Kỳ bí loài thông sống cùng thời với khủng long ở rừng Bidoup Núi Bà

Trên thế giới, thông hai lá dẹt có duy nhất ở rừng Bidoup Núi Bà (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), được cho là sống cùng thời với khủng long, đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Chúng tôi được anh Nguyễn Đức Cường - một nhân viên kiểm lâm của Vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà dẫn đi săn tìm hình ảnh của loài thông quý hiếm có duy nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn được sự giúp đỡ của anh Lê Văn Sơn - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu rừng - VQG Bidoup Núi Bà khi thám hiểm khu rừng nguyên sinh.

Địa điểm chúng tôi xuất phát là Trạm kiểm lâm Hòn Giao, nơi giáp ranh giữa VQG với tỉnh Khánh Hòa. Rời trạm được một khoảng khá xa trên đường chính, chúng tôi rẽ vào rừng theo con đường mòn nhỏ rồi đi sâu vào rừng nguyên sinh (thuộc tiểu khu 89, xã Đạ Chais, H.Lạc Dương).

Kỳ bí loài thông sống cùng thời với khủng long ở rừng Bidoup Núi Bà - 1

Cây thông hai lá dẹt cổ kính trong rừng Bidoup Núi bà.

Đối với chúng tôi, đi tìm hình ảnh về cây thông hai lá dẹt thì quả là một chuyến thám hiểm lạ lẫm. Tuy nhiên, vị trí cũng như số lượng những cây thông lá dẹt trong vườn thì những người như anh Cường, anh Sơn nắm rõ như lòng bàn tay.

Được biết, thông hai lá dẹt là loài thông cổ, trên thế giới chỉ có độc nhất ở Việt Nam. Đây là loài thông đặc hữu của Việt Nam, được phát hiện tập trung ở Lâm Đồng và vùng phụ cận. Loài cây này thường mọc tập trung nhất trên độ cao 1.200 - 1.800m. Đặc biệt, thông hai lá dẹt sinh trưởng rất chậm, tăng trưởng về đường kính chỉ đạt khoảng 1 mm/năm, nếu cây có đường kính khoảng 2m thì tuổi cây có thể đạt tới hàng nghìn năm.

Kỳ bí loài thông sống cùng thời với khủng long ở rừng Bidoup Núi Bà - 2

Cây thông có đường kính 2m có tuổi lên đến hàng nghìn năm.

Sau một quãng đường dài băng đường rừng, chúng tôi được dẫn đến một cây thông lớn, cổ thụ với những lớp rêu mọc quanh gốc tạo nên sự cổ kính. Trước mắt chúng tôi, cây thông hai lá dẹt cao sừng sững, to đến 4 người ôm, đường kính khoảng 2 mét. Bên dưới cây thông lớn là một số cây nhỏ khác đang phát triển xanh tốt, những cây này đã được đánh dấu bảo vệ của lực lượng kiểm lâm.

Vỏ cây màu nâu hồng cộng với những đám rêu mọc quanh thân đã khiến cho cây thông hai lá dẹt hàng ngàn năm tuổi ở Bidoup Núi Bà như một người anh cả. Sở dĩ, được gọi là thông hai lá dẹt là vì lá của chúng dẹt như lưỡi kiếm, hình dải mác nhọn đầu. Trong sách đỏ Việt Nam, thông hai lá dẹt được xếp vào cấp 5 - sẽ nguy cấp (có thể bị đe dọa tuyệt chủng).

Kỳ bí loài thông sống cùng thời với khủng long ở rừng Bidoup Núi Bà - 3

Những chiếc lá kì lạ của cây thông hai lá dẹt.

Thạc sĩ Lê Cảnh Nam - nghiên cứu viên Viện Khoa học lâm nghiệp nam Trung bộ và Tây nguyên (Viện Khoa học lâm nghiệp VN) cho hay, thông hai lá dẹt là một loài cây cổ, quý hiếm, có từ thời kỳ khủng long. Kết quả điều tra đến nay cho thấy có khoảng trên 1.000 cây. Trong đó số cây tập trung ở cấp kính lớn khoảng 40cm trở lên là rất nhiều, còn những cây cấp kính cỡ 10 - 15cm thuộc thế hệ trung gian thì rất ít.

Hiện nay, thông hai lá dẹt là loài có giá trị rất cao về phương diện khoa học, một nguồn gen cây lá kim độc nhất chỉ có ở VN và hiện đang đứng trước nguy cơ đe dọa bởi rừng tự nhiên bị suy thoái, một số cây thông hai lá dẹt bị mất môi trường sinh sống tối ưu, bị chết trụi, chết già…

Kỳ bí loài thông sống cùng thời với khủng long ở rừng Bidoup Núi Bà - 4

Gốc cây của cây thông lá dẹt hàng nghìn năm tuổi.

Thạc Sĩ Lê Cảnh Nam cũng cho biết, hiện nay cũng có một vài nghiên cứu về bảo tồn, tuy nhiên các đề tài thực hiện ở quy mô rất nhỏ. Trước đây cũng từng có một nghiên cứu về cây lá kim ở VQG Bidoup Núi Bà và đơn vị này đã xây dựng được mô hình bảo tồn nội vi tại vườn với diện tích 1 ha.

Ban đầu tỷ lệ sống sau khi trồng 1 tháng khá cao, với trên 95%. Tuy nhiên sau 1 năm thì tỷ lệ sống lại giảm xuống chỉ còn trên 51%, điều này cho thấy để duy trì được việc bảo tồn thì còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu.

Vì thông hai lá dẹt là loại cây có giá trị về khoa học, hơn nữa lại có duy nhất ở Việt Nam nên được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong thực tế, các nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu thông qua vòng năm cây rừng, đã tập trung vào loài cây này để nghiên cứu nhằm xác lập, tìm hiểu lịch sử khí hậu ở khu vực trong vài trăm năm trước đây.

Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Ly kỳ những “cụ” cây của Thảo cầm viên

Vào Sở thú, du khách thường “hăm hở” đi tìm và hỏi han về những loài thú, đặc biệt là những loài thú quý hiếm. Tuy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Long ([Tên nguồn])
Cây cảnh hoa cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN