Mỹ đánh Syria để "dằn mặt" Iran?

Sự kiện: Chiến sự Syria

Một cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ tiết lộ lý do thật sự Mỹ muốn đánh Syria.

Trong những tuần gần đây, Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Syria để trừng phạt cái gọi là “hành động sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường” của chính phủ nước này bất chấp sự phản đối quyết liệt của Nga, cái lắc đầu của Quốc hội Anh, sự do dự của chính phủ Pháp và nhiều đồng minh phương Tây khác.

Sau những nỗ lực bất thành tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về một nghị quyết trừng phạt Syria vì những lần phủ quyết của Nga, Mỹ tuyên bố từ bỏ phương án này và tuyên bố sẵn sàng đánh Syria mà không cần Liên Hợp Quốc.

chien su syria  tin nhanh  tin moi  viet nam

Tàu chiến Mỹ trên Địa Trung Hải sẵn sàng phóng tên lửa vào Syria

Trong khi Quốc hội Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu để thông qua đề xuất tấn công Syria của Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Mỹ cũng thực hiện chuyến công du tới một loạt nước châu Âu và Arab để kêu gọi sự ủng hộ cho cuộc can thiệp quân sự này. Lầu Năm Góc cũng đang vạch kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công “hạn chế” về thời gian và mục tiêu vào Syria với hơn 50 lần chỉnh đi sửa lại.

Điều gì đã khiến Mỹ quyết tâm đánh Syria tới cùng bất chấp những khó khăn trong việc xây dựng đồng minh và thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế như vậy? Câu hỏi này phần nào được giải đáp dưới góc nhìn của ông Stephen J. Hadley, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, người cho rằng Iran chính là mục tiêu chính của Mỹ trong hành động quân sự nhắm vào Syria.

Phong trào Mùa xuân Arab đã gây ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc ở Trung Đông và các quốc gia ở khu vực này phải mất nhiều năm trời mới khắc phục được. Tuy nhiên, ông Hadley cho rằng cuộc khủng hoảng ở Syria lần này phải giải quyết trong thời gian tính bằng tháng chứ không thể để kéo dài nhiều năm.

my tan con syria  tin nhanh  tin moi  tin hot

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Stephen J. Hadley

Ông cho rằng Mỹ muốn ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân thì trước hết Quốc hội nước này phải cho phép Tổng thống Obama phát động cuộc tấn công vào chế độ của Tổng thống Assad ở Syria.

Sau khi tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani có chiều hướng ôn hòa nhậm chức, các nước phương Tây đã hy vọng về một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Iran. Tuy nhiên muốn làm được điều đó, ông Rouhani phải được sự chấp thuận của lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, người luôn có quan điểm đối đầu với Mỹ.

Theo ông Hadley, chỉ có sức ép từ dư luận trong nước và mối đe dọa tấn công quân sự của Mỹ từ bên ngoài mới có thể buộc Khamenei chấp nhận đàm phán hạt nhân với phương Tây. Đó chính là lý do mà các đời Tổng thống Mỹ như Obama, Bush và Clinton đều nhấn mạnh rằng họ luôn cân nhắc đến mọi khả năng, trong đó có cả việc sử dụng sức mạnh quân sự với Iran.

Ông Hadley nhận định sau khi cáo buộc chính phủ Assad vượt qua “giới hạn đỏ” về vũ khí hóa học do Mỹ vạch ra, nếu Mỹ không có hành động quân sự chống lại Syria, lúc đó những lời đe dọa quân sự của Mỹ sẽ chẳng còn trọng lượng gì một khi Iran tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của mình. Và khi lời đe dọa “không đáng tin” đó bị phớt lờ, có thể Mỹ sẽ hoặc phải đưa quân vào ngăn chặn thực sự hoặc sẽ phải chấp nhận một Iran có vũ khí hạt nhân trong tương lai gần.

Syria 2013  Chien tranh syria

Quân đội Iran diễu binh

Ông Hadley còn vạch ra một nguy cơ nữa đối với Mỹ xuất phát từ cuộc nội chiến hiện nay ở Syria. Ông này cho rằng cuộc chiến kéo dài suốt 2 năm rưỡi qua ở đất nước này đã khiến hơn 2 triệu người phải đi tị nạn và khoảng 4 triệu người bị mất nhà cửa. Dòng người tị nạn ùn ùn rời khỏi Syria có thể gây mất ổn định ở các quốc gia láng giềng như Lebanon, Iraq, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, tạo ra một cuộc chiến tranh khu vực giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite.

Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các chiến binh al-Qaida phát triển và phát động các cuộc tấn công vào lợi ích của Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Hoặc Iran và Hezbollah một khi cứu được chế độ của ông Assad khỏi nguy cơ sụp đổ sẽ hình thành một thế lực bá chủ rộng lớn hơn trong khu vực, đe dọa đến các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, trong đó có Israel.

Để ngăn ngừa các nguy cơ này và bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực, ông Hadley nói rằng cuộc tấn công của Mỹ vào Syria không thể chỉ dừng lại ở những cuộc không kích bằng tên lửa để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai. Vị cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng hành động quân sự của Mỹ ở Syria phải đủ mạnh để hủy hoại ưu thế về sức mạnh quân sự của quân đội chính phủ Syria.

Điều này không có nghĩa là Mỹ phải đưa lực lượng bộ binh vào Syria hoặc thực hiện chiến dịch ném bom hàng tuần lễ như ở Kosovo. Để làm được điều đó, Mỹ phải phá hủy các hệ thống máy bay, tên lửa và pháo binh cùng các căn cứ quân sự của quân đội Syria, những thứ mang lại ưu thế vượt trội cho phe chính phủ trên chiến trường.

my tan cong syria  syria 2013

Mỹ sẽ phải phá hủy các vũ khí hiện đại của quân đội Syria

Ông Hadley cho rằng tất cả những nỗ lực ngoại giao và thương lượng với Tổng thống Syria Assad đều thất bại bởi ông Assad cho rằng quân đội chính phủ quá mạnh trong khi lực lượng đối lập quá yếu ớt.

Giải pháp đàm phán chỉ có kết quả một khi cán cân sức mạnh trên chiến trường bị thay đổi: một cuộc tấn công hạn chế của Mỹ đẩy lùi quân đội của ông Assad, sau đó Mỹ sẽ huấn luyện và cung cấp vũ khí cho phe đối lập dưới chiêu bài “dân chủ”, kể cả các phần tử al-Qaida và những kẻ Hồi giáo cực đoan khác.

Bởi vậy ông Hadley khẳng định Quốc hội Mỹ cần phải cho phép và hối thúc chính quyền Obama theo đuổi chính sách này. Mục tiêu là làm chia rẽ chế độ của ông Assad để các nhân vật chính trị và quân sự trong chính phủ đào tẩu sang phe đối lập, từ đó lập ra một chính phủ lâm thời kết thúc chiến tranh, sau đó mới truy lùng các chiến binh al-Qaida.

Tuy kết quả này rất khó đạt được và tốn nhiều thời gian, nhưng ông Hadley cho rằng nó còn tốt hơn là để phe Assad giành thắng lợi hoặc al-Qaida và các phần tử cực đoan khác chiếm ưu thế khiến tình hình càng thêm rối ren và hỗn loạn, tất cả đều đe dọa đến lợi ích của Mỹ.

Sau khi trao quyền quyết định cho Quốc hội, gần như Tổng thống Obama sẽ không thể phát động cuộc tấn công quân sự chống lại Syria nếu bị Quốc hội bỏ phiếu bác bỏ. Tuy nhiên trong trường hợp Quốc hội Mỹ nói “không” với kế hoạch tấn công Syria, ông Hadley tuyên bố chính phủ Mỹ cũng phải có hành động quyết liệt để giảm nhẹ hậu quả tiêu cực của quyết định này.

Điều đó có nghĩa là Mỹ cần phải tăng cường huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các phần tử ôn hòa trong phe đối lập ở Syria, thực hiện các sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo tại các khu vực do phe đối lập kiểm soát. Còn ở Trung Đông nói chung, Mỹ cần phải đẩy mạnh hợp tác ngoại giao và an ninh với các quốc gia đồng minh có chung mối quan ngại với Iran.

Nếu không, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hadley cho rằng sự khoanh tay của Mỹ ở Syria sẽ được nhìn nhận là một chiến thắng của Iran, khiến cho viễn cảnh về một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và nắm quyền bá chủ trong khu vực càng trở nên hiển hiện hơn bao giờ hết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Theo Washington Post) ([Tên nguồn])
Chiến sự Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN