Hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ được miễn phí vé

Sự kiện: Thời sự

Đến nay, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được vận hành chạy thử 10 ngày để đánh giá an toàn, chuẩn bị mọi công đoạn cuối cùng nhằm sẵn sàng khai thác thương mại vào quý 1/2021.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông miễn phí vé 15 ngày

Quá trình vận hành, đơn vị quản lý dự án phối hợp với Tổng thầu Trung Quốc và Tư vấn Pháp chạy toàn bộ 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông để có những đánh giá khách quan, minh bạch phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao trước khi chính thức khai thác thương mại.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông)  12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Bên trong tàu Cát Linh - Hà Đông

Bên trong tàu Cát Linh - Hà Đông

Sau nhiều lần gia hạn vận hành, khai thác thương mại, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đặt mục tiêu cam kết sẽ đưa vào vận hành, khai thác tuyến này trong quý 1/2021.

Sau 10 ngày vận hành thử nghiệm, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết: "Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang hoạt động rất suôn sẻ, tuân thủ theo đúng các yêu cầu kỹ thuật".

"Tỷ lệ hoàn thành chuyến lượt đạt 100%, tỷ lệ đúng giờ đạt trên 99%. Sau khi tuyến chính thức vận hành thương mại, đơn vị sẽ chở khách miễn phí 15 ngày để tạo điều kiện cho người dân làm quen, trải nghiệm", ông Ngọc thông tin.

Thông tin về kế hoạch phục vụ hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông khi dự án đi vào vận hành chính thức, ông Ngọc cho biết, Hanoi Metro cũng đã tập trung hoàn thiện bộ máy hoạt động, tuyển dụng, đào tạo nhân lực và in ấn các tài liệu hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hoàn thành xây dựng các kịch bản kết nối hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị; xây dựng phương án thẻ vé…

Khu vực quẹt thẻ vé lên tàu Cát Linh - Hà Đông.

Khu vực quẹt thẻ vé lên tàu Cát Linh - Hà Đông.

Kết nối với xe buýt

Vấn đề giá vé đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt phương án giá vé và chia thành nhiều khung giá khác nhau như sau: Vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường).

Vé ngày (30.000 đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày); vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi Km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.

Cửa lên xuống tàu Cát Linh - Hà Đông

Cửa lên xuống tàu Cát Linh - Hà Đông

Đáng chú ý, đến nay, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa chính thức vận hành nhưng một số hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp tại các nhà ga. Vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, việc khắc phục các hư hỏng này thuộc trách nhiệm của Tổng thầu Trung Quốc thực hiện dự án. Hiện, Tổng thầu đang tiến hành rà soát trên toàn bộ 12 nhà ga dọc tuyến nhằm xác định các hư hỏng, xuống cấp để kịp thời khắc phục.

Ban Quản lý dự án đường sắt đã đề nghị chính quyền các địa phương nơi dự án đi qua tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ xử lý dứt điểm vi phạm lấn chiếm nhà ga làm chỗ đỗ xe, bán hàng, nhằm bảo đảm mỹ quan, chất lượng trước khi bàn giao cho thành phố quản lý, vận hành phục vụ nhân dân.

Đặc biệt, việc kết nối các phương thức giao thông công cộng với đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng đã được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội nghiên cứu luồng tuyến buýt, bổ sung hàng nghìn điểm dừng xe buýt, phát triển thêm các điểm trung chuyển, tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng… nhằm bảo đảm năng lực tổ chức kết nối với đường sắt đô thị để thu hút người dân dùng vận tải công cộng.

Phương án sắp tới sẽ có 50 tuyến buýt được lên kế hoạch để trung chuyển khách đi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và lên các kịch bản kết nối giữa các tuyến buýt hiện hữu với đường sắt đô thị trên cao.

Để hành khách thuận lợi đi tàu Cát Linh - Hà Đông, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m; bổ sung thêm 14 nhà chờ xe buýt nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ xe buýt lên 28 điểm để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng.

Nguồn: [Link nguồn]

50 tuyến buýt trung chuyển khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông

Ngày 21/12, trong cuộc họp chuẩn bị các kế hoạch tiếp nhận và vận hành tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Anh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN