Thượng tướng Phan Văn Giang: Biển Đông vẫn đang có những diễn biến phức tạp, đặt ra thách thức mới

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Tình hình Biển Đông vẫn đang có những diễn biến căng thẳng, tồn tại nhiều diễn biến phức tạp đang đặt ra thách thức mới về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chiều nay (28/3), Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục diễn ra với chuyên đề về những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam. Chuyên đề này do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày.

Chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ảnh daihoi13.dangcongsan.vn).

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ảnh daihoi13.dangcongsan.vn).

Về tình hình thế giới, khu vực, trong nước tác động đến nhiệm vụ Quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, theo Thượng tướng Phan Văn Giang:

Trong những năm tới, dự báo môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Tăng ngân sách quốc phòng, chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến. Đặc biệt một số nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự với những thế hệ vũ khí mới.

Tướng Giang dẫn chứng số liệu về đầu tư cho quốc phòng của các nước, như trường hợp Hàn Quốc đầu tư khoảng trên 40 tỷ USD/năm cho mua sắm vũ khí trang bị. Con số này kém xa các nước lớn, ví dụ như Mỹ gần 1 nghìn tỷ USD/năm, Nga khoảng 200 tỷ USD, Trung Quốc cũng con số tương đương như vậy.

"Nhưng con số này của Hàn Quốc gấp rất nhiều lần và hơn cả các nước ASEAN cộng lại. Điều đó cho thấy rằng, các nước có điều kiện kinh tế đều tăng cường tiềm lực về trang bị vũ khí hiện đại", Thượng tướng Giang cho biết.

Về xuất nhập khẩu vũ khí: Theo thống kê phân tích thương mại vũ khí thế giới với hạn ngạch mua bán vũ khí, trên 160 tỷ USD/năm, châu Á Thái Bình Dương trở thành khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% tổng lượng vũ khí của toàn cầu.

Vẫn nói về tình hình thế giới, Tướng Giang cho biết, chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, thực dụng, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia; sự can dự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; chạy đua vũ trang; không gian chiến lược mới; các loại hình tác chiến mới đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trên thế giới, khu vực và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, nhất là nước nhỏ đang phát triển.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghiệp số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực quốc phòng, tạo ra cả thời cơ, thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới, làm thay đổi môi trường chiến lược.

"Sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại đã làm thay đổi cơ bản tổ chức quân đội, hình thái, phương thức tiến hành chiến tranh. Với sự ra đời của chiến tranh mạng, tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh thế giới, khu vực và của mỗi quốc gia. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là khủng bố, thiên tai, dịch bệnh tiếp diễn phức tạp", Thượng tướng Phan Văn Giang nói.

Khu vực Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết, riêng về tình hình Biển Đông vẫn đang có những diễn biến căng thẳng, tồn tại nhiều diễn biến phức tạp đang đặt ra thách thức mới về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

"Diễn biến trên Biển Đông đang có sự tranh chấp giữa các nước có liên quan đến Biển Đông, như vùng tranh chấp, vùng chồng lấn, vùng chưa phân định rõ ràng, vùng nước lịch sử, vùng đánh cá, hoặc mới giải quyết được thềm lục địa còn biển thì chưa giải quyết được" Tướng Giang cho hay.

Trên cơ sở đó, theo Thượng tướng Phan Văn Giang, chúng ta phải giải quyết một cách bài bản, căn cơ, lâu dài, chiến lược, kiên định, nhưng phải có sách lược mềm dẻo, đúng đắn để giải quyết phù hợp các tình huống trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế mà trên biển Đông là chúng ta thực hiện công ước Luật Biển 1982 và DOC của các nước ASEAN với một số nước khác và tiến tới xây dựng COC để chúng ta hoàn chỉnh nội dung này.

"Tất nhiên trong quá trình thực hiện có những vấn đề chúng ta phải xử lý theo tình hình thực tế", Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói.

Về dự báo đối tượng quốc phòng, theo Thượng tướng Phan Văn Giang: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của nước ta. Trong mỗi đối tượng có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh.

Nguồn: [Link nguồn]

Việt Nam nói gì về thông tin nồng độ phóng xạ bất thường trên Biển Đông?

Các chuyên gia Philippines gần đây nêu vấn đề nồng độ phóng xạ bất thường ở các rạn san hô trên Biển Đông. Những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lương Kết ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN