1988, từ tàu HQ-604 đang thả neo làm nhiệm vụ xây dựng, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông phát hiện bốn chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Tổ 3 người gồm thiếu uý Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đá (bãi đá) bảo vệ lá cờ Việt Nam đang tung bay. Phía Trung Quốc liền cho hai xuồng chở tám lính có vũ khí lao thẳng về phía đá. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu 604 tiến về, hình thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên.

“Khoảng 6 giờ sáng, Hải quân Trung Quốc thả ba thuyền nhôm và bốn mươi quân đổ bộ lên đá giật cờ Việt Nam. Tôi bị lê đâm và trúng đạn. Thiếu úy Trần Văn Phương hi sinh dưới làn đạn. Lúc 7 giờ 30 phút, Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100mm vào tàu 604, làm tàu hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu”, ông Lanh nhớ lại giây phút căng thẳng tại trận chiến năm xưa.

Gạc Ma - Huyền thoại bất tử! - 2

Đông đảo thân nhân của các chiến sỹ tham gia bảo vệ đảo Gạc Ma và nhiều bạn trẻ đến dự buổi giao lưu

Cựu binh Dương Văn Dũng ở quận Cẩm Lệ bồi hồi nhớ lại: “Tàu chiến Trung Quốc tới tấp nã pháo sang tàu ta. Tàu ta là tàu vận tải, đâu có pháo để bắn lại. Pháo địch bắn trúng cabin và nhiều vị trí trên tàu. Tàu tròng trành dữ dội. Nước ồng ộc chảy vào khoang tàu. Tàu chìm dần… Hầu hết anh em hy sinh và bị thương. Tôi và 8 đồng chí khác may mắn bám được vào các thanh gỗ, thanh ván, bồn dầu… trôi dạt giữa biển khơi, đến chập choạng tối thì bị tàu Trung Quốc bắt…”.

Khoảng một tháng sau trận hải chiến tại Gạc Ma, Hải quân Việt Nam đưa 35 công binh và 7 thủy binh cùng vật liệu xây dựng bí mật đổ bộ trong đêm lên đá Len Đao xây nhà đánh dấu chủ quyền.

Lặp lại kịch bản Gạc Ma, trong ngày, Trung Quốc đưa 7 tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp số quân Việt Nam trên đá. Tuy nhiên lần này Việt Nam cho 7 máy bay chiến đấu từ đất liền bay ra phía đá hỗ trợ nên số tàu chiến của Trung Quốc tản ra. Đụng độ không nổ ra, phía Việt Nam giữ được đá và hoàn thành việc xây dựng nhà trên đá.

"Con là niềm tự hào của gia đình"

Bãi san hô bây giờ vẫn dậy sóng... Nơi 25 năm về trước, trận chiến đấu bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nổ ra khiến 64 chiến sĩ Hải quân vĩnh viễn gửi mình nơi biển cả. 11 chiến sĩ trở về nhưng đến nay, những vết thương năm xưa như vẫn còn hằn in trên thân thể họ.

Máu và thân xác các anh đã hòa cùng sóng biển quê hương, tạo thành một vòng hoa bất tử. Tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của những người chiến sĩ sẽ mãi là những thiên sử anh hùng, bất diệt.

Gạc Ma - Huyền thoại bất tử! - 3

Mẹ Lê Thị Muộn, mẹ liệt sỹ Phan Văn Sự tại buổi giao lưu

Ngày tiễn con lên đường làm nhiệm vụ, mẹ Hồ Thị Lai (75 tuổi, P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn còn xuân sắc. Nhưng rồi cũng như bao người mẹ Việt Nam thời chiến tranh, mẹ Lai như chết lặng khi nghe tin người con yêu dấu của mình đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển lạnh. Nghe tin các đồng đội tổ chức chương trình giao lưu “Hướng về Trường Sa”, mẹ Lai lụ khụ chống gậy đến nghe các đồng chí, đồng đội của con kể về cuộc chiến năm ấy.

Lấy chiếc khăn lau nhẹ hai dòng nước mắt lăn dài trên gò má, mẹ Lai nói: “Mẹ nhớ ngày Hùng (anh Trương Quốc Hùng, SN 1967) từ biệt mẹ, đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa là dịp hoa mai nở vàng. Tết năm ấy lạnh lắm. Hùng để lại cho mẹ chiếc mền mới mà đơn vị vừa phát, bảo: Thôi chừ con để mền mới ở nhà cho mẹ đắp kẻo lạnh, con mang mền cũ đi. Thanh niên không thấy lạnh đâu mẹ à”.

Mẹ Lai vẫn còn nhớ như in bóng của Hùng. Anh thích đá bóng, đọc sách mà đặc biệt là mong được trở thành người lính biển. Khi ước mơ thành hiện thực, anh viết thư về cho mẹ, từ Cam Ranh (Khánh Hòa): “Con ở đây với bạn bè vui lắm. Mẹ đừng buồn lo. Trời lạnh mẹ nhớ mặc áo ấm mẹ nhé”.

Ngày 14/3/1988, tin dữ được thông báo trên đài. Mẹ thức trắng ba đêm, tóc rụng chỉ còn vài sợi. Rồi mẹ lao đi khắp nơi, chạy hỏi thăm tin tức của con, mong chờ một phép màu. Và 25 năm nay, mẹ vẫn hy vọng, trông chờ... Mẹ nói: “Thằng Hùng của mẹ còn trẻ lắm mà...”.

Cũng giống như mẹ Lai, cụ Trần Huỷnh - người cha già của liệt sĩ Trần Văn Tài (phường Hòa Cường Bắc) lọ mọ chống gậy đến dự buổi giao lưu với tâm trạng nhớ con da diết.

Cụ Huỷnh vẫn nhớ như in cái ngày nhận được tin người con trai út đã vĩnh viễn nằm lại đảo Gạc Ma, cách đây hơn 25 năm. Cụ bảo, nghe đồng đội kể lại những giờ phút con cùng đồng đội tay không chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ đảo, cụ vô cùng tự hào, dẫu đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt con trai.

Còn ông Lê Văn Xuân (bố liệt sĩ Lê Văn Xanh, Đà Nẵng) nhớ lại: Ông đã đứng chết lặng khi nghe tin con hy sinh qua loa phóng thanh. “Về nhà, tôi lấy hết can đảm nói với vợ con: Xanh đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình quyết giữ chủ quyền, đó là niềm tự hào của gia đình mình", người cha già nói, mắt ngấn lệ.

Gạc Ma - Huyền thoại bất tử! - 4

Các đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988

Chương trình giao lưu với chủ đề “Hướng về Trường Sa thân yêu” do Hội Cựu Chiến binh TP Đà Nẵng phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình và Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng (giai đoạn 1984 - 1987) tổ chức sáng nay (14/3) tại TP.Đà Nẵng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Giang Nam ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN