"Tôi sẽ kiện nếu băm nát Đàn Xã Tắc"
Trước đây, chúng ta đã có một bước lùi là lấp đất, cát lên mặt di tích và tiếp tục làm đường, việc làm đường như vậy ít nhiều di tích bị ảnh hưởng xấu, vì xe cộ đi qua sẽ tạo ra rung chấn.
TS khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên (ảnh), người trực tiếp khai quật Đàn Xã Tắc cho rằng, vì muốn tạo diễn đàn cho các học giả, người quan tâm tranh luận nên anh đã kiệm lời trong cuộc tọa đàm, thế nhưng hầu hết các ý kiến phát biểu lại lái vấn đề sang một hướng khác, quá xa chủ đề: Đàn Xã Tắc có đáng được bảo vệ hay không trong bối cảnh một cây cầu vượt có khả năng sẽ được xây dựng qua khu vực này. Nhưng TS Hồng Kiên cương quyết, nếu UBND TP Hà Nội vẫn xây dựng cầu vượt, anh sẽ nhờ luật pháp để kiện đến cùng.
Cuối tháng 4/2013 Hà Nội vẫn thông qua phương án xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. Là nhà khảo cổ học trực tiếp khai quật di tích này anh có ý kiến thế nào về phương án của Thủ đô?
Chúng ta đều biết, Đàn Xã Tắc là một di tích đã được xếp hạng quốc gia. Vì vậy, tài sản quốc gia cần phải thực hiện và được bảo vệ theo đúng Luật Di sản.
Nếu cầu vượt được làm theo đúng như phương án chủ đầu tư công bố thì Đàn Xã Tắc chắc chắn không thể bảo vệ được. Trước đây, chúng ta đã có một bước lùi là lấp đất, cát lên mặt di tích và tiếp tục làm đường, việc làm đường như vậy ít nhiều di tích bị ảnh hưởng xấu, vì xe cộ đi qua sẽ tạo ra rung chấn. Nhưng dù sao con đường ấy không gây tác hại lớn bằng việc xây cầu vượt. Bởi theo phương án mà người ta trình bày, cầu vượt có các trụ nằm trong di tích, mỗi trụ cầu phải đào tới gần 100m2, như vậy sẽ “băm nát” toàn bộ di tích. Ai cũng biết, bảo vệ vùng một của di tích là bảo vệ cả cảnh quan và không gian. Việc làm cầu vượt là cắm cọc vào di tích và lấn chiếm không gian của di tích, như vậy là phạm luật.
Nhưng theo chủ đầu tư xây dựng cầu vượt, cây cầu chỉ đi qua một phần không gian của Đàn Xã Tắc. Thực hư chuyện này thế nào?
Chúng ta phải phân biệt rất rõ chuyện khu di tích Đàn Xã Tắc và khu di tích được xếp hạng. Bây giờ, mới chỉ xếp hạng khu vực chúng tôi đã khai quật thôi chứ chưa xếp hạng toàn bộ di tích Đàn Xã Tắc. Nhưng ngay cả chuyện bảo vệ những điểm mà chúng tôi đã đào cũng đang khó khăn thế này thì làm sao nói tới chuyện bảo vệ cả khu vực Đàn Xã Tắc.
Mọi người có thể xem lại phương án mà chủ đầu tư đã công bố trước công luận để thấy rõ hơn về những gì họ lý giải. Họ cho rằng, cầu chỉ đi qua một phần không gian của Đàn Xã Tắc, nhưng thực tế thì tôi đã chứng minh được rằng phương án này đi qua trung tâm khu vực Đàn mà chúng tôi đã khai quật, chứ không đi bên mé Đàn như họ nói.
Ở đây, tôi phải nói rõ một điều là đang có sự đánh tráo khái niệm. Khu di tích được xếp hạng bảo vệ thì họ lờ đi và coi đảo giao thông là di tích, và khi đưa ra phương án thiết kế cầu thì họ đưa đảo giao thông ra thành điểm cần phải tránh. Nhưng đảo giao thông thực tế không phải là khu vực quan trọng nhất, mà chỉ là một phần bên ngoài những cái hố mà chúng tôi đã khai quật. Tôi xin nói rõ, hai trụ của cầu định cắm xuống (theo thiết kế) thì chắc chắn là một cái cắm đúng vào hố mà chúng tôi đã đào.
TS khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên
Có một thực tế, nếu Hà Nội không giải quyết được nút giao thông này sẽ xảy ra ùn tắc rất lớn. Ông có phương án nào về việc song song làm cầu vượt và bảo vệ Đàn Xã Tắc hay không?
Quan điểm của tôi rất rõ ràng là không làm cầu vượt qua di tích Đàn Xã Tắc. Còn để giải quyết được nút giao thông này thì đó là chuyện của ngành giao thông. Xin kể lại câu chuyện cũ là vào thời gian năm 2006 – 2007 khi khai quật được di tích rồi thì Hà Nội chỉ đạo là để lại một đảo giao thông đủ lớn để bảo vệ khu vực chúng tôi đã khai quật được, mở đường vòng sang hai bên.
Ngay tại thời điểm ấy, tôi đã nói với các ông ấy rằng, các anh đang tự làm khó mình, đấy là làm một con đường mới hình thành “ngã tư” ngay cạnh “ngã năm” là cách anh tự làm tắc đường chứ không thể đổ tại vì Đàn Xã Tắc.
Để giải quyết rắc rối của nút giao thông hiện tại thì ngành giao thông phải chủ động đưa ra phương án hợp lý, bởi vì chính họ gây ra những khó khăn cho hôm nay. Còn theo quan điểm của cá nhân tôi thì phương án khả dĩ nhất là có thể tìm cách đồng nhất “ngã tư’ và “ngã năm” này với nhau, tiếp tục mở rộng ra thành một đảo chung tại khu vực này. Tôi nhắc lại, nếu Hà Nội kiên quyết làm cầu qua đây thì tôi sẽ kiện tới cùng, vì làm như vậy là phạm luật.
Hiện thông tin về Đàn Xã Tắc đang bị loạn. Lý do là có quá ít người thực sự hiểu tường tận về Đàn Xã Tắc. Vậy nên trong thời gian qua và cụ thể trong cuộc tọa đàm ngày 8/5 mới có nhiều ý kiến nghi ngờ về việc Đàn Xã Tắc đào được có phải là Đàn Xã Tắc thời Lý, Trần, Lê hay không và Đàn Xã Tắc Việt Nam so với Đàn Trung Quốc giống khác nhau thế nào, tại sao phải coi trọng vai trò của Đàn Xã Tắc hiện nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hồng Kiên để sớm đưa đến độc giả câu trả lời rõ ràng, sâu sắc nhất vào số báo tiếp theo. |