Hậu trường ngoại giao vaccine qua lời kể Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Áo

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Từ mức độ ủng hộ bình thường, Mỹ chuyển Việt Nam sang vị trí ưu tiên trong danh sách viện trợ vaccine ngừa Covid-19.

Hiện tại đã có 62 tỉnh, thành phố tiêm vaccine mũi 1 trên 80% và nhiều tỉnh thành hoàn thành tiêm mũi 2 và rục rịch tiêm mũi tăng cường. Kết quả này đạt được chính là nhờ chiến lược “ngoại giao vaccine” đúng đắn, linh hoạt, kịp thời.

Hỗ trợ vaccine cho nước khác cũng là cứu mình

Bên lề Hội nghị Ngoại giao toàn quốc vừa diễn ra tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã có chia sẻ rõ hơn về hậu trường của công tác ngoại giao vaccine cũng như chủ trương của Việt Nam trong vấn đề này. Hai ông là một trong những người đã trực tiếp tham gia vào nỗ lực ngoại giao vaccine của Việt Nam thời gian qua.

Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên cho biết: Thực chất việc phân phối vaccine giữa các nước trực tiếp với nhau hoặc thông qua cơ chế vaccine như COVAX phản ánh, đây là khủng hoảng toàn nhân loại.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bàn giao 270.000 liều vaccine Pfizer Mỹ tặng Việt Nam ngay trong chuyến thăm hồi tháng 8. Ảnh: Reuters

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bàn giao 270.000 liều vaccine Pfizer Mỹ tặng Việt Nam ngay trong chuyến thăm hồi tháng 8. Ảnh: Reuters

“Toàn cầu không thể vượt qua dịch bệnh nếu còn có nước chưa giải quyết được Covid-19. Nếu các nước châu Âu chỉ cứu mình mà không cứu châu Phi thì cuối cùng dịch bệnh cũng sẽ từ châu Phi sang châu Âu như chúng ta đã thấy sự lây lan của biến chủng Omicron vừa qua”, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên nói.

Chính vì vậy, theo ông, rất nhiều nước hỗ trợ vaccine không điều kiện bởi họ xác định cứu nước láng giềng cũng chính là cứu mình.

Cùng có ý kiến tương tự, ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - quốc gia viện trợ vaccine cho Việt Nam nhiều nhất tính đến thời điểm này kể: “Tại thời điểm biến chủng Delta hoành hành, nhận thấy nguy cơ bùng phát mạnh tại Việt Nam, chúng tôi đã đặt ngay vấn đề với phía Mỹ rằng - nếu không trợ giúp kịp thời thì về lâu dài, xa hơn, sẽ ảnh hưởng đến cả những cơ sở sản xuất của Mỹ tại Việt Nam, tác động vào chuỗi cung ứng khu vực”.

Điều gì khiến các nước viện trợ nhiều cho Việt Nam?

Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, tại thời điểm vaccine còn mới và khan hiếm, trên thế giới có biết bao quốc gia từ nghèo nàn đến đang phát triển đều “khát” vaccine. Và điều giúp Việt Nam khác biệt so với các nước chính là sự chủ động, linh hoạt và cam kết sử dụng đến liều cuối cùng.

Chủ động là ở chỗ ngay trong tháng 9, sau khi Chính phủ thành lập Tổ công tác về “ngoại giao vaccine”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định đóng góp 500.000 USD cho cơ chế COVAX.

“Ở thời điểm Mỹ khó khăn trong giai đoạn đầu đại dịch, dù Việt Nam thiếu trăm bề nhưng đã sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ hết sức có thể. Những hành động đó đã tạo được ấn tượng rất tốt.

Sau đó, khi chúng tôi đề cập tới câu chuyện vaccine với phía bạn, họ đều nhắc lại một câu: “Người bạn thực sự là người bạn giúp nhau trong lúc khó khăn”. Mỗi lần bạn tặng chúng ta vaccine, họ đều nhắc lại câu nói đó!”, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ chia sẻ.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc chia sẻ tại một tọa đàm bên lề Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20. Ảnh: Tuấn Anh (Báo Quốc tế)

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc chia sẻ tại một tọa đàm bên lề Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20. Ảnh: Tuấn Anh (Báo Quốc tế)

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Mỹ nắm rõ quan điểm của chính quyền các bang, hiệp hội hay bệnh viện tại Mỹ rằng kể cả khi dư thừa, họ cũng không được phép viện trợ cho các nước không thể kiểm soát được chất lượng hay lãng phí vaccine.

“Do đó, khi trao đổi với các đối tác Mỹ, tôi đã khẳng định - một liều vaccine của các bạn cũng đều được sử dụng, không phí phạm!”, Đại sứ Hà Kim Ngọc kể.

Thực tế, việc Việt Nam triển khai sử dụng vaccine hiệu quả đã khiến Mỹ tăng cường hỗ trợ hơn. Từ mức độ ủng hộ bình thường, Mỹ chuyển Việt Nam sang vị trí ưu tiên trong danh sách viện trợ và gần đây nhất tổng số vaccine Mỹ viện trợ cho Việt Nam đã đạt 24,5 triệu liều, chiếm 1/3 tổng viện trợ cho khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn cả thế giới “giành giật” vaccine, vận động cấp cao của chúng ta cũng đóng vai trò rất quan trọng. Chẳng hạn, ban đầu, khi Việt Nam đặt mua vaccine của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ), họ chỉ cho biết sẽ cố gắng hết sức để chuyển giao theo cam kết (tức là có hoặc không).

Nhưng sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đích thân tới “đại bản doanh” của Pfizer thì họ đã khẳng định “từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ bàn giao hết”.

“Kết quả ngoại giao vaccine đó thực sự là kết tinh tổng lực quyết liệt từ các cấp, các ngành và từ trong đến ngoài nước”, ông Ngọc nói.

Tự chủ vaccine

Quan trọng hơn cả, hai Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ kêu gọi viện trợ mà đã chủ động mua cũng như mong muốn hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ để tự chủ vaccine về sau này.

Theo Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, ngay từ đầu đại dịch, Việt Nam đã chủ động mua vaccine nhưng không thể ngồi chờ mà phải nhanh chóng kêu gọi viện trợ vaccine trước để đáp ứng nhu cầu cấp thiết kịp thời.

Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên chia sẻ bên lề Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20

Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên chia sẻ bên lề Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20

Sau đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Vingroup đã liên kết để tìm cách đưa công nghệ vaccine về nước. Đó là thương vụ hợp tác nghiên cứu, triển khai, chia sẻ lợi nhuận để từ đó nâng tầm, khả năng nghiên cứu phát triển công nghệ trong nước, tiến tới làm chủ công nghệ - ông Kiên cho hay.

Còn theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, sớm nhất đến đầu năm 2022, hợp tác giữa Vingroup và Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ về công nghệ mRNA sẽ có kết quả. Vaccine theo công nghệ mRNA được chứng minh là có hiệu quả trên cả những biến thể như Delta, Omicron...

Sâu xa hơn, Việt Nam mong muốn hợp tác với Mỹ để trở thành một trung tâm sản xuất vaccine và tiếp theo là thuốc điều trị và các trang thiết bị y tế. Thực tế, chính quyền Mỹ không chỉ hỗ trợ vaccine, trang thiết bị y tế (khoảng 40 triệu USD), họ còn hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho các lực lượng y tế trong cách chống dịch.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 8 vừa qua, phía Mỹ khai trương văn phòng khu vực của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại Hà Nội.

“Tôi nghĩ đây là nền tảng rất tốt để chúng ta thúc đẩy hợp tác trong tương lai, nhưng quan trọng nhất phải là tự chủ về vaccine”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Trên 60% F0 tử vong ở TP Thủ Đức là người chưa tiêm vắc xin

Trên 60% ca tử vong do mắc COVID-19 ở TP Thủ Đức là những trường hợp chưa tiêm vắc xin, trong đó có cả trường hợp có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN