Lãnh đạo đường sắt nói gì về giá vé tàu Cát Linh- Hà Đông?

Sự kiện: Tin ngắn

"Giá vé tuyến này cũng sẽ được Nhà nước trợ giá nên dự kiến sẽ không quá cao", TGĐ Công ty Đường sắt Hà Nội nói.

Lãnh đạo đường sắt nói gì về giá vé tàu Cát Linh- Hà Đông? - 1

Tàu Cát Linh- Hà Đông chạy thử trên toàn tuyến ngày 9/8. Ảnh:  Hoàng Nam Báo Infonet.

Sáng 10/8, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm về công tác vận hành dự án đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Hồng Trường – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, dự kiến thời gian di chuyển tàu Cát Linh- Hà Đông sẽ rút ngắn hơn rất nhiều so với các phương thức vận tải công cộng khác. Tốc độ lưu thông của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào khoảng 35km/h.

Theo khảo sát, 98% người dân được hỏi cho biết đều có biết đến dự án này. Cùng đó, 95% số người được hỏi cho biết sẽ phải đi thử nghiệm tàu Cát Linh- Hà Đông ít nhất một lần.

“Theo khảo sát của chúng tôi, đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông với giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35 - 37% (cùng quãng đường 13km).  Còn về giá vé cụ thể sẽ do UBND TP. Hà Nội quyết định và sẽ theo hướng làm sao để cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Giá vé tuyến này cũng sẽ được Nhà nước trợ giá nên dự kiến sẽ không quá cao”, ông Trường nói.

Ông Trường cho biết thêm, khi đi tàu đường sắt trên cao, hành khách sẽ trả tiền mua vé rồi lên tàu, không phải lên tàu mới trả tiền như xe buýt. Hành khách sẽ đi lên tàu bằng thang cuốn và đi xuống thang bộ. Người khuyết tật sẽ có đường riêng.

Lãnh đạo đường sắt nói gì về giá vé tàu Cát Linh- Hà Đông? - 2

Ông Vũ Hồng Phương - Phó Giám đốc (phụ trách) Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT). Ảnh Báo giao thông.

Ông Vũ Hồng Phương - Phó Giám đốc (phụ trách) Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) cho hay, đến thời điểm hiện tại, toàn tuyến đường sắt đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đạt trên 96%. Hiện nay, đơn vị thi công đã nhập về công trường trên 95% trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh gần 80%, trong đó có một số thiết bị chuyên ngành chính liên quan đến hệ thống thiết bị điều khiển đoàn tàu.

Bắt đầu từ đầu tháng 8, đơn vị thi công đã thực hiện căn chỉnh, chạy thử cho từng chuyên ngành được lắp đặt hoàn chỉnh. Ngoài ra, còn một số hạng mục công tác hoàn thiện cũng đang gấp rút triển khai để vận hành trong thời gian tới.

“Hơn 1 tuần qua, chúng tôi đã cho kiểm tra hệ thống thông tin, hệ thống tín hiệu và một số các công việc liên quan hệ thống tín hiệu như các hạ tầng điều khiển đoàn tàu, thiết lập tuyến và đường chạy cho đoàn tàu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn tất công tác kiểm tra các thiết bị, sau đó vận hành chạy thử toàn tuyến vào cuối tháng 8 này. Mọi công tác hiện đang được chuẩn bị một cách rốt ráo và đáp ứng yêu cầu của Bộ trưởng GTVT”, ông Phương thông tin.

Theo ông Phương, hiện nay, toàn bộ lực lượng kỹ thuật được hỗ trợ từ phía Trung Quốc sang Việt Nam và có mặt tại hiện trường dự án. Cụ thể, có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác. Trong đó, có 651 công nhân, 30 kỹ sư, nhân sự quản lý.

Tại các nhà ga đều có hệ thống rào chắn để dân không tiếp cận vào đường ray. Ngoài ra còn có hệ thống camera giám sát trên toàn tuyến và các nhà ga nhằm đảo bảo an ninh cho người dân và hành khách. Lực lượng CSGT cũng có kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với công an khu vực, không để các phương tiện dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, tránh hình thành bến “cóc” nhỏ cho xe ôm dừng đỗ trái quy định gây hỗn loạn khu vực lên xuống ga đường sắt.

Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h.

Dự án khởi công từ tháng 10/2009, có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây. Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này được đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải liên tục điều chỉnh tiến độ và lùi đến cuối năm 2018 mới có thể khai thác thương mại.

Bắt gặp tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ”lướt” giữa thủ đô

Theo đúng kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải, những ngày đầu tháng 8/2018 tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN