Thủ khoa 30 điểm từng bị mắng "ham chơi"

Với 3 điểm 10 tròn trịa (Toán: 10, Hoá: 10, Sinh: 10), cô bé Nguyễn Kim Phượng, 18 tuổi học sinh lớp 12 chuyên toán Trường THPT Chuyên Thăng Long Đà Lạt đã trở thành thủ khoa đạt điểm tuyệt đối duy nhất cả nước tính đến thời điểm này.

Chúng tôi đến nhà Kim Phượng khi cô bé cùng với mẹ vẫn còn đang loay hoay vào các trang web công bố điểm thi đại học để kiểm chứng thông tin Kim Phượng đậu thủ khoa Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh ngành Răng hàm mặt với số điểm tuyệt đối. Ngôi nhà khá khang trang nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đà Lạt. Gặp chúng tôi, cô bé tỏ ra khá bối rối nói: “Con chỉ nghĩ mình đậu chứ không nghĩ mình đậu thủ khoa đâu vì ở lớp, mặc dù đạt danh hiệu học sinh giỏi nhưng con chưa bao giờ là người dẫn đầu của lớp cả”.

Khuôn mặt, ánh mắt đều ánh lên niềm vui khi đạt 30 điểm tuyệt đối. Nhưng Kim Phượng vẫn luôn nhắc đi nhắc lại với chúng tôi rằng, ở trường cô chưa bao giờ là người dẫn đầu.

Thủ khoa 30 điểm từng bị mắng "ham chơi" - 1

Thủ khoa Nguyễn Kim Phượng

Sau khi nghe chúng tôi khẳng định thông tin trên là chính xác, cô bé rụt rè thổ lộ rằng, cô rất bất ngờ vì trong thâm tâm cô luôn nghĩ rằng thủ khoa sẽ phải là những người có thành tích học tập vượt trội và luôn đứng ở vị trí dẫn đầu của lớp, của trường. Còn cô bé như lời nói khiêm tốn của mình “con chỉ học đều các môn chứ thật sự không nổi trội ở môn nào hết”. Cô bé cũng không phải là “mọt sách” suốt ngày chỉ chăm chăm lo học mà trái lại khá ham chơi. “Cháu ham chơi lắm, ở nhà tôi vẫn phải nhắc học suốt nhưng được cái cháu tiếp thu bài rất nhanh.” - Cô Nguyễn Thị Kim Tuyên, mẹ bé Phượng kể. Tuy nhiên cô bé lại cho rằng, học như vậy là đủ rồi vì cô cần phải có thời gian thư giãn chứ không thích bị gò ép suốt ngày vào việc học.

Kim Phượng kể rằng, một ngày trung bình cô bé dành khoảng 9 tiếng để học. Thời gian học của cô chủ yếu là ở trên trường. Khi ở trường, cô tập trung tối đa vào việc tiếp thu bài giảng từ giáo viên để nếu chưa hiểu hay thắc mắc chỗ nào sẽ hỏi cặn kẽ bạn bè hoặc thầy cô. Về nhà, cô chủ yếu dành thời gian học lý thuyết, thỉnh thoảng giải thêm một số bài tập nâng cao, còn lại là… chơi. Cô thú nhận mình khá ham chơi. Lúc rảnh cô thường chơi game và xem phim hoạt hình trên Disney channel để giải trí. “Mẹ hay mắng con ham chơi vì con học ở nhà không nhiều lắm. Thường thì 8g30 tối là con đã đi ngủ rồi nhưng con lại dậy khá sớm. 5 giờ sáng con đã chuẩn bị đi học”.

Việc học tập, sinh hoạt của cô bé có vẻ như quá đỗi bình thường như bao bạn học sinh bình thường cùng trang lứa khác. Ngay cả những ước mơ và hướng chọn trường để thi đại học của cô bé cũng vì lý do rất bình thường là “ngành Răng hàm mặt là một trong 2 ngành con chọn thi (ngành kia là sư phạm) mà sau khi tham khảo ý kiến của mẹ và trắc nghiệm trên mạng cho ra kết quả phù hợp với tính cách của con và vì nghề này có thể phát triển tốt ngay tại chính nơi con sinh ra”. Bởi cô giải thích rằng, cô yêu thích cuộc sống yên bình ở Đà Lạt, nơi cô sinh ra nên sau khi học xong cô sẽ trở về Đà Lạt sống và làm việc vì không thích “sống vội vã” và cái nóng nực, ồn ào của Sài Gòn.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình học tập, Kim Phượng lại là một người khá quyết liệt khi luôn xác định nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và toàn tâm nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ đó. Như năm lớp 9, mục tiêu của cô là đậu và lớp chuyên toán. Lên cấp 3, mục tiêu của cô bé là thi đậu Đại học Y dược để giúp viết tiếp ước mơ thời trẻ của mẹ, vốn là một kỹ thuật viên của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Lạt, đó là trở thành một bác sỹ giỏi, được đào tạo bài bản và cũng là để thoả mãn ý thích được sống và làm việc tại Đà Lạt.

Cô bé cho biết, rất thích những bài tập đòi hỏi tính suy luận cao. Cô giáo dạy hoá – Phùng Thị Hảo của Phượng cho biết: “Kim Phượng thông minh nhưng nhút nhát và hay mắc cỡ. Cô bé tiếp thu bài giảng cực nhanh nhưng lại thường hay tự giải bài tập theo cách không giống ai”. Có lẽ đó chính là lý do mà em không là người luôn dẫn đầu nhưng lại trở thành người đặc biệt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Thi – Châu Mai (báo Lâm Đồng)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN