Triều Tiên: Người nước ngoài ở HQ nên sơ tán

Triều Tiên hôm nay khuyến cáo những người nước ngoài đang ở Hàn Quốc lên kế hoạch sơ tán trong bối cảnh leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ủy ban hòa bình châu Á – Thái Bình Dương của Triều Tiên nói trong một thông báo chính thức rằng người nước ngoài ở Hàn Quốc nên tìm trước nơi có thể trú ẩn và xem xét kế hoạch rời khỏi nước này.

“Trong trường hợp chiến tranh nổ ra, chúng tôi không muốn người nước ngoài ở Hàn Quốc phải gánh chịu tổn thất”, hãng tin Yonhap trích lời thông báo của Ủy ban cho biết. “Những tổ chức, doanh nghiệp và khách tham quan nước ngoài tại Seoul và những khu vực khác của Hàn Quốc nên cân nhắc di tản trước, và thực hiện biện pháp bảo vệ an toàn cho chính bản thân”.

Thông báo đột ngột này được đưa ra khi quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc có dấu hiệu giảm nhiệt. Sáng nay, các công nhân Triều Tiên tại khu công nghiệp Kaesong không đến làm việc, khiến hoạt động tại đây bị đình trệ.

Bình Nhưỡng chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ huy động 1,2 triệu binh lính thực hiện chiến tranh tổng lực. Đây có thể vẫn chỉ là hành động nhằm củng cố hình ảnh của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

Tổng thống Hàn Quốc nói rằng bà thất vọng vì quyết định của Bình Nhưỡng trong việc dừng hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong, nơi mang lại 2 tỷ USD giá trị thương mại cho quốc gia nghèo như Triều Tiên.

Tin đóng cửa Kaesong khiến nhiều người lo ngại miền Bắc sắp thực hiện một vài hành động khiêu khích trong tuần này – có thể là phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân. Tuy nhiên, người dân ở Seoul vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường mà không có dấu hiệu lo lắng, hoảng sợ.

Khoảng 475 công nhân và quản lý xưởng người Hàn Quốc vẫn đang ở trong khu công nghiệp Kaesong. Chính phủ Hàn Quốc cho biết 77 người sẽ trở về nhà trong hôm nay. 

Nhiều người Hàn Quốc không muốn rời khỏi đây vì lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng tới công ty và công việc của họ. Một số người nghỉ tạm tại khách sạn gần biên giới vì hy vọng khu công nghiệp sẽ sớm mở cửa trở lại.

Triều Tiên: Người nước ngoài ở HQ nên sơ tán - 1

Hình ảnh trong một đợt tập trận của quân đội Triều Tiên (Nguồn: AP)

“Tôi đang rất lo lắng. Mọi thứ thật mâu thuẫn nhau. Các công nhân Triều Tiên không nói nhiều, nhưng có vẻ họ cũng kêu ca về việc Kaesong bị đóng cửa. Họ lo lắng liệu họ có còn được làm việc hay không”, Shing Dong-chul, 55 tuổi, lái xe vận chuyển dây điện sản xuất tại Kaesong, cho biết.

Hơn 100 đại diện của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Kaesong đã tổ chức họp khẩn kêu gọi chính phủ Hàn Quốc can thiệp để khu công nghiệp được mở cửa trở lại.

“Mở cửa Kaesong trở lại sẽ là bước tiến lớn nhất trong việc bình thường hóa các hoạt động”, Yoo chang-keun, đại diện của của một doanh nghiệp đang làm ăn tại Kaesong, nói với báo giới.

Rất ít chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng sẽ hủy hoại Kaesong, nơi hơn 50.000 người Triều Tiên đang làm trong các nhà máy sản xuất đồ gia dụng cho 123 công ty Hàn Quốc.
“Họ đang dùng liệu pháp sốc, bất kể những lời nói ra là gì, nếu họ đóng Kaesong thì tổn thất mà họ phải gánh chịu là không nhỏ”, thiếu tướng Hàn Quốc về hưu Moon Seong-mook nhận xét.

Các nhà lãnh đạo thế giới lên tiếng cảnh báo về mức độ khủng hoảng và nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc, đồng minh tài chính và ngoại giao lớn nhất của Triều Tiên, ngày càng tỏ ra mất bình tĩnh với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng sự thù địch sẽ tạo ra trận đại hồng thủy tồi tệ hơn thảm họa hạt nhân Chernobyl 1986.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thăm Seoul trong tuần này và Triều Tiên sẽ tổ chức lễ chào mừng lớn nhân dịp sinh nhật của cố chủ tịch Kim Nhật Thành vào thứ hai tuần tới. 

Tại Washington, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter thúc giục Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình tác động lên Triều Tiên. “Tôi nghĩ Nga, cũng như nhiều người đang theo dõi tình hình ở Triều Tiên, đều muốn Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình tác động lên Triều Tiên”, ông Carter nói.

“Tôi không nghĩ chúng ta sẽ thấy thay đổi lớn xảy ra đột ngột và tôi không nghĩ chúng ta sẽ thấy những thay đổi đó được công bố rộng rãi. Điều đó sẽ xảy ra từ từ và ở hậu trường”, Paul Haenle, cựu giám đốc nghiên cứu vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng anh ninh quốc gia Mỹ, nhận xét.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo Yonhap, NK News, Reuters) ([Tên nguồn])
Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN