Đã lấy được hộp đen Sukhoi gặp nạn
Chiếc hộp đen đã được nhóm cứu hộ Indonesia tìm thấy ngày hôm qua ở cách đuôi máy bay bị rơi 100m.
Việc lấy được hộp đen sẽ giúp tìm hiểu lý do tại sao một phi công kỳ cựu lại khiến chiếc máy bay Sukhoi Superjet 100 đâm vào núi tuần trước khiến tất cả 45 người trên khoang tử vong.
“Chúng tôi đã tìm thấy chiếc hộp đen vào khoảng 10h00 sáng nay (3h00 GMT), Ketut Parwa, trưởng nhóm cứu hộ nói với các phóng viên vào cuối ngày hôm qua tại khu vực gần vị trí máy bay rơi ở đỉnh núi Salak, phía Tây Java, Indonesia.
“Nó nằm cách vị trí đuôi chiếc máy bay chúng tôi xác định được khoảng 100m”.
Một sỹ quan quân đội Indonesia cho các phóng viên xem chiếc hộp đen của máy bay Sukhoi Superjet 100 tại căn cứ tìm kiếm cứu nạn ở Cijeruk, gần đỉnh Salak ngày 15/5/2012
Những ngày qua, nhóm cứu hộ gồm các nhân viên tìm kiếm Indonesia và các chuyên gia Nga đã lùng sục khắp vùng núi rậm rạm để tìm chiếc hộp đen trong khi xuất hiện nhiều câu hỏi liệu sai sót kỹ thuật hay yếu tố con người mới chính là nguyên nhân khiến máy bay Sukhoi Superjet 100 bị rơi.
Chiếc máy bay này đã mất liên lạc và biến mất khỏi màn hình radar sau khi cất cánh chưa lâu trong một chuyến bay trình diễn gần Jakarta, dự kiến kéo dài khoảng 40 phút.
Một binh sỹ Indonesia điều khiển trực thăng quân sự tới căn cứ cứu hộ trên đỉnh Salak
Nhiều chuyên gia phân tích nhận xét rằng địa hình đồi núi ở Tây Java rất khó khăn, thậm chí là với những phi công dày dặn kinh nghiệm nhất nếu họ không quen thuộc với khu vực.
Chiếc hộp đen, thường được sơn màu cam sáng để dễ phát hiện khi gặp sự cố, dường như đã bị cháy đen trong vụ tai nạn và sẽ được chuyển giao cho Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, cơ quan chịu trách nhiệm công tác điều tra với sự trợ giúp của hơn 70 chuyên gia Nga.
Các quan chức không nói rõ liệu chiếc hộp đen có bị hư hại hay nó sẽ có ảnh hướng tới công tác điều tra hay không.
Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra xung quanh việc tại sao máy bay lại bị rơi trong khi được điều khiển bởi một phi công nhiều kinh nghiệm cầm lái như vậy.
Một ủy ban tìm kiếm sự thật Nga từng nói rằng có các dấu hiệu cho thấy các tiêu chuẩn về an toàn đã bị vi phạm.
Mấu chốt của bí ấn là tại sao phi công lại đề nghị hạ độ cao từ 10.000 feet (3.000 m) xuống 6.000 feet trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar và đâm vào đỉnh Salak ở độ cao 7.200 feet.
Tất cả 45 hành khách trên chuyến bay, gồm 8 người Nga, 1 người Mỹ, 1 người Pháp, 2 người Italia và 33 người Indonesia đều thiệt mạng. Thi thể các nạn nân đã được chuyển về Jakarta để nhận dạng.
“Chiến dịch trên mặt đất sẽ vẫn tiếp tục. Chúng tôi vẫn còn một vài túi đựng thi thể nữa cần chuyển về Jakarta," Đại tá Anton Mukti Putranto, thuộc nhóm cứu hộ cho biết.
Các quan chức Nga cho rằng điều tra đầy đủ nguyên nhân vụ tai nạn có thể phải mất tới một năm.