Thái Lan: Quân đội nắm quyền lập pháp

Cơ quan lập pháp còn lại của Thái Lan đã bị giải tán để quân đội củng cố quyền lực.

Ngày 24/5, trong một động thái nhằm củng cố sự kiểm soát quyền lực toàn diện ở Thái Lan, quân đội nước này đã ra lệnh giải tán Thượng viện, cơ quan lập pháp duy nhất còn lại của đất nước và cách chức Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, Cục trưởng Cục Điều tra Đặc biệt và Thư ký thường trực Bộ Quốc phòng.

Sau khi giải tán Thượng viện, quân đội Thái Lan tuyên bố trách nhiệm lập pháp ở đất nước hiện nằm trong tay chính quyền quân đội, mà người đứng đầu là Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha. Mọi điều luật ở Thái Lan đều phải do chính quyền này thông qua trước khi có hiệu lực.

Thái Lan: Quân đội nắm quyền lập pháp - 1

Quân đội Thái Lan bắt giữ một người biểu tình chống đảo chính

Hiện các lãnh đạo chính trị thuộc nhiều đảng phái ở Thái Lan vẫn đang bị quân đội quản thúc, trong đó có cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định rằng phần lớn các hành động của Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha sau cuộc đảo chính đều nhắm vào gia tộc Shinawatra và những người ủng hộ.

Trong ngày hôm nay, quân đội triệu tập tổng biên tập của 18 tờ báo tiếng Thái và tiếng Anh hàng đầu ở Thái Lan tới Câu lạc bộ Quân đội ở Bangkok để nghe chỉ thị về phương pháp đưa tin.

Ngoài ra, quân đội còn ra lệnh cho hàng chục nhà hoạt động, học giả và phóng viên có tiếng nói tới trình diện nhằm vô hiệu hóa những lời phê bình và nguy cơ bị dư luận phản đối về cuộc đảo chính.

Ông Brad Adams, chuyên gia phân tích tại cơ quan Giám sát Nhân quyền châu Á nhận định: “Sự cai trị của quân đội đã khiến tình hình nhân quyền Thái Lan rơi tự do. Quân đội đang lợi dụng tình trạng thiết quân luật để bắt giữ các chính trị gia, nhà hoạt động và nhà báo, để kiểm duyệt truyền thông và cấm tụ tập đông người. Cuộc bố ráp hiện nay phải chấm dứt ngay lập tức.”

Cho đến nay, quân đội đã bắt giữ ít nhất 100 người, trong đó hầu hết là các chính trị gia. Đại tá Weerachon Sukondhapatipak, người phát ngôn quân đội Thái Lan cho biết tất cả những người này đều được đối xử tử tế và mục đích của quân đội là đạt được một thỏa hiệp về chính trị.

Ông Weerachon cho biết quân đội tịch thu điện thoại của tất cả những người bị tạm giữ vì không muốn họ liên lạc ra bên ngoài để “họ có thời gian tĩnh tâm và suy nghĩ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Đảo chính ở Thái Lan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN