Người từng bị chôn sống kể chuyện
Một số người tự nguyện được chôn sống để thử khả năng sinh tồn phi thường của mình. Có người vượt qua được phép thử. Có người không bao giờ dậy nữa.
Khá nhiều trường hợp “suýt” bị chôn được cứu khi người ta phát hiện “tử thi” chưa chết, nhưng theo những tài liệu ghi chép lại thì chưa có người nào sống dậy ra được khỏi nấm mồ đã chôn chặt. Dưới sức ép của đất, con người không thể trụ lại lâu.
Tháng 8/2011, một thanh niên 17 tuổi may mắn thoát chết sau nửa giờ đồng hồ bị vùi trong đống cát sâu hơn 2m trên bãi biển California (Mỹ).
Nhờ sự cố gắng đào bới của hàng chục người có mặt trên bãi biển lúc đó mà Matt Mina mới thoát được. Matt đang đào một đường hầm dưới cát thì bị cát đổ ụp xuống, khiến cậu ta bị vùi luôn trong đó.
Sau 30 phút đào bới, các nhân viên cứu hộ đã lôi được Matt ra trong tình trạng bất tỉnh.
“Tôi rất sợ. Tôi không biết có ai nghe thấy mình đang la hét hay không…Khi ở độ sâu hơn 2m, bạn chẳng thể nghe thấy gì”, Matt kể lại với báo chí sau khi tỉnh dậy.
“Tôi chỉ biết cựa quậy đầu để tạo chỗ thoáng vì lúc đó tay tôi đang bị kẹt sau lưng dưới sức ép của cát. Tôi bị bất tỉnh và nghĩ mình sắp chết chắc”.
Matt Mina từng thoát chết sau 30 phút kẹt trong hầm cát
Cơ quan chức năng nói rằng Matt đã đào hầm sâu hơn 2m trên bãi biển, rồi bỗng dưng cát sụp xuống.
Các trường hợp bị chôn sống đều không được cứu kịp thời. Riêng trường hợp của Thầy tu người Ấn Độ tên là Sadhu Haridas rất nổi tiếng hồi thế kỷ 19 được cho là sống sót qua 40 ngày chôn dưới đất mà không cần ăn, uống và thở.
Bài viết đăng trên báo London Telegraph vào ngày 22/8/1880 có nội dung như sau:
Maharaja Ranjit Singh (1780-1839), người lập nên Đế chế Sikh ở tiểu lục địa Ấn Độ vào đầu thế kỷ 19, nghe danh một thầy tu sống trên núi có khả năng sống sót sau vài tháng bị chôn sống. Maharaja cho rằng điều này là không thể xảy ra.
Tuy nhiên, để kiểm chứng, Maharaja đã gọi vị thầy tu tới triều đình và yêu cầu ông ta chứng minh khả năng này mà không được báo trước để phòng trường hợp gian lận. Thầy tu đã biến mình vào trạng thái trông như đã chết. Khi mọi dấu hiệu của sự sống dường như không còn, vị thầy tu được bọc trong vải kín và đưa vào quan tài mà tự tay Maharaja lấy sáp bít kín mọi khe hở.
Chiếc quan tài được mang đi chôn trong khu vườn tại nơi ở của Maharaja. Maharaja còn ra lệnh cho gieo lúa mạch lên đất chỗ chôn quan tài, xây một bức tường bao quanh và cho lính ngày đêm canh gác. Đến ngày thứ 40, khi quan tài chôn thầy tu được đào lên và mở ra, Maharaja và một số người chứng kiến thấy rằng vị thầy tu vẫn nằm cứng đơ như cũ.
Sau khi được tắm bằng nước ấm thì thầy tu từ từ tỉnh lại. Vào ngày sắp bị chôn xuống, thầy tu Haridas đã cạo râu nhẵn nhụi, và đến lúc được đào lên cũng chưa có sợi râu nào nhú lên.
Chuyện kể lại rằng Haridas đã rửa ruột trước khi chôn sống. Thay vì ăn thật no, vị thầy tu này đã nuốt 8 cuộn vải to bằng ngón tay vào bụng rồi lại lôi ra để làm sạch dạ dày.
Sau khi chuẩn bị xong, Haridas bít tất cả lỗ tai, lỗ mũi bằng một loại sáp thơm, đặt lưỡi quay ngược lại cổ họng, đặt hai cánh tay chéo lên người và kiểm soát sinh khí bằng cách điều tiết hơi thở trước khi bị cuốn chặt bằng vải và đưa vào quan tài mang đi chôn.
Khi được đưa từ mộ ra, người trợ giúp đã kéo lưỡi của thầy tu trở về vị trí ban đầu, đặt một ít bột nhão ấm và thơm lên đầu, rồi thông khí vào phổi và lỗ tai, từ đó lấy nút bằng sáp ra. Vị thầy tu dần dần tỉnh dậy và trở lại bình thường. Người ta cho rằng đây là trường hợp đầu tiên có người trở về sau khi bị chôn sống.
Thầy tu nói rằng nỗi sợ hãi duy nhất khi đang có “giấc ngủ tuyệt vời” là bị giun ăn thịt. Maharaja sau đó tuyên bố không tìm ra dấu hiệu gian lận. Chính phủ Ấn Độ sau này cấm việc chôn sống tự nguyện.
Tuy nhiên, câu chuyện vẫn có vẻ huyền hoặc, khó tin. Ngày nay, y học hiện đại khẳng định khả năng con người sống sót trong thời gian dài như vậy mà không có thức ăn, nước uống và không khí là không thể xảy ra.
Chết hụt vì thử chôn sống
Ảo thuật gia người Mỹ gốc Hungary Harry Houdini đã hai lần thoát chết vì thử chôn sống. Lần đầu tiên diễn ra tại Santa Ana, bang California năm 1917, khiến Houdini suýt mất mạng. Houdini tình nguyện bị chôn không có quan tài dưới độ sâu gần 2m. Bị kiệt sức trong lúc tự tìm đào đất chui lên, Houdini đã bất tỉnh khi cánh tay vừa nhô lên mặt đất. Ảo thuật gia sau đó đã được các trợ lý giúp sức kịp thời. Viết trong cuốn nhật ký sau phen chết hụt, Houdini cho biết nằm dưới sức ép của đất là việc “cực kỳ nguy hiểm” và nhanh chết.
Chưa sợ hẳn, Houdini còn thử nằm trong quan tài kín một lần nữa. Đó là khi anh ta tham gia bài kiểm tra thử sức chịu đựng nhằm lật tẩy tuyên bố có thể dùng sức mạnh siêu nhiên để sống sót trong quan tài kín mít suốt 1 giờ đồng hồ của một ảo thuật gia người Ai Cập.
Houdini cho biết vào ngày 5/8/1926, anh đã được đưa vào quan tài đóng kín rồi dìm xuống bể bơi trong khách sạch Shelton ở New York suốt 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Houdini nói rằng không cần dùng sức mạnh siêu nhiên hay tiểu xảo gì để sống sót, mà chỉ cần kiểm soát nhịp thở.
Ở Nga cũng có một số trường hợp thử khả năng sống sót trong quan tài kín. Năm 2010, một người đàn ông tử vong sau khi thử bị chôn sống nhằm vượt qua nỗi sợ chết. Anh này thiệt mạng vì sức ép của đất. 1 năm sau, một người khác ở Nga cũng thiệt mạng sau 1 đêm nằm dưới quan tài chôn dưới đất để “cầu may”.