50 tuyến buýt trung chuyển khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông

Sự kiện: Thời sự

Ngày 21/12, trong cuộc họp chuẩn bị các kế hoạch tiếp nhận và vận hành tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông (tuyến đường sắt 2A) để báo cáo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, đại diện liên ngành Hà Nội cho biết, đã lên phương án huy động 50 tuyến buýt kết nối với tàu Cát Linh - Hà Đông.

Khi tàu Cát Linh - Hà Đông hoạt động, số lượng xe buýt sẽ giảm 30-45%. Ảnh: Anh Trọng

Khi tàu Cát Linh - Hà Đông hoạt động, số lượng xe buýt sẽ giảm 30-45%. Ảnh: Anh Trọng

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Giao thông công cộng, Sở GTVT Hà Nội, cho biết, số lượng các tuyến buýt được lên kế hoạch để trung chuyển khách đi tuyến đường sắt 2A là 50, tăng 7 tuyến so với phương án trước đây. “Các tuyến bổ sung được bố trí kết nối tại ga Cát Linh (tuyến số 25 và 90) và năm tuyến buýt mở mới được kết nối thẳng với ga Yên Nghĩa”, ông Hải thông tin.

Với các ga còn lại của dự án, ông Hải cho biết, tại ga La Khê, bố trí 9 tuyến buýt kết nối với tàu đô thị, gồm các tuyến số 01, 33, 37, 57, 62, 89, 91, buýt BRT, buýt CNG02; Ga Hà Đông, bố trí 6 tuyến buýt kết nối, gồm tuyến số: 01, 33, 57, 89, 105, 78; Ga Văn Quán bố trí kết nối 8 tuyến, gồm tuyến số 01, 19, 22B, 22C, 103, 106, 105, 78; Ga Phùng Khoang, bố trí 7 tuyến buýt kết nối, gồm các tuyến số 01, 19, 22C, 39, 22B, 105, 78….

Về phương án này, ông Hải đánh giá, năng lực vận chuyển của hệ thống vận tải hành khách công cộng tăng lên, riêng trục chính từ bến xe Yên Nghĩa đến Ngã Tư Sở, năng lực vận chuyển tăng từ 3 đến 4 lần so với hiện nay, và đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân. “Năng lực trung chuyển của hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị 2A đảm bảo cung ứng, giải tỏa khách tối ưu nhất cho tuyến đường sắt đô thị với năng lực trung chuyển từ 300 - 350 nghìn lượt hành khách/ngày”, ông Hải nói.

Về thời gian đi lại của hành khách đối với hành trình Cát Linh - Hà Đông khi tuyến đường sắt số 2A đi vào hoạt động, đại diện Cty Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, với chiều dài 13,5 km, nếu dùng phương tiện thông thường, người dân sẽ đi hết khoảng 40 phút, nhưng nếu đi bằng đường sắt số 2A, sẽ chỉ còn khoảng 20 phút. Đại diện Metro Hà Nội cho biết, tàu đi trên đường riêng, không xung đột với phương tiện khác, không phải chờ đèn đỏ, hoạt động ổn định...

Giảm 30 - 45% lượng xe buýt trên đường

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, khi đường sắt số 2A đi vào hoạt động chính thức, xe buýt cùng hướng tuyến được điều chỉnh giảm lượt khiến trục đường bộ Nguyễn Trãi - Quang Trung - Trần Phú (Hà Đông) giảm lưu lượng xe buýt 30 - 45% so với hiện nay, hạn chế ùn tắc.

Đề cập phương án vận hành và phục vụ người dân khi dự án được bàn giao, đưa vào hoạt động, đại diện Metro Hà Nội cho biết, ngoài các kịch bản kết nối với xe buýt đã được Sở GTVT Hà Nội xây dựng, Metro Hà Nội có phương án vận hành trình UBND thành phố. Theo đó, sau khi tuyến chính thức vận hành thương mại, đơn vị sẽ chở khách miễn phí 15 ngày để tạo điều kiện cho người dân làm quen, trải nghiệm.

Về giá vé, đại diện Metro Hà Nội thông tin, do được thành phố trợ giá nên tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông có giá vé 30.000 đồng/người/ngày (không hạn chế lượt đi) và 200.000 đồng/người/tháng. Metro Hà Nội cũng áp dụng chính sách miễn, giảm phí cho hành khách thuộc các trường hợp ưu tiên. Cụ thể, hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp, người cao tuổi; hỗ trợ 30% giá vé tháng cho cán bộ, nhân viên.

Nguồn: [Link nguồn]

Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy gần 300 lượt/ngày giữ lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Để thực hiện được lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, ngày 12/12, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Trọng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN