Chỉ 1 bác sĩ có nguy cơ lây HIV từ ca mổ đặc biệt

“Bệnh nhân N.T.H - người nhiễm HIV đang điều trị nên 18 y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có thể yên tâm, bởi khả năng lây truyền virus HIV rất thấp”, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định.

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân N.T.H được cứu sống, nhưng 18 y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV. Họ đang phải uống thuốc dự phòng kháng virus. Hiện tất cả phải chờ 3 tháng để có kết quả xét nghiệm.

Để tìm hiểu rõ hơn về cơ chế lây nhiễm HIV, chính sách cho nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV từ người bệnh, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Hoàng Đình Cảnh - Phó cục trưởng Cục Phòng, chống AIDS, Bộ Y tế.

Thưa ông, vừa qua 18 y, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV từ ca mổ đặc biệt. Đứng về phía cơ quan quản lý trong phòng, chống HIV/AIDS, ông có cảm nghĩ gì về sự việc trên?

- Cả tập thể lao vào cứu sống bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp nên cán bộ y tế không kịp sử dụng các dụng cụ dự phòng an toàn. Lúc đó, cán bộ y tế không biết, không nhớ mình bị phơi nhiễm thế nào. Họ làm vì lương tâm người thầy thuốc, thực hiện đúng với lời thề Hippocrates.

Theo tôi, bệnh nhân N.T.H là người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc nên các bác sĩ có thể yên tâm hơn, nồng độ virus trong máu thấp nên khả năng lây lan thấp.

Phơi nhiễm HIV chỉ xảy ra trong 3 tình huống. Thứ nhất, kim, vật nhọn xuyên vừa tiếp xúc với máu và dịch của người nhiễm HIV chích qua da, niêm mạc. Thứ hai, vết thương hở trên da và niêm mạc tiếp xúc với máu, dịch của người nhiễm HIV. Thứ ba, máu, dịch người nhiễm HIV bắn vào mắt, mũi họng.

Đối chiếu với sự việc 18 y, bác sĩ bị phơi nhiễm, cán bộ y tế không nhớ chính xác, nhưng phần lớn đều đi găng tay và đeo khẩu trang. Trong số này chỉ có 1 bác sĩ có khả năng lây nhiễm HIV từ bệnh nhân (khoảng 0,1%) do bác sĩ không đeo găng, trực tiếp tiếp xúc với máu và dịch của bệnh nhân. Còn lại, 17 người khác có nguy cơ rất thấp.

Chỉ 1 bác sĩ có nguy cơ lây HIV từ ca mổ đặc biệt - 1

TS Hoàng Đình Cảnh - Phó cục trưởng Cục Phòng, chống AIDS, Bộ Y tế.

Nhiều người lo sợ, sau 6 tháng xét nghiệm HIV, kể cả cho kết quả âm tính, nạn nhân vẫn có thể nhiễm? Thực hư điều này ra sao, thưa ông?

- Trong thời điểm này, chưa thể khẳng định 18 cán bộ y tế nhiễm hay không nhiễm HIV. Chúng tôi chỉ có thể kết luận sau 3-6 tháng xét nghiệm.

Tuy nhiên, với kỹ thuật tiên tiến như hiện nay, sau 3 tháng xét nghiệm HIV, nếu bệnh nhân âm tính sẽ không thể nhiễm.
Tại BV Phụ sản Hà Nội, sau sự việc, các y, bác sĩ đã xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính với HIV. Hơn nữa, 18 trường hợp này đã được điều trị uống thuốc dự phòng ngay trong 72 giờ đầu.
 
Thưa ông, sự việc đã xảy ra gần 1 tuần, 18 y, bác sĩ vẫn làm việc bình thường. Họ vẫn thực hiện nhiều ca mổ và và các thủ thuật. Vậy những y, bác sĩ này có nguy cơ truyền bệnh cho bệnh nhân hay không?

- Để lây truyền virus HIV từ 18 y, bác sĩ này sang bệnh nhân là vô cùng khó. Bởi thời gian 18 y, bác sĩ tiếp xúc với người nhiễm HIV rất ngắn. Hơn nữa, từ ngày 4.7 tới nay mới có 5 ngày nên chưa đủ để virus nhân lên trong cơ thể của mỗi người và chưa đủ khả năng để lây nhiễm sang những người xung quanh.
 
Mặt khác, các y, bác sĩ này được điều trị dự phòng sớm. Nên nếu giả sử, các y, bác sĩ này bị virus HIV xâm nhập vào cơ thể thì sẽ phát triển chậm.
 
Đặc biệt, để lây sang những người xung quanh, số lượng virus trong máu phải lớn (trên 10 ngàn virus/1ml máu). Hơn nữa, trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân, các y, bác sĩ cũng đã có biện pháp dự phòng tổng thể.
 
Trong sự việc này, người nhà bệnh nhân không cung cấp thông tin bệnh nhân bị nhiễm HIV cho các y, bác sĩ khi đưa vào cấp cứu. Ông đánh giá như thế nào về tình huống này?
 
- Trong tình huống cụ thể này, không thể trách người nhà bệnh nhân, bởi khi đưa vào cấp cứu, họ rất bối rối. Họ có thể không đủ sáng suốt để nghĩ tới thông báo. Ngoài ra, nhân viên y tế phải lập tức cứu người bệnh nên không đủ thời gian để hỏi người nhà.
 
Mặt khác, chúng ta vẫn phải tôn trọng sự bảo mật đối với những người bị nhiễm HIV. Theo luật, đối với trường hợp cấp cứu (dù HIV hay không HIV) đều được hưởng quyền lợi như nhau.
 
Pháp luật cũng bảo vệ người bệnh, cho phép người bệnh có quyền không cung cấp thông tin này. Tuy nhiên, theo tôi, phía người nhà bệnh nhân nếu biết nên cung cấp thông tin để cán bộ y tế có biện pháp phòng tránh.

Thưa ông, theo thống kê, số lượng nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV từ người bệnh như thế nào? Ngoài ra, những người phơi nhiễm và nhiễm HIV có chính sách gì không, thưa ông?
 
- Theo thống kê, mỗi năm có hàng nghìn nhân viên y tế, chiến sĩ công an bị phơi nhiễm HIV. Cụ thể: Năm 2013, cả nước có 914 người phơi nhiễm. Năm 2014 có 915 người phơi nhiễm. Tuy nhiên, trong số này, người bị nhiễm HIV rất ít.
 
Bộ Y tế đã có quy định rất rõ về chế độ đối với những nhân viên y tế bị phơi nhiễm trong quá trình lao động. Cụ thể: Người phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ được tư vấn, xét nghiệm miễn phí, được cung cấp thuốc dự phòng miễn phí, được nghỉ 20 ngày hưởng nguyên lương để theo dõi, điều trị.
 
Ngoài ra, đối với người nhiễm HIV được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 30 tháng lương, hưởng chế độ hưu sau 20 năm công tác. Nếu chết, gia đình được tiền tử tuất.
 
Đối với 18 y, bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng được hưởng đầy đủ các chế độ này. Tuy nhiên, 18 người này vẫn tiếp tục đi làm. Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần làm việc của họ.
 
Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
18 y, bác sĩ bị phơi nhiễm HIV Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN