Nhiều tỉnh miền Trung xác xơ sau bão số 5

Sự kiện: Bão số 5

Nước ngập, cây đổ, đường sạt lở, tàu chìm, thiệt hại về người… là những tổn thất nhiều tỉnh miền Trung phải gánh chịu trong và sau cơn bão số 5.

Bão số 5 không phải là cơn bão lớn nhưng những thiệt hại mà thiên tai này gây ra cho người dân nhiều tỉnh miền Trung lại không hề nhỏ.

Thiệt hại từ ngoài biển tới đất liền

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ngay từ sáng 31-10, sau khi bão số 5 ập vào tỉnh đã gây thiệt hại nặng tại TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện ven biển. “Nhiều công trình đô thị, giao thông, nhà cửa bị mưa gió đánh sập hoặc hư hỏng nặng. Có bảy tàu hàng bị tuột dây neo, hàng loạt tàu cá bị vỡ và chìm” - ông Châu thông tin.

Còn theo ghi nhận của PV, riêng tại TP Quy Nhơn thì rất nhiều trụ điện gãy gục, cửa hàng tung mái, một số đường phố ngổn ngang cây đổ.

Ở Phú Yên, bão đã làm sập hoàn toàn ít nhất tám căn nhà, làm hư hỏng 26 căn nhà khác, sóng ngoài biển thì đánh chìm, làm hư hỏng nặng 19 tàu đánh cá. Ngoài ra, mưa lớn khiến hàng ngàn mét khối đất đá bị sạt lở, chủ yếu ở các hệ công trình thủy lợi.

Tại Quảng Nam, ngoài việc sạt lở nghiêm trọng ở nhiều nơi, các tuyến đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Hùng Vương, Điện Biên Phủ… của TP Tam Kỳ la liệt cây xanh gãy, ngã. Lực lượng CSGT đã tham gia dọn dẹp để đảm bảo giao thông. Tình trạng và biện pháp khắc phục cũng diễn ra tương tự ở TP Đà Nẵng.

Với tỉnh Quảng Ngãi, trong báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến chiều 31-10, lũ trên các sông trong tỉnh Quảng Ngãi đang lên. Một số sông trên mức báo động ba như Trà Khúc, Vệ, Trà Câu. Dự báo trong những giờ tới, lũ trên các sông tiếp tục dâng cao gây ngập lụt. Về nhà ở, có 575 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trong đó, huyện Mộ Đức thiệt hại nhiều nhất với 436 nhà. Ngoài ra, có năm nhà bị sập đổ hoàn toàn, một nhà bị cháy do chập điện…

Không chỉ vật chất, bão số 5 đã gây tổn thất về người, trong đó riêng tại Quảng Ngãi có một người mất tích, 12 người bị thương. Thiên tai này cũng làm lưới điện nhiều khu vực từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa bị ảnh hưởng khiến hơn nửa triệu người không dùng được điện vì bão số 5. Ngoài ra, nước lớn mênh mông gây chia cắt hàng loạt vùng. Nhiều điểm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam ngập sâu và toàn bộ hành khách đi các tàu SE22, SE10, SE4, SE2 phải nằm lại tại ga Phù Mỹ, Phù Cát (Bình Định), chờ lực lượng chức năng khắc phục, đảm bảo an toàn lưu thông.

Các lực lượng chức năng đang cứu hộ một tàu cá ở vịnh Quy Nhơn. Ảnh: HT

Các lực lượng chức năng đang cứu hộ một tàu cá ở vịnh Quy Nhơn. Ảnh: HT

Đường giao thông đoạn qua xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) bị hư hỏng nặng sau bão. Ảnh: T.LỘC

Đường giao thông đoạn qua xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) bị hư hỏng nặng sau bão. Ảnh: T.LỘC

Đường sắt ở Bình Định bị ngập, sạt lở nhiều điểm vì bão số 5. Ảnh: HOÀI AN

Đường sắt ở Bình Định bị ngập, sạt lở nhiều điểm vì bão số 5. Ảnh: HOÀI AN

Ưu tiên hỗ trợ người dân gặp nạn trong bão

Trong ngày 31-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó bão số 5 và triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão.

Phó Thủ tướng đánh giá bão số 5 đổ bộ nhưng may mắn cấp độ không quá mạnh nên đến nay chưa có thiệt hại về người. Mặc dù vậy, trong triển khai phòng, chống bão vẫn có những chỗ còn lúng túng như vấn đề neo đậu tàu thuyền ở Bình Định...

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân gặp nạn trong bão. Ông đồng thời yêu cầu bảo đảm an toàn hồ chứa, bao gồm hồ thủy điện và hồ thủy lợi, vì đó là những khu vực có độ dốc cao nên nếu hồ chứa gặp vấn đề thì rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân.

Theo dự báo, rất có khả năng những ngày tới sẽ hình thành thêm một cơn bão mới. Do đó Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, thành viên theo dõi chặt chẽ bão số 5 và diễn biến trong tình hình mới để xây dựng giải pháp ứng phó.

“Đề nghị tất cả chủ động các phương án ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra. Dự báo ngắn hạn có thể hình thành cơn bão mới nên phải chủ động; không để bất ngờ, bị động” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Được biết trong ngày 31-10, các địa phương đã tích cực triển khai công tác khắc phục, hỗ trợ người dân như tinh thần của cuộc họp trên.

Cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 5 sau khi đi vào đất liền tại các tỉnh Bình Định - Phú Yên đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần. Tuy nhiên, trung tâm này cảnh báo từ tối 31-10, mực nước trên các sông từ nam Quảng Bình đến Quảng Nam, Kon Tum tiếp tục lên và từ ngày 1-11, nước trên các sông ở Hà Tĩnh và bắc Quảng Bình sẽ lên.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định. Tình trạng ngập lụt tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên. Trung tâm này cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: Cấp 2. 

Quảng Ngãi: 11 người bị thương, 549 nhà sập và hư hỏng do bão số 5

Chưa dừng lại ở đó, nước lũ đang lên nhanh khiến người dân Quảng Ngãi vừa oằn mình chống bão lại phải tiếp tục...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PV ([Tên nguồn])
Bão số 5 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN