Siêu bão Utor gây giông lốc mạnh

Sự kiện: Tin bão

Trước khi “siêu bão” Utor đổ bộ vào đất liền, vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng có nguy cơ xảy ra giông lốc mạnh. Lượng mưa sau bão sẽ rơi vào khoảng 200 đến 300 mm, thậm chí một số tỉnh sẽ có những cơn mưa cục bộ với lượng mưa cao hơn.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết như vậy trong buổi họp Phòng chống “siêu bão” Utor, tại Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chiều ngày 13/8.

Ông Hải cho biết, hồi 16h ngày 13/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc, 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17.

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h, ngày 14/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc, 110 độ Kinh Đông trên khu vực đảo Lôi Giông, Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 15, cấp 16, cấp 17.

Theo ông Hải, trước khi bão Utor đổ bộ vào đất liền sẽ tăng thêm 1 đến 2 cấp, sức gió ở vùng tâm bão có thể mạnh lên cấp 14, cấp 15. Dự báo, bão số 7 nhiều khả năng không trực tiếp đi vào vùng đất liền của nước ta, song do ảnh hưởng của bão trên khu vực Vịnh Bắc Bộ sẽ có gió mạnh cấp 6, cấp 7.

Riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có thể có gió mạnh cấp 9, cấp 10. Từ đêm ngày 15/8, lượng mưa sẽ tập trung mạnh ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn sau đó lan sang tỉnh Cao Bằng, Yên Bái…

Lượng mưa sẽ phổ biến từ 200 đến 300 mm, thậm chí một số tỉnh sẽ có những cơn mưa cục bộ kéo dài với lượng mưa cao hơn. Mưa sẽ kéo dài đến hết ngày 17/8.

Siêu bão Utor gây giông lốc mạnh - 1

Đường đi và vị trí cơn bão Utor (Ảnh: TT Dự báo KTTV TƯ)

Ông Hải dự báo, trước khi bão đổ bộ vào đất liền sẽ có khả năng xảy ra giông lốc mạnh. Do vậy, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng từ trưa ngày 14/8 cần phải chủ động phòng tránh bão, không nên cho tàu du lịch nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long. Những tàu đánh cá có nguy cơ mất an toàn cần phải khẩn trương vào bờ neo đậu trước khi bão đổ bộ.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội biên phòng, tính đến 16h ngày 13/8, Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau, đã thông báo, hướng dẫn trên 76.000 phương tiện và gần 1.400 lồng bè vào bờ, tránh, trú bão an toàn.

Trước cường độ mạnh và diễn biến phức tạp của cơn bão Utor, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đã đề nghị các địa phương kêu gọi các tàu thuyền, đang hoạt động trong Vịnh Bắc Bộ, ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định vào nơi tránh trú bão an toàn và chủ động đảm bảo an toàn cho các lồng bè, ao đầm thuỷ sản, khu du lịch cảng biển…

Tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và TP. Hải Phòng, tuỳ theo diễn biến của cơn bão lựa chọn cấm biển, không cho tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch ra khơi.

Các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh ven biển biển Bắc Bộ đề phòng mưa lớn, cần kiểm tra có biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước, các khu vực khai thác khoáng sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét…

Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh, biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN