Vướng mắc căn cứ xử phạt con bà Tân Vlog

Sự kiện: Tin nóng

Chuyện nấu cháo con gà còn nguyên lông cứ tưởng là một trò đùa vô thưởng vô phạt, ai thích thì xem, không thì thôi, thậm chí chê bai, “tẩy chay” kênh YouTube của anh Nguyễn Văn Hưng (Hưng Vlog, con trai bà Tân Vlog) cũng được, nhưng không ngờ lại lớn chuyện.

Ngày 10-9, chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang đã xử phạt hành chính anh Hưng bằng hình thức phạt tiền (7,5 triệu đồng)...

Theo Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang, anh Hưng đã vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo Điều 101 Nghị định 15/2020. Chi tiết hơn, anh Hưng bị cho là đã lợi dụng mạng xã hội để “cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Hành vi này là một trong các sai phạm được nêu tại điểm b khoản 1 Điều 101 nêu trên (nội dung đầy đủ là “cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc”). Hành vi vi phạm đó có mức phạt 5-10 triệu đồng. Anh Hưng đã bị phạt ở mức trung bình và phải thực hiện biện pháp khắc phục là gỡ bỏ video đó trên tài khoản YouTube Hưng Vlog.

Ngoài việc đã gỡ bỏ video ấy ngay sau khi đăng do bị cư dân mạng phản ứng thì chưa rõ anh Hưng có ý kiến nào khác về việc bị phạt 7,5 triệu đồng. Chỉ biết là trong dư luận đang có rất nhiều người không đồng ý với quyết định xử phạt đó. Lý do thì mỗi người một ý nhưng chung quy là người ta không thấy hành vi nấu cháo gà còn nguyên lông của anh Hưng không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc ở chỗ nào.

Vướng mắc căn cứ xử phạt con bà Tân Vlog - 1

Việc bỏ nguyên con gà còn lông vào nấu cháo đơn giản chỉ là mất vệ sinh, nhìn gớm ghiếc, ai xem thì xem, chớ có bắt chước, ai không xem thì thôi, thậm chí tẩy chay kênh YouTube của Hưng Vlog...

Có người bảo do con gà đã chết nên việc nấu cháo khi chưa làm sạch gà chỉ đơn giản là mất vệ sinh, nếu ai đó có xem thì chớ bắt chước, nếu chưa xem thì khỏi xem vì chẳng hay ho gì. Có người nói nếu nhìn thoáng chút sẽ thấy việc nấu cháo như thế cũng giống với việc người làm món gà nướng đất sét vẫn để nguyên lông mà chế biến hoặc cho bịch cá kèo còn sống vào nồi lẩu, thả con đuông dừa còn ngo ngoe vào chén nước mắm… Có người so sánh “gà chứ có phải linh vật hay động vật quý hiếm để mà không được động vào theo ý riêng”…

Trước khi bàn quyết định xử phạt của chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang là đúng hay sai thì hãy cùng xem xét pháp luật quy định sao về thuần phong mỹ tục.

Hỏi thuần phong mỹ tục của dân tộc là gì, chắc chắn số đông có liền câu trả lời. Đó là những điều tốt đẹp, lành mạnh đã được hình thành trong quá trình lịch sử dài lâu của dân tộc, được xã hội công nhận, được giáo dục và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chẳng hạn là sự tôn trọng, lễ phép đối với người lớn tuổi (kính lão đắc thọ); là sự ghi ơn (uống nước nhớ nguồn); là sự quý trọng người thầy (tôn sư trọng đạo)…

Thế nhưng về mặt pháp lý, xác định thế nào là thuần phong mỹ tục để từ đó có căn cứ cáo buộc hành vi nào là không phù hợp thuần phong mỹ tục thì trước giờ không hề có quy định cụ thể. Mặc dù nhiều văn bản luật vẫn lặp đi lặp lại các hành vi trái với thuần phong mỹ tục… là vi phạm pháp luật nên phải bị chế tài nhưng lại không có hướng dẫn về các tiêu chí khách quan để thống nhất nhận diện dẫn đến những suy đoán khác nhau không được phép có.

Vụ video “nồi cháo gà lạ lùng của Hưng Vlog” cho thấy sự thiếu sót như thế ở Nghị định 15/2020 (quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử). Chính vì không quy định thế nào là thuần phong mỹ tục của dân tộc trong lĩnh vực trên nên hiện không có căn cứ pháp luật để quy kết nội dung video đó là trái thuần phong mỹ tục. Khi không thể chỉ ra được cơ sở pháp lý để xác định sự trái thuần phong mỹ tục của video ấy thì xem như Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang đã xử phạt dựa theo đánh giá chủ quan. Dù mục đích nào thì việc xử phạt cảm tính cũng khó khiến người khác tâm phục khẩu phục.

Còn nhớ Nghị định 46/2019 (về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao) khi mới được ban hành cũng từng gây tranh cãi về sự trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục.

Theo nghị định này, người có hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam bị phạt tiền 5-10 triệu đồng… Tuy nhiên, như thế nào là (các bài tập, môn thể thao) trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc thì chính Bộ VH-TT&DL (cơ quan soạn thảo Nghị định 46/2019) cũng không làm rõ được.

Về nguyên tắc, một người chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi được pháp luật quy định rõ để hết thảy cùng xác định được đó là vi phạm hành chính. Nếu khác đi, tức quyết định xử phạt có nội dung không bảo đảm được tính hợp pháp và có căn cứ thì quyết định đó có thể bị tòa hành chính xử hủy từ yêu cầu khởi kiện của người bị xử phạt. Lưu ý này rất cần để chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang xem xét lại nhằm có quyết định phù hợp.

Nguồn: [Link nguồn]

Con trai bà Tân Vlog: ”Làm điều tử tế, chân thành sẽ được đón nhận”

Nhất quyết không đồng ý cho ai ghi hình trực tiếp mẹ mình vì sợ mẹ bị “run” không nói được, ngồi cạnh động viên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Tâm ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN