TQ: 28.000 dòng sông đã "qua đời"

Trung Quốc từng cho biết nước này có khoảng 50.000 con sông. Nhưng điều tra mới nhất xác nhận số lượng sông chỉ còn chưa đầy một nửa.

Tuần trước, Bộ Tài Nguyên Trung Quốc tuyên bố kết quả cuộc khảo sát được thực hiện trong 3 năm về tình hình hệ thống sông.

Theo điều tra, có khoảng 22,909 con sông ở Trung Quốc tính đến năm 2011, nghĩa là ít hơn khoảng 28.000 con sông so với số liệu trước đó của chính phủ.

2 con sông dài nhất Trung Quốc là Dương Tử và Hoàng Hà đã suy giảm mức nước nghiêm trọng trong những năm gần đây, góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng nguồn nước nghiêm trọng ở Trung Quốc.

TQ: 28.000 dòng sông đã "qua đời" - 1

Hàng loạt xác lợn chết được vớt lên trên sông chảy qua Thượng Hải gần đây

Một số quan chức giải thích nguyên nhân là do hiện tượng nóng lên toàn cầu và kỹ thuật lập bản đồ lỗi thời.

Họ cho rằng những số liệu trước đó chỉ dựa trên những bản đồ địa hình không đầy đủ từ những năm 1950. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do phát triển kinh tế ồ ạt, trong khi công tác quản lý môi trường lại kém.

Hàng loạt vấn đề khủng hoảng môi trường xảy ra trong thời gian qua, gần đây nhất là vụ hơn 16.000 xác lợn bị vứt xuống sông và nổi lềnh phềnh trên đoạn chảy qua Thượng Hải và Giang Tây.

Những nguồn nước ô nhiễm gây ra nhiều ngôi làng được gọi là “làng ung thư”.

Ông Xavier Leflaive, trưởng nhóm nghiên cứu thủy lợi tại Cơ quan Môi trường của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nói rằng Trung Quốc nên cải thiện môi trường theo nguyên tắc thị trường để khuyến khích việc sử dụng nước có trách nhiệm hơn, đồng thời loại bỏ dần trợ cấp phân bón để giảm thiểu chất thải nông nghiệp.

Chuyên gia này thừa nhận Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với những vấn đề trên. Nhu cầu sử dụng nước trên toàn cầu dự đoán sẽ tăng 55% trong vòng 3 thập kỷ tới, và những nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng tương tự.

Sự phát triển kinh tế và xã hội quá đặc biệt của Bắc Kinh đã đẩy nhanh tiến trình này. “Xu hướng toàn cầu này ngày càng trầm trọng hơn ở Trung Quốc bởi tốc độ và quy mô của quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế. Thêm vào đó là do thiếu khả năng giám sát, kiểm tra và thực thi mạnh mẽ. Yếu kém này đang hạn chế hiệu quả của các chính sách, pháp luật và các quy định khác”, ông Leflaive nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Tân (theo SCMP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN