Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Sắp hoàn thành lại lo sự cố khi vận hành

Tiến độ xây dựng, lắp đặt dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được đẩy nhanh sau khi thông vốn. Tuy nhiên, bắt đầu xuất hiện các mối lo về vận hành khi Tổng thầu Trung Quốc phản ánh những sự cố xảy ra như mất điện rất khó khôi phục vì thiếu đầu mối…

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Sắp hoàn thành lại lo sự cố khi vận hành - 1

Kỹ sư Trung Quốc vận hành tàu kiểm tra đường tại dự án ngày 3/6

Thông vốn, toàn bộ 13 đoàn tàu được đưa về

Sáng 6/3, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng dẫn đầu đoàn kiểm tra hiện trường dự án Cát Linh - Hà Đông.

Báo cáo đoàn kiểm tra, ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án (thuộc Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc - Tổng thầu dự án) cho hay: Đến nay công tác xây dựng đã cơ bản hoàn thành và đang tiến hành lắp đặt thiết bị. Thiết bị cũng đã được chuyển về, trong đó 13/13 đoàn tàu của dự án đã được đưa về dự án.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông báo cáo thêm, hiện phần xây dựng đã thực hiện được 95%. Phần còn lại chỉ 5 % nhưng lại ở diện rất rộng, trên toàn dự án, bao gồm: Hàng rào, sân nền khu depot (ga đầu mối), trần nhà và các phần hoàn thiện sau khi lắp thiết bị của khu depot và các nhà ga).

Về thiết bị đã đưa về 80% và đang tiếp tục được vận chuyển về để lắp đặt. Ông Đông cho hay, do khoản vay bổ sung từ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc bị chậm giải ngân khoảng 7 tháng nên Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ xin lùi tiến độ. Cụ thể, dự án sẽ vận hành vào năm 2018 và hoàn thành dự án vào năm 2021 (bao gồm 2 năm bảo hành của dự án).

Còn ông Đường Hồng thì cho biết: Tổng thầu sẽ nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ nhưng việc hoàn thành cuối năm 2018 có nhiều khó khăn vì khối lượng thi công tuy ít nhưng nhỏ nhặt, phức tạp; thầu phụ không điều động lực lượng lớn để đẩy nhanh công việc.

Về việc nhà thầu không huy động đủ nhân lực và máy móc, thành viên đoàn kiểm tra nhắc nhở: Một số thầu phụ Việt Nam phàn nàn thầu chính chưa giải ngân nên chưa tiếp tục công việc nên tổng thầu cần xác minh, nếu có cần biện pháp khắc phục.

Lo mất điện bất ngờ

Tại cuộc kiểm tra, phía tổng thầu cho rằng, để chuyển giao vận hành dự án, nếu tổng thầu chỉ làm việc riêng với Bộ GTVT như hiện nay sẽ không giải quyết được. Bởi vì, việc chuyển giao liên quan nhiều vấn đề như điện, nước, đảm bảo an toàn giao thông của địa phương. Vì vậy, tổng thầu đề nghị các ban, ngành Hà Nội cần có bộ phận chuyên trách để tiếp cận với dự án.

“Ví dụ như hiện nay, khi vận hành, bất ngờ mất điện rất khó xử lý. Đáng ra, điện lực Hà Nội cần một đầu mối để tiếp cận dự án, chủ động thông báo, và cùng dự án khắc phục” - ông Đường Hồng nói.

Cũng ông Đường Hồng cho biết, cơ quan chức năng Việt Nam cần đưa ra tiêu chuẩn cụ thể để nghiệm thu. Đây là dự án rất lớn, nhiều hệ thống nên việc nghiệm thu cần chủ động để dự án xong có thể vận hành được ngay”.

Đề cập vấn đề này ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã lập ban chỉ đạo, ban này 2-3 tháng họp 1 lần. Hiện Hà Nội đã lập công ty đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) để vận hành dự án. “Các nội dung như kết nối, tổ chức giao thông, kết nối với xe buýt… đã được họp bàn xử lý. Các nội dung còn lại như ông Đường Hồng nói sẽ tiếp tục xử lý”- ông Đông nói.

Về nghiệm thu, ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), lý giải, hằng năm, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng vẫn vào kiểm tra hiện trường và rà soát hồ sơ. Để nghiệm thu tổng thể, Bộ GTVT cũng đang làm việc với Bộ Xây dựng (cơ quan nòng cốt của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng) để bắt đầu nghiệm thu toàn bộ dự án.

Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội đánh giá: Giai đoạn nước rút của dự án này cần rất nhiều cơ quan liên quan nên cần thường xuyên giao ban giữa các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ.

Kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, đây là dự án không quá lớn nhưng rất quan trọng vì công nghệ mới. Những năm gần đây, khoa học công nghệ đường sắt của TQ tiến triển rất nhanh, xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới nên việc thực hiện dự án này là hoàn toàn khả thi.

“Tôi có niềm tin sắt đá về việc tổng thầu Trung Quốc sẽ làm được dự án này để tạo niềm tin thực hiện các dự án đường sắt khác tại Hà Nội, TPHCM, thậm chí sau này tại Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh...” - ông Dũng nói.

Ông Phan Xuân Dũng cũng lưu ý, giai đoạn cuối này hàm lượng công nghệ rất cao nên cần làm hết sức cẩn thận. Ngoài ra, đề nghị tổng thầu và phía Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam đào tạo, chuyển giao công nghệ, xem xét hợp tác phát triển công nghiệp đường sắt tại Gia Lâm, Dĩ An.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 552,8 triệu USD vào năm 2008, đến năm 2016, được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,1 triệu USD). Vì tăng tổng mức đầu tư, dự án phải vay thêm Ngân hàng Eximbank Trung Quốc thêm 250 triệu USD. Do giải ngân khoản vốn bổ sung này bị chậm nên tiến độ chạy thử của dự án được Chính phủ phê duyệt (tháng 10/2017) bị vỡ. Hiện Bộ GTVT trình Chính phủ thời gian chạy thử dự án vào tháng 9/2018, vận hành toàn bộ dự án vào cuối năm 2018 nhưng chưa được Chính phủ chấp thuận.

Mục kích chạy thử tàu trên đường sắt Cát Linh- Hà Đông

Sáng 6/3, đoàn kiểm tra dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã chạy thử tàu, kiểm tra đường từ ga Cát Linh đến cuối...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ​SỸ LỰC (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN