EVN độc quyền mà luôn luôn lỗ thì có nên tiếp tục nữa hay không?

“Lần nào tăng giá điện cũng nói là có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư ngành điện, nhưng một doanh nghiệp độc quyền luôn luôn lỗ thì có nên tiếp tục nữa hay không?”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nói trước QH.

EVN độc quyền mà luôn luôn lỗ thì có nên tiếp tục nữa hay không? - 1

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương

Sáng nay, QH thảo luật tại Hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như của Thủ tướng Chính phủ về những thành tựu kinh tế xã hội đạt được trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Nói về hai vấn đề cử tri quan tâm, ông Cương đề cập đến vấn đề của ngành GDĐT và tăng giá điện của EVN.

Ông Cương cho rằng, chưa cần nói đến tiêu cực trong kỳ thi THPT năm 2018 thì giáo dục vẫn được coi là một khoảng tối. Dù ghi nhận những cố gắng của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua, nhưng ông Cương cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Bộ cứ loay hoay với nhiều vấn đề mà dường như ít đem lại những kết quả để đạt được mục tiêu phát triển giáo dục đã đề ra.

“Cải tiến nối tiếp cải tiến nhưng trong khi sự cải tiến chưa mang lại kết quả gì rõ ràng thì tiêu cực, sai phạm lại nảy sinh. Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này rất nhiều cử tri có phàn nàn về chất lượng giáo dục và về bệnh thành tích cũng như tiêu cực trong giáo dục. Điều đó cho thấy không những người dân không yên tâm mà còn mất niềm tin với giáo dục. Thử hỏi nền giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu khi mà hiện trạng giáo dục thì như vậy, tiêu cực trong giáo dục còn khá là nặng nề, cộng với một thị trường văn bằng chứng chỉ giả rất sôi động”, ông Cương nói, đồng thời dẫn chứng, vừa rồi công an Hà Nội bắt có một vụ thôi mà thu được cả tấn phôi bằng.

Liên quan đến sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018, ông Cương cho rằng, Bộ GD&ĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại mà sai phạm đó mang lại. Nó khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà. “Là người tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng và tiến hành nhưng Bộ không kiểm soát được tình hình và ngay cả sai phạm khi xảy ra thì cũng không phải Bộ phát hiện mà do một nhóm các thầy ở Hà Nội phát hiện và tố giác rồi thì Bộ mới vào cuộc”, ông Cương nói.

Ông Cương tiếp tục phân tích, điều đáng nói hơn, khi làm rõ được sai phạm thì việc công khai danh tính của học sinh và phụ huynh liên quan sai phạm thì Bộ không có chính kiến rõ ràng vì cho rằng nào là nhạy cảm, nào là nhân văn/

“Nhưng xin thưa rằng, mất mát lớn nhất của vụ việc này chính là mất đạo đức xã hội. Chỉ khi xử lý triệt để vụ việc này thì mới lấy lại niềm tin của người dân và để người dân tin rằng đất nước này vẫn còn có pháp luật”, ông Cương nói đồng thời nhấn mạnh, Bộ đang rất nỗ lực cải tiến kỳ thi năm 2019 nghiêm túc và an toàn, nhưng ai dám bảo đảm những sai phạm đó sẽ không xảy ra nữa.

Giá điện cứ tăng, rồi tăng nữa tăng mãi

Liên quan đến giá điện, theo ông Cương, từ thuở khai sinh ra ngành điện nước nhà thì giá điện luôn tuân theo một quy trình bất biến là tăng rồi tăng nữa, tăng mãi. Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều mà họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. “Ấy vậy nhưng việc tăng giá điện thời gian vừa qua có rất nhiều mập mờ cần phải làm rõ”, ông Cương nói.

Ông Cương phân tích, người dân hoàn toàn có lý khi họ nghi ngờ việc tăng giá điện không phải 8,36% như doanh nghiệp công bố, khi mà số tiền điện mà họ phải trả theo hóa đơn thực tế trong tháng đầu tiên sau khi tăng giá điện nhiều, thậm chí gấp đôi, gấp ba, và họ cũng biết là việc sử dụng tăng lên do thời tiết nắng nóng.

“Giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ phải được lấy làm gốc và phải được căn cứ vào đó, dù có chia bảng giá điện thành 6 bậc hay cả trăm bậc đi chăng nữa thì giá bán lẻ điện bình quân là phải được chấp hành và không được thay đổi. Tôi có hỏi một số chuyên gia thì họ đều cho rằng việc chia bậc của EVN bao gồm cả nguyên tắc tiết kiệm điện thì giá bán lẻ điện bình quân là chưa đúng với quyết định của Chính phủ và đương nhiên bên lợi thuộc về doanh nghiệp chứ không phải người dân”, ông Cương nói.

Theo ông Cương, có cử tri nói một điều khiến ông phải suy nghĩ rằng, cứ nói đất nước phát triển, đời sống người dân được nâng cao, ấy vậy mà mức tiêu dùng điện cứ duy trì ở mức thấp, chỉ phù hợp với hộ gia đình nghèo ở vùng khó khăn. Người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện nhưng phải phù hợp với thực tiễn chứ không phải tiết kiệm bằng mọi giá.

“Không phải ngẫu nhiên mà EVN lấy thời điểm chuyển mùa để tăng giá điện, mà cứ tăng rồi đổ cho thời tiết là hợp lý nhất và đỡ phải giải thích nhiều. EVN và cơ quan quản lý nhà nước, cứ so sánh giá điện của Việt Nam thấp nhưng tôi cho rằng việc chỉ so sánh đầu ra mà không so sánh cả đầu vào là khập khiễng.

Chưa kể một doanh nghiệp độc quyền như EVN được ưu đãi đủ thứ, chưa tính đến chuyện thất thoát điện năng do quản lý và kỹ thuật, có giống nhau đâu mà so sánh. Đó là chưa nói đến thu nhập đầu người của Việt Nam là thấp. Có một việc rất đáng so sánh là ở một số nước do nắng nóng họ giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn thì sao chẳng thấy ai so sánh cả. Cứ rao giảng rằng tăng giá điện thì các bên đều được lợi, nhưng thực tế người tiêu dùng lợi đâu chẳng thấy mà răng chẳng còn”, ông Cương nói thêm.

Chốt lại, ông Cương cho rằng, lần nào tăng giá điện cũng nói là để có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư ngành điện, nhưng một doanh nghiệp độc quyền luôn luôn lỗ thì có nên tiếp tục nữa hay không? Chưa kể lộ trình bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh liệu có thực hiện được không. Và tôi nghe có một số dự án của ngành điện đang triển khai đều chậm tiến độ và sự thất thoát từ chậm tiến độ là điều tất yếu. Đề nghị cho công bố kết luận của thanh tra chính phủ để cho thấy một bức tranh đầy đủ về một doanh nghiệp độc quyền như EVN”, ông Cương nói.

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định kiểm tra việc tăng giá điện

Đầu giờ chiều nay 24-5, Thanh tra Chính phủ sẽ công công bố quyết định kiểm tra việc tăng giá điện với sự tham gia của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TRƯỜNG PHONG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN