Đàn Xã Tắc có đáng được bảo vệ?

Là chủ đề của buổi tọa đàm diễn ra vào ngày mai 8/5, do TS Sử học Nguyễn Hồng Kiên (người phụ trách khai quật khảo cổ học di tích này) thuyết trình.

Ông Kiên cho biết, thời gian gần đây một số báo đã đưa những thông tin không chính xác về di tích Đàn Xã Tắc. Điều đáng nói là, trong lúc nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng cần phải bảo tồn di tích quý giá này, thì ông Nguyễn Văn Hảo, người từng giữ chức Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học lại khẳng định: “Hà Nội chưa bao giờ tìm ra Đàn Xã Tắc”.

Theo đó, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho rằng, bên dưới tấm bia đá ở Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) không phải là Đàn Xã Tắc, nó chỉ có ý nghĩa “nhắc nhở” ở phía Tây Nam Thủ đô có Đàn Xã Tắc. Do vậy, vị này ủng hộ xây dựng cầu vượt qua đây mà không phải lo Đàn Xã Tắc bị xâm phạm.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Hồng Kiên - người phụ trách khai quật khảo cổ học di tích này cho rằng ý kiến của ông Hảo không chính xác, khiến người dân hiểu nhầm.

Đàn Xã Tắc có đáng được bảo vệ? - 1

Phương án xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc gặp phải nhiều ý kiến trái chiều

Ông Kiên dẫn chứng, tại Hội thảo ngày 18/1/2000 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu, GS.TS Đỗ Hoài Nam (Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội), GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử), GS Vũ Khiêu (Viện Khoa học Xã hội) nhất trí kết luận: “Địa điểm thăm dò khảo cổ đúng là khu vực Đàn Xã Tắc Thăng Long, có niên đại kéo dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18”.

TS Kiên nói: “Những phát biểu sai của ông Hảo hẳn đã khiến không ít người nghĩ chúng tôi làm ăn bậy bạ. Trong khi đó, tôi và các đồng nghiệp đã phải làm báo cáo, tranh luận, giải thích trước ít nhất hai cuộc hội thảo có các chuyên gia đầu ngành về lịch sử và văn hóa”.

Bên cạnh đó, di tích này cũng đã được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia, theo quyết định số 15/2007/QĐ-BVHTTDL, ngày 07/12/2007.

“Chỉ dăm ba câu phát biểu của những người không có chuyên môn không thể phủ nhận được điều đã được các nhà khoa học và cơ quan quản lý văn hóa thống nhất từ trước. Di tích Đàn Xã Tắc Thăng Long cần phải được bảo tồn. Việc xây cầu vượt tại Ô Chợ Dừa, dù là xây sắt hay bê tông... đều là vi phạm Luật Di sản”, ông Kiên nói.

Ông Kiên cho biết thêm, tại buổi tọa đàm ngày mai, ông sẽ thuyết trình về quá trình điều tra và khai quật khảo cổ di tích Đàn Xã Tắc cách đây gần 10 năm; về các căn cứ khoa học khẳng định đó là di tích Đàn Xã Tắc; về giá trị của khu di tích Đàn Xã Tắc Thăng Long….

Theo Ban tổ chức buổi tọa đàm “Đàn Xã Tắc có đáng được bảo vệ không?”, trước những thông tin trái chiều liên tục thời gian qua về Đàn Xã Tắc, Ban tổ chức muốn có một cuộc gặp gỡ của nhiều nhà khoa học, để trực tiếp trao đổi về vấn đề này.

Trong cuộc tọa đàm diễn ra vào ngày mai, 8/5, ngoài TS Sử học Nguyễn Hồng Kiên, Ban tổ chức đã mời các vị từng có ý kiến phủ nhận việc tìm được di tích Đàn Xã Tắc và ủng hộ việc xây cầu vượt qua đây, như: ông Nguyễn Văn Hảo (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học), ông Giang Quân (nhà Hà Nội học), nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hội GTVT Hà Nội), ông Nguyễn Hoàng Long (Phó trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội), ông Phan Đăng Long (Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội); TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học); TS. Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp UIA)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Hà Nội xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN